Những lĩnh vực nào sẽ là thế mạnh trong hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan hậu COVID-19?

14:00 | 29/11/2021

Trong bối cảnh cả hai nước đều chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Việt Nam và Kazakhstan có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch...
"Những ngày phim Kazakhstan tại Việt Nam năm 2021”: giới thiệu 3 bộ phim đặc sắc tới khán giả Việt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Quốc khánh Cộng hòa Kazakhstan Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Quốc khánh Cộng hòa Kazakhstan

Việt Nam và Kazakhstan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 28 năm, nhưng trên thực tế, hai nước đã có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống hơn 70 năm từ thời kỳ Liên Xô trước đây.

Điều này chứng tỏ, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp hiện nay của hai nước được kế thừa từ các thế hệ lãnh đạo hai nước. Mối quan hệ ấy luôn được làm sâu sắc và không ngừng đi vào thực chất trên mọi lĩnh vực.

Nhiều tiềm năng trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Kazakhstan

Trong lĩnh vực kinh tế, hai nước có tiềm năng hợp tác lớn, cùng có lợi. Nền kinh tế hai nước có những thế mạnh cho phép trao đổi và bổ sung lẫn nhau. Kazakhstan có thể đáp ứng tốt nhu cầu của Việt Nam với các sản phẩm nông nghiệp, kim loại màu, thép, nhôm... Việt Nam hiện xuất khẩu các sản phẩm hải sản, quần áo, giày dép, trà và càphê, đồ điện tử... sang Kazakhstan.

Những lĩnh vực nào sẽ là thế mạnh trong hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan hậu COVID-19?
Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Baizanov Erlan.

Theo Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Baizanov Erlan, mối quan hệ tin cậy giữa hai nước Việt Nam - Kazakhstan được nuôi dưỡng và phát triển trên tinh thần hữu nghị và hợp tác cùng có lợi. Và để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, hai nước cần tăng cường hợp tác trên lĩnh vực kinh tế. Bởi trên thực tế, hai bên còn nhiều tiềm năng, dư địa để đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại.

Trong bối cảnh cả hai nước đều chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Kazakhstan và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp bởi Kazakhstan đứng thứ 9 về diện tích tự nhiên, có chương trình phát triển quy mô lớn về nông nghiệp. Cùng với đó Kazakhstan quan tâm phát triển công nghiệp nhẹ. Kazakhstan đã thông qua chương trình chiến lược kỹ thuật số Kazakhstan để đưa mọi hoạt động của đất nước thực hiện bởi chương trình công nghệ mới.

Bên cạnh đó, theo FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, mỗi ngành hàng có hạn ngạch nhất định, nhưng nếu được sản xuất ở Kazakhstan có thể phân phối toàn Liên minh kinh tế Á - Âu mà không gặp hạn chế. Kazakhstan bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài bằng các văn bản pháp luật nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi nhất cũng như bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào công cuộc hiện đại hóa đất nước Kazakhstan.

Ngoài ra, du lịch cũng là lĩnh vực mà hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác bởi cảnh quan thiên nhiên và nền văn hóa độc đáo hấp dẫn du khách. Những năm gần đây, lượng khách du lịch Kazakhstan đến với Việt Nam ngày càng tăng. Việc hãng hàng không Air Astana có chuyến bay trực tiếp đến thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở thuận lợi để phát triển thị trường khách du lịch từ Kazakhstan sang Việt Nam. Kazakhstan cũng được đánh giá là một thị trường có tiềm năng phát triển đối với du lịch Việt Nam, nhất là thị phần khách du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái.

Giao lưu nhân dân góp phần tạo bước phát triển mới quan hệ hai nước

Một góc thủ đô Nur-Sultan, Kazakhstan.
Một góc thủ đô Nur-Sultan, Kazakhstan.

Cùng với các phát triển mới trong quan hệ hai nước, giao lưu nhân dân cũng được đẩy mạnh. Ông Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng qua các hoạt động trao đổi giao lưu văn hóa, các cơ quan chức năng hai nước có điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các sự kiện văn hóa, cũng như kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao… và nhân dân hai nước sẽ có điều kiện để hiểu biết sâu hơn nữa về truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của mỗi bên.

Thời gian qua có thể kể đến dự án nghệ thuật quốc tế “Khăn của mẹ" theo sáng kiến của nghệ sĩ Kazakhstan bà Leila Makhat, Chủ tịch Học viện nghệ thuật Á-Âu. Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, nhà hoạt động xã hội, nghệ sỹ nữ của Việt Nam tham gia với thông điệp về vai trò của người phụ nữ, người mẹ như chiếc khăn ấm áp bảo vệ con trẻ, bảo vệ trái đất.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga trông đợi quan hệ song phương sẽ có những bước phát triển mới, đáp ứng được nguyện vọng và tình cảm của nhân dân hai nước.

Bà Nguyễn Phương Nga cho rằng: "Năm 2022, hai nước sẽ có nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Kazakhstan và Hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) do Kazakhstan làm Chủ tịch. Đây là cơ hội để chúng ta sẽ cùng phối hợp triển khai các hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Kazakhstan lên một tầm cao mới".

"Tôi tin tưởng rằng, với những tình cảm tốt đẹp, truyền thông hữu nghị thân thiết lâu đời, những nỗ lực và sáng tạo của các cơ quan nhà nước và các tổ chức nhân dân của hai nước, chắc chắn quan hệ Việt Nam - Kazakhstan sẽ có những bước phát triển mới, góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở mỗi nước, trong khu vực và trên thế giới", bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ba dịch giả Việt Nam nhận giải thưởng cấp nhà nước của Kazakhstan Ba dịch giả Việt Nam nhận giải thưởng cấp nhà nước của Kazakhstan
Tin tưởng quan hệ Việt Nam - Kazakhstan sẽ có những bước phát triển mới Tin tưởng quan hệ Việt Nam - Kazakhstan sẽ có những bước phát triển mới

Mai Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhung-linh-vuc-nao-se-la-the-manh-trong-hop-tac-giua-viet-nam-va-kazakhstan-hau-covid-19-160102.html

In bài viết