Quảng bá hàng Việt, đón cơ hội đầu tư từ thị trường Ả- rập Xê - út

14:03 | 26/11/2021

Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các hội hữu nghị đã tích cực hỗ trợ quảng bá các thương hiệu Việt Nam đến với thị trường Ả- rập Xê - út. Sự thông tin, quảng bá này đã nhận được phản hồi tích cực từ nước sở tại cũng như mang đến nhiều cơ hội hợp tác phát triển kinh tế cho doanh nghiệp Việt.
Mô hình hợp tác du lịch đặc biệt Việt Nam - Ấn Độ Mô hình hợp tác du lịch đặc biệt Việt Nam - Ấn Độ
Ả-rập Xê-út hỗ trợ vật tư y tế trị giá 500.000 USD giúp Việt Nam phòng chống dịch Covid-19 Ả-rập Xê-út hỗ trợ vật tư y tế trị giá 500.000 USD giúp Việt Nam phòng chống dịch Covid-19

Cách làm sáng tạo, hiệu quả

Ngày 25/11/2021, tại Phòng Thương mại Asharqia, thành phố Dammam, Ả - rập Xê-út đã khai trương tuần trưng bày sản phẩm xuất khẩu Việt Nam do gần 120 doanh nghiệp Việt Nam gửi sang trưng bày, quảng bá. Đây là những doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam có mong muốn tìm kiếm thị trường xuất khẩu và kiểm nghiệm thị trường. Các sản phẩm tham gia trưng bày, quảng bá tại tuần lễ khá đa dạng bao gồm các ngành hàng từ nông sản, thực phẩm chế biến, đồ thủ công mỹ nghệ đến các mặt hàng vật liệu xây dựng, nội thất, trầm hương, than củi và ấn phẩm du lịch...

Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp ở nước sở tại, đặc biệt là các doanh nghiệp cũng đang kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, nội thất và thủ công mỹ nghệ….. Tại sự kiện, một lượng khách đáng kể bày tỏ sự quan tâm đến các sản phẩm nông sản, gạo (mỳ ăn liền, mỳ gạo, mỳ gói, bột gạo), hạt điều, hạt tiêu, gia vị, cà phê, trầm hương, mật ong, đá marble, đồ trang trí nội thất, xây dựng; than củi; một số khác quan tâm đến các công ty du lịch và dịch vụ du lịch của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Ả - rập Xê -út tham gia sự kiện cho biết, nhiều mặt hàng của Việt Nam rất phù hợp với thị trường tỉnh miền Đông, nơi ít có canh tác, sản xuất nông nghiệp, do điều kiện khí hậu sa mạc. Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng, chủng loại đa dạng đồng thời bày tỏ mong muốn có thêm các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường này vì nhu cầu rất lớn.

Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út Vũ Viết Dũng giới thiệu một số sản phẩm nông sản Việt Nam đến các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út. Ảnh: Báo Công thương
Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út Vũ Viết Dũng giới thiệu một số sản phẩm nông sản Việt Nam đến các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út. Ảnh: Báo Công thương

Cũng tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Vũ Viết Dũng đã giới thiệu bản mềm cuốn sách “Introductory Products for Export from Vietnam” do Đại sứ quán biên soạn, gồm đầy đủ thông tin của gần 120 doanh nghiệp Việt Nam có hàng mẫu trưng bày quảng bá tại Đại sứ quán, đồng thời đề nghị Phòng Thương mại Asharqia lưu hành để các doanh nghiệp thành viên và các doanh nghiệp khác trong tỉnh tham khảo sử dụng. Đại sứ cũng mong muốn nhận được những đánh giá, phản hồi khách quan từ doanh nghiệp, khách hàng để giúp doanh nghiệp Việt Nam có những điều chỉnh phù hợp với thị trường Ả-rập Xê-út.

Phát biểu tại sự kiện này, ông Abdul Hakim Alkhaldi, Chủ tịch Phòng Thương mại Asharqia đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam để có hàng mẫu trưng bày tại sự kiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang gây ra nhiều khó khăn ở Việt Nam. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tỉnh miền Đông biết đến Việt Nam và hàng hóa của Việt Nam từ đó kết nối thông tin để hai bên hợp tác trong thời gian tới.

Trước đó, nhiều sự kiện tương tự quảng bá các mặt hàng nông sản, thực phẩm, ẩm thực… của Việt Nam tại thị trường Ả-rập Xê-út cũng đã được các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy kết nối, triển khai. Như ngày 4/8/2021, tại chuỗi siêu thị Lulu ở -rập Xê-út đã khai mạc tuần lễ quảng bá hàng nông sản, thực phẩm, ẩm thực và lễ công bố các sản phẩm mới từ các nước ASEAN mang tên “Amazing ASEAN: Discover the Flavours of Asia”.

