Hợp tác Việt Nam - Châu Phi:

Tìm phương thức mới nhằm tăng hiệu quả hợp tác trong bối cảnh COVID-19

09:00 | 10/09/2021

Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi thời gian qua đã đạt kết quả khích lệ. Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi cũng trở thành đối tác thương mại nông sản hàng đầu của nhau.
Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với khu vực Trung Đông - châu Phi Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với khu vực Trung Đông - châu Phi
Đối ngoại nhân dân thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi - Trung Đông Đối ngoại nhân dân thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi - Trung Đông

Nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Việt Nam với các quốc gia châu Phi mối quan hệ truyền thống, thủy chung khởi nguồn từ khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và sự ủng hộ chí tình dành cho nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đó đang tiếp tục được vun đắp và mở rộng trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, viễn thông, y tế, giáo dục, nông nghiệp... cũng như hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trong thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi đã đạt kết quả khích lệ, nhất là trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam. Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi cũng trở thành đối tác thương mại nông sản hàng đầu của nhau.

Năm 2020, thương mại nông sản giữa hai bên đạt 3,1 tỷ USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Phi. Các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu là gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, hải sản (cá tra, tôm, cá basa, cá ngừ đóng hộp)... Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thâm nhập tốt và có chỗ đứng tại thị trường châu Phi, được người dân sở tại ưa chuộng.

Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản của châu Phi như bông, gỗ, hạt điều thô... có vai trò ngày càng quan trọng đối với công nghiệp chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam đã cử gần 500 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các nước châu Phi.
Việt Nam đã cử gần 500 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các nước châu Phi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Việt Nam đã cử gần 500 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các nước châu Phi. Thành công của các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp tại Mozambique, Sierra Leone, Cộng hòa Guinea, Namibia, Senegal, Benin, Madagascar, Mali, Cộng hòa Congo... đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều nước châu Phi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sẽ đề xuất với Chính phủ thành lập Trung tâm hợp tác Nam-Nam để làm đầu mối thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với các nước châu Phi.

Với dân số gần 1,3 tỷ người, nhu cầu xuất nhập khẩu nông sản ngày càng tăng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, châu Phi sẽ là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là trong lĩnh vực thương mại nông sản, sản xuất và chế biến nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô và mức độ hợp tác còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.

Tìm phương thức mới nhằm tăng hiệu quả hợp tác trong bối cảnh COVID-19

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Việt Nam và châu Phi cần tìm kiếm các mô hình hợp tác mới nhằm nâng cao khả năng thích ứng, khắc phục khó khăn, từ đó nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại nông sản hai bên.

Cụ thể, hai bên cần có đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, xúc tiến thương mại và chú trọng hơn nữa đến thúc đẩy giao thương trực tuyến…; tăng cường kết nối hệ thống phân phối, liên kết giữa các doanh nghiệp, tận dụng các nền tảng kỹ thuật số trong nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu nông sản.

Bên cạnh đó, hai bên cần thúc đẩy quan hệ ngân hàng hoặc tìm kiếm một cơ chế tài chính phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh toán, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đầu tư vào các hoạt động chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp, tích cực tìm kiếm, phối hợp chặt chẽ để vận động các nguồn tài chính và nguồn nhân lực để triển khai dự án hợp tác nông nghiệp…

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc, Viện Khoa học Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Các dự án hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi đều rất đáng ghi nhận và thành công về mặt hỗ trợ kỹ thuật nhưng lại gặp vấn đề về tính bền vững. Trong khi các dự án thường không tác động được đến các khâu của toàn chuỗi giá trị, từ giống, chăm sóc nuôi trồng đến chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ bán hàng.

Vì vậy, sau khi cán bộ Việt Nam về nước, địa phương không đầu tư tiếp, cũng không có thị trường để bán hàng nên khó phát triển mở rộng. Vì vậy, bài học ở đây chính là cần phát triển đồng bộ các khâu của chuỗi giá trị. Thêm vào đó, dự án cũng chưa hợp tác được với khối tư nhân của sở tại. Hiện nay, các nước châu Phi đã chú ý phát triển khối tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vì vậy, cần hợp tác toàn diện hơn với khối này để tạo thành chuỗi giá trị mới bền vững được.

Tìm phương thức mới nhằm tăng hiệu quả hợp tác trong bối cảnh COVID-19
Nông lâm thủy sản Việt Nam được thị trường nhiều nước châu Phi ưa chuộng.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và các nước Châu Phi, Hội Hữu nghị Hợp tác Việt Nam – Châu Phi đã có nhiều hoạt động giới thiệu, trao đổi thông tin để các doanh nghiệp hai bên hiểu biết về nhau nhiều hơn.

Thời gian qua, Hội phối hợp với Đại sứ quán Angola tổ chức Hội thảo Đầu tư và Hợp tác Việt Nam – Angola. Đại sứ hai nước chia sẻ những cơ hội, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Angola; các doanh nghiệp tích cực trao đổi để hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư, thuận lợi cho việc triển khai ý định hợp tác và thực hiện các dự án tại Angola. Hội cũng đã đồng tổ chức Tọa đàm “Khai thác lợi tức dân số thông qua đầu tư vào thanh niên ở châu Phi” với Đại sứ quán các nước châu Phi. Phối hợp với Đại sứ quán các nước miền Nam châu Phi tổ chức Tọa đàm Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi nhân kỷ niệm 36 năm thành lập nhóm SADC; Hội thảo “Phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ" nhân kỷ niệm 38 năm thành lập nhóm SADC.

Các hoạt động trên đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi, đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp của Việt Nam hiểu biết hơn về thị trường châu Phi, mạnh dạn đầu tư vào thị trường châu Phi.

Trong giai đoạn tới, Hội Hữu nghị Hợp tác Việt Nam – Châu Phi sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân trong hợp tác