Dính "bẫy" cố tình chuyển tiền nhầm, cần tỉnh táo xử trí để không thành "con nợ"

09:09 | 09/02/2022

Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), những đối tượng lừa đảo thường nhắm vào người nhẹ dạ cả tin cho nên người nhận chuyển khoản tuyệt đối không được sử dụng khoản tiền này.
Cảnh giác Cảnh giác "đạo chích" khi đi chợ hoa Xuân
Điện Biên: Đẩy mạnh xử lý và tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng phá rừng làm nương Điện Biên: Đẩy mạnh xử lý và tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng phá rừng làm nương
Dính
Dính "bẫy" cố tình chuyển tiền nhầm, người nhận cần tỉnh táo xử trí. Nguồn minh họa

Thời gian vừa qua, không ít người đã phản ánh về một hình thức lừa đảo trắng trợn, tinh vi. Đó là các đối tượng cố tình chuyển 1 khoản tiền vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân chúng nhắm tới, sau đó tìm cách đòi lại như một khoản cho vay nặng lãi hoặc tìm cách lấy thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân rồi chiếm đoạt tiền.

Điển hình, trường hợp của một người phụ nữ tên O. trú tại quận Ba Đình, Hà Nội. Ngày 12/6, chia sẻ trên trang cá nhân, chị cho biết, cùng ngày chị bất ngờ nhận được hơn 45 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng cùng với nội dung đính kèm khó hiểu.

Đến cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản zalo lạ kết bạn với chị và nói rằng, công ty tài chính đã giải ngân khoản vay của chị. Theo như cách nói của họ, thì chị trở thành một người vay nợ.

Biết mình không thực hiện bất cứ thủ tục vay mượn nào trên mạng, chị O. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc. Trong lúc này, đối tượng chuyển nhầm tiền liên tục nhắn tin qua lại. Sau khi biết, hành vi lừa đảo của mình không thành, đối tượng trên lập tức đổi thái độ, nhắn nhiều tin cho chị với nội dung hăm dọa.

Chị O. cho biết, đã thực hiện các thủ tục tra soát với ngân hàng, đồng thời giao toàn bộ số tiền cho cơ quan công an giải quyết.

Cuối tháng 12/2021, tài khoản ngân hàng của anh Chính bỗng nhận được số tiền 20 triệu đồng, không rõ người gửi. Cuối giờ chiều cùng ngày, có một tài khoản Zalo lạ, chủ động nói chuyện và cho biết anh đã được một công ty tài chính giải ngân số tiền trên.

Qua trao đổi, anh Chính bỗng trở thành "con nợ" của đối tượng này. Điều đáng nói, anh Chính chưa từng thực hiện khoản vay nào trên mạng xã hội.

Sau khi đòi tiền không thành, một loạt những hình ảnh, thông tin anh Chính nợ tiền, chiếm đoạt tài sản được gửi cho người thân, bạn bè qua mạng xã hội Facebook và Zalo.

Chiêu thức lừa đảo này được kẻ gian nhắm vào những người hay truy cập tìm hiểu về các dịch vụ vay tiền trên mạng. Sau khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng như tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý chuyển nhầm một khoản tiền đến tài khoản của người đang có ý định vay tiền nhưng chưa dám vay. Sau đó, đối tượng giả danh là người thu hồi nợ của công ty tài chính, yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay nặng lãi.

Một trường hợp khác là anh Vũ Hoàng T. (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội). Vào một buổi trưa, anh T. thấy tài khoản "nổi" một khoản tiền hơn 2 triệu đồng vào tài khoản.

Đang suy nghĩ xem ai gửi cho mình thì, khoảng 30 phút sau, có một số điện thoại lạ gọi đến cho anh. Chị ta cho biết đã lỡ chuyển nhầm cho anh T. và mong được anh chuyển lại. Chị ta cũng nói rằng đang ở nước ngoài nên nhờ anh đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link.

Không ngờ, sau khi điền xong các thông tin, anh T. phát hiện thấy mấy chục triệu đồng trong tài khoản của mình đã bị rút sạch.

Liên quan vấn đề này, Đại tá Hoàng Ngọc Bách - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, những đối tượng này thường nhắm vào người nhẹ dạ cả tin cho nên người nhận chuyển khoản tuyệt đối không được sử dụng khoản tiền này.

Một chiêu thức khác của các đối tượng lừa đảo là lập ra trang web giả mạo ngân hàng, có giao diện giống với website của ngân hàng. Sau đó, chúng tìm kiếm những trường hợp khách hàng nhận được tiền chuyển khoản nhầm, đang có nhu cầu trả lại tiền cho người chuyển nhầm rồi đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố, gửi đường link đăng nhập vào trang web giả mạo để người bị hại khai báo. Tiếp theo, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của khách hàng.

Đại tá Hoàng Ngọc Bách khuyến cáo, trước tình huống nhận được tiền chuyển khoản nhầm, các chuyên gia khuyến cáo chủ tài khoản nên liên hệ với ngân hàng để yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại, tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình cho các giao dịch trên mạng để tránh bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của mình.

Cảnh giác với ma túy Cảnh giác với ma túy "đội lốt" nước dâu, nước xoài bán ở khu vực cổng trường học
Vụ rao bán dữ liệu cá nhân: Cảnh giác với hình thức lừa đảo qua mạng Vụ rao bán dữ liệu cá nhân: Cảnh giác với hình thức lừa đảo qua mạng

Hà Linh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/dinh-bay-co-tinh-chuyen-tien-nham-can-tinh-tao-xu-tri-de-khong-thanh-con-no-162752.html

In bài viết