Lulu là một trong số ít chuỗi siêu thị lớn ở thị trường Ả-rập Xê-út, chủ yếu phục vụ khách hàng bản địa và châu Á. Hàng hóa Việt Nam hiện có tại chuỗi siêu thị chưa nhiều, gồm một số loại quả tươi, gạo, hạt điều, than củi, hàng may mặc, giày dép, thiết bị y tế, đồ gia dụng... (đứng sau Philippines với trên 500 loại mã hàng, Thái Lan với hơn 200 loại mã hàng, Malaysia với gần 100 loại mã hàng).

Do vậy tuần lễ là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá một số sản phẩm sẵn có cũng như các mẫu mã hàng của các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm đã có hàng trưng bày tại phòng giới thiệu sản phẩm xuất khẩu tại Đại sứ quán. Đồng thời kết hợp quảng bá hình ảnh đất nước về du lịch để đón đầu sau đại dịch….

Theo chia sẻ của các hội hữu nghị, việc tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm là hoạt động sáng tạo mới hết sức thiết thực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hướng tiếp cận thị trường trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang kéo dài và diễn biến phức tạp.

Biến thách thức thành cơ hội

Ả-rập Xê-út hiện là đối tác quan trọng của Việt Nam ở khu vực Trung Đông. Sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út không ngừng được thúc đẩy, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa.

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út đã được chú trọng phát triển. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước năm 2017 đạt hơn 1,7 tỷ USD, giảm còn 1,431 tỷ USD năm 2018 trước khi tăng lên 1,534 tỷ USD năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng năm 2020, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước không sụt giảm, mà còn tăng nhẹ lên mức 1,549 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ả-rập Xê-út đạt 351,402 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,198 tỷ USD.

Cơ cấu mặt hàng trao đổi thương mại giữa hai nước tương đối phù hợp, có tính chất bổ sung cho nhau. Nếu như Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, như: điện thoại di động, sản phẩm dệt may, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ…, thì Ả-rập Xê-út xuất khẩu chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng, hóa chất và sản phẩm hóa chất, phân bón các loại...

Các doanh nghiệp Ả - rập Xê – út đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng, chủng loại đa dạng đồng thời bày tỏ mong muốn có thêm các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường này vì nhu cầu rất lớn. Ảnh: Báo Công thương
Các doanh nghiệp Ả - rập Xê – út đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng, chủng loại đa dạng đồng thời bày tỏ mong muốn có thêm các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường này vì nhu cầu rất lớn. Ảnh: Báo Công thương

Hiện một số tập đoàn lớn của Ả-rập Xê-út, như: Kingdom Holdings, Thép Zamil… đã có mặt tại Việt Nam. Các doanh nghiệp của Ả-rập Xê-út đa phần có năng lực tài chính mạnh, tuy nhiên, đầu tư của các doanh nghiệp Ả-rập Xê-út vào Việt Nam còn rất ít, mặc dù Việt Nam có nhiều chính sách khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2020, Ả-rập-Xê-út có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,37 triệu USD, đứng thứ 89/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam (Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2020).

Theo các tổ chức hữu nghị, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út đã có những bước tiến đáng kể nhưng so với tiềm năng của đôi bên vẫn còn chưa tương xứng. Do vậy, rất cần những giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trong tương lai. Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, các hội hữu nghị sẽ phối hợp với các cơ quan tổ chức, liên quan cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng Ả-rập Xê-út và các quy định, quy trình cấp chứng chỉ đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này

Ngoài ra, sẽ thúc đẩy tổ chức nhiều các sự kiện quảng bá sản phẩm để doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau, thực hiện khảo sát thị trường để tìm kiếm cơ hội trao đổi thương mại. Tăng cường tuyên truyền cho các doanh nghiệp trong nước khai thác thông tin qua các kênh hiện có là Phòng Thương mại và Công nghiệp, các Thương vụ và Đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành hàng ở mỗi nước… Qua đó nhằm biến thách thức thành cơ hội để hợp tác, phát triển kinh tế ở mỗi nước.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt-Đức Thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt-Đức
Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với khu vực Trung Đông - châu Phi Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với khu vực Trung Đông - châu Phi

Thùy Dương

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/quang-ba-hang-viet-don-co-hoi-dau-tu-tu-thi-truong-a-rap-xe-ut-160287.html

In bài viết