Bài 3: Ca từ và vũ đạo trong diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

10:38 | 19/04/2022

Diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, lời văn, múa và trang phục… Tạo nên một bức tranh tổng thể, một nghi thức tiêu biểu nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ý đẹp, lời hay

Âm nhạc của diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành từ lâu, mang bản sắc riêng và có thể quy định chặt chẽ về làn điệu, cũng như cách thức trình diễn. Thể loại âm nhạc này quy tụ khá nhiều các hình thức dân ca nên nó gần gũi với dân ca ở tiết tấu, giai điệu, lời ca.

Cấu trúc của loại hình âm nhạc này vừa cân đối vừa hoàn chỉnh trong câu văn, làn điệu nhưng mặt khác vẫn là một cấu trúc mở. Nghĩa là giai điệu của nó được lặp đi lặp lại để chứa đựng nội dung ca từ, âm nhạc và kết hợp với múa thành nghệ thuật diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Nhìn nhận diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu từ nhiều góc độ, dù có thể bị bao bọc bởi lớp tín ngưỡng, nhưng nó vẫn được coi là một di sản văn hoá vùng miền. Nó vẫn tồn tại trong các hoạt động văn hoá truyền thống, như một cái riêng là một bộ phận không thể thiếu, trong các lễ hội cũng như các hoạt động tín ngưỡng của người dân.

Bài 3: Ca từ và vũ đạo trong diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Mồi được làm bằng giấy bản tẩm nến hoặc dầu lạc xoắn lại và đốt lửa khi múa. (Ảnh Nhất Nam)

Về nội dung, các giá văn cổ truyền bao giờ cũng mở đầu là một vài câu thỉnh. Thỉnh là mời, là triệu tập vị Thánh nào đó về trần để chứng kiến lòng thành và giải quyết cho công việc của tín chủ cùng các con nhang đệ tử. Đó là thông điệp ban đầu giữa con người và thần thánh trong quan niệm tín ngưỡng. Sau tín hiệu nhập cuộc hầu hết các bài văn cổ truyền, đều kể về sự tích, lai lịch các vị Thánh có công với đất nước trong lịch sử dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp của họ đã khắc thành những dấu ấn đậm trong tâm tưởng của người dân. Dấu ấn ấy qua tín ngưỡng dân gian dần dần thành những ca từ đầy màu sắc huyền bí. Trừ bốn Mẫu: Thượng thiên, Thượng ngàn, Mẫu địa, Mẫu thoải là biểu trưng xa xưa của dân tộc. Còn lại, từ các Quan lớn, Quan hoàng, đến các vị Thánh nữ trong chầu văn đều có tên tuổi và gắn liền với một thời kỳ lịch sử, một triều đại phong kiến nào đó. Chầu văn kể về họ ở hai cõi: Cõi trần thế khi còn sống và cõi siêu phàm khi đã thoát tục, như: Văn chầu Đức Thánh Trần, thuật lại lai lịch của vị anh hùng dân tộc theo đúng nội dung của truyền thuyết dân gian và là người nhà trời giáng thế phù dân nước Nam đánh đuổi quân Mông ra khỏi bờ cõi.

Ngoài ra qua nghiên cứu ta thấy, các bài chầu văn xưa còn có nội dung khắc họa một số chân dung nhân vật một cách trực quan về công việc được nhân gian truyền tụng như: Cô Đôi Cam Đường, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Cô bé Suối Ngang dạy dân đàn, hát, dạy voi kéo gỗ…

Bài 3: Ca từ và vũ đạo trong diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Các động tác múa của thanh đồng không cầu kỳ, phức tạp (múa chèo thuyền, thanh đồng Trịnh Thị Thuận. Ảnh: Nhất Nam).

Nhìn chung trong diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nội dung ca từ của các nhân vật nữ được mô tả nhiều hơn và hay hơn các nhân vật nam. Nội dung ca từ ở phạm vi này thường tuân thủ theo tiêu chuẩn hoàn thiện của phụ nữ là Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Đây cũng là điểm nhấn trong nội dung ca từ của các cung văn, khi ca ngợi người mẹ, làm xóa nhòa khoảng cách về giới trong xã hội xưa.

Như chúng ta đều rõ, thể thơ lục bát được phổ biến ở Việt Nam từ thời Hậu Lê giàu nhạc điệu, trữ tình, và có sắc thái mượt mà, êm dịu, lại cũng rất sôi động bay bổng. Thơ song thất lục bát khoẻ khoắn, trang nghiêm, nhưng cũng rất trữ tình mềm mại. Hai thể thơ: Lục bát và song thất lục bát đã được nhân dân vận dụng thành hình thức ca từ của chầu văn. Có thể nói, không có hình thức ca từ bằng thể thơ lục bát và song thất lục bát thì khó thành diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

