Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 nhận tới 500.000 cuộc gọi/năm

15:00 | 25/01/2022

Giai đoạn cuối 2020 - 2021, trong bối cảnh giãn cách xã hội và đại dịch COVID-19, số cuộc gọi đến Tổng đài 111 tăng lên 500.000 cuộc gọi/năm và tính trung bình, cứ hơn 1 phút lại có 1 cuộc gọi đến Tổng đài.
Nhóm Công tác về quyền trẻ em cam kết cùng Việt Nam bảo vệ trẻ em Nhóm Công tác về quyền trẻ em cam kết cùng Việt Nam bảo vệ trẻ em
Cận cảnh bảo vật quốc gia bia đá hình hộp được tạo tác cách đây gần 500 năm Cận cảnh bảo vật quốc gia bia đá hình hộp được tạo tác cách đây gần 500 năm

Theo thông tin từ Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trung bình mỗi năm, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) tiếp nhận hơn 400.000 cuộc gọi khác nhau. Song năm 2021 số cuộc gọi tăng lên trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài.

Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 nhận tới 500.000 cuộc gọi/năm
Ảnh minh họa

Giai đoạn trước đó, Tổng đài 111 tiếp nhận trung bình khoảng 400.000 cuộc gọi/năm thì giai đoạn cuối 2020 - 2021, giãn cách xã hội và đại dịch COVID-19, nguy cơ bạo hành gia tăng... thì số cuộc gọi đã tăng lên 500.000 cuộc/năm.

Sau khi nhận thông tin, Tổng đài cùng các cơ quan liên quan đã can thiệp hàng nghìn sự việc, hỗ trợ, ngăn chặn và cứu sống hàng chục, hàng trăm trẻ/năm.

Lãnh đạo Cục Trẻ em cho biết, nhiều vụ việc bạo hành diễn ra nhưng nhiều người lo ngại phiền phức nên quyết định im lặng và chấp nhận sống trong xã hội dung túng bạo hành trẻ em. Cục Trẻ em kêu gọi người dân hãy lên tiếng khi nghi ngờ hành vi bao lực đầu tiên như tiếng kêu, tiếng khóc và gọi ngay 113 hoặc 111. Các cuộc gọi cung cấp thông tin được giữ kín.

Bà Lê Thị Thảo - Phó Trưởng tổng đài 111, cho biết, về chức năng, nhiệm vụ và quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, tin báo về hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em của tổng đài đã được quy định rõ tại Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017. Cụ thể, tổng đài tiếp nhận tư vấn qua điện thoại 24/24 giờ miễn phí trên toàn quốc, can thiệp kết nối với địa phương và các tổ chức, cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em…

Với những trường hợp cầu cứu khẩn cấp, tổng đài kết nối ngay với công an, cán bộ trẻ em, cán bộ xã, phường… Những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, tổng đài sẽ kết nối thêm với Phòng LĐ-TB&XH cấp quận, huyện, trung tâm công tác xã hội các tỉnh, TP, thậm chí Sở LĐ-TB&XH của tỉnh, TP. Ngoài ra, tùy tính chất vụ việc, tổng đài có thể kết nối đến các ban, ngành liên quan hay các tổ chức phi chính phủ tại địa phương của nạn nhân.

Những trường hợp khẩn cấp phải kết nối ngay, kể cả đêm, tổng đài cũng phải làm việc. Tổng đài đã nắm danh bạ nguồn của các tổ chức liên quan nên có thể kết nối nhanh. Đối với những ca khẩn cấp, thời gian phải giải quyết và thông báo thông tin hỗ trợ được quy định tối đa trong vòng 12 giờ đồng hồ.

Cũng theo bà Thảo, sự phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan bảo vệ trẻ em với tổng đài rất tốt. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, cán bộ trẻ em phải kiêm nhiệm nhiều việc và thường xuyên bị luân chuyển, nên nhiều cán bộ được đào tạo, tập huấn kỹ càng lại không tiếp tục làm việc. Vì thế, việc tiếp cận cũng như hỗ trợ tâm lý cho trẻ em còn hạn chế.

Năm 2021, tổng đài đã tiếp nhận 507.861 cuộc gọi đến, tư vấn 35.385 ca; kết nối, can thiệp 1.257 ca (giảm 38 ca so với năm 2020). Trong đó có 625 ca bạo lực trẻ em, chiếm 49,72% tổng số ca can thiệp (cao hơn năm 2020 là hai ca).
Việt Nam đề xuất bảo vệ trẻ em bị chia cắt khỏi gia đình trong xung đột vũ trang Việt Nam đề xuất bảo vệ trẻ em bị chia cắt khỏi gia đình trong xung đột vũ trang
Việt Nam cụ thể hóa các cam kết quốc tế về quyền trẻ em Việt Nam cụ thể hóa các cam kết quốc tế về quyền trẻ em

Hà Linh (TH)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tong-dai-quoc-gia-bao-ve-tre-em-111-nhan-toi-500000-cuoc-goinam-161985.html

In bài viết