... múa thiêng

Múa và đạo cụ trong diễn xướng diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thuộc thể loại múa tôn giáo (múa thiêng) được kết hợp nhịp nhàng với tiếng nhạc, lời hát thể hiện “Thánh nhập” vào những thanh đồng. Các động tác múa lên đồng không cầu kỳ phức tạp, và phổ biến là múa có đạo cụ, như múa cung, múa kiếm, múa quạt, múa long đao, múa hèo (tên một đạo cụ), múa mồi (mồi được làm bằng giấy bản tẩm nến hoặc dầu lạc xoắn lại và đốt lửa khi múa), múa chèo thuyền…

Các cô Đôi, cô Năm, cô Sáu, kể cả Mẫu Thượng Ngàn, Tứ phủ Chầu bà hay các cô Thượng Ngàn thường hay múa mồi. Khi múa, hai tay mồi của thanh đồng có các động tác chéo tay trước ngực, cuộn tay hoặc giang hai tay.

Múa chèo đò dành riêng cho Mẫu Đệ Tam, Chầu Đệ Tam cũng như Cô Bơ Thoải Phủ (Cô Ba Thuỷ Phủ). Múa cung, múa kiếm, múa long đao thường dành cho các Quan lớn, các ông Hoàng hoặc những danh tướng đánh giặc cứu nước, cứu dân.

Tuy nhiên, múa trong diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không có tiết tấu bài bản cụ thể, mà thường theo ngẫu hứng. Đó chính là thời điểm tạo nên sự hợp thể hòa đồng, với nguyện vọng vươn tới của con người.

Có thể nói múa là một thành tố quan trọng trong nghệ thuật diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Nó đã khái quát, khắc họa diện mạo của một ông Hoàng hay bà Chúa nào đó khi nhập đồng. Múa trong diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không những là diễn đạt sự thăng hoa của các ông đồng, bà cốt mà còn tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn trong hoạt động tín ngưỡng này.

Bài 3: Ca từ và vũ đạo trong diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
Múa mồi, thanh đồng Lê Thị Đài, đền Bảo Lộc, Nam Định. (Ảnh Nhất Nam)

Như vậy, trong phạm vi sinh hoạt tín ngưỡng – văn hoá, diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của một bộ phận con người trong xã hội hiện nay. Và trong phương diện sinh hoạt văn hoá - xã hội diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là hình thức dân ca, dân nhạc và dân vũ độc đáo góp phần làm giàu vốn văn hoá truyền thống của người Việt.

Thưởng thức nghệ thuật là thưởng thức các tác phẩm cụ thể. Các tác phẩm này được tồn tại dưới dạng các loại hình, loại thể và lấy cái đẹp làm trung tâm hình tượng của hình tượng, cũng như của lý tưởng sáng tạo nghệ thuật.

Thưởng thức nghệ thuật diễn xướng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ngày nay, người ta không chỉ tìm thấy trong nó những giá trị về lịch sử, giá trị về văn chương. Hoặc những ước mơ, nguyện vọng, muốn tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần ở lực lương siêu nhiên nào đó để giải thoát tâm linh. Mà người ta còn tìm thấy ở đó cái đẹp đích thực từ nghệ thuật hát, múa, âm nhạc. Do vậy, diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, và nhu cầu vươn tới cái đẹp, cái Chân – Thiện – Mỹ của người dân Việt Nam.

Bài 2: “Thỉnh Thánh”, “Nịnh đồng” và “Dẫn hồn” Bài 2: “Thỉnh Thánh”, “Nịnh đồng” và “Dẫn hồn”
Nhạc và lời trong các giá đồng có hai nhiệm vụ chính là “thỉnh Thánh” là mời linh hồn vị Thánh về nhập vào thân xác thanh đồng và “nịnh đồng” là làm cho thanh đồng thêm hưng phấn, say sưa rồi thăng hoa với tiếng nhạc, lời văn. Tuy nhiên, trên thực tế, lời ca tiếng nhạc này còn có một sức hút, sự tác động mãnh liệt, vô hình dẫn dắt tâm tưởng, lời nói, hành động của người nghe một cách huyền bí.
Bài 1: Bản giao hưởng của vũ trụ Bài 1: Bản giao hưởng của vũ trụ
Âm nhạc của một giá hầu (giá hầu: thời gian một vị Thánh nhập – xuất vào thanh đồng) là sự hòa trộn của rất nhiều các thể loại âm nhạc dân gian; của yếu tố bình dân với bác học; của các giai đoạn lịch sử; của các hoạt động đời sống; của con người hiện thực với thế giới tâm linh, thần thánh; của sự bất biến, trường tồn với sự không ngừng sinh sôi, biến động... Một vũ trụ thu nhỏ của văn hóa Việt được thể hiện qua thế giới âm nhạc ở đây.

TS. Trần Hải Minh (Hiệu trưởng Trường CĐVHNT&DL tỉnh Nam Định)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bai-3-ca-tu-va-vu-dao-trong-dien-xuong-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-166460.html

In bài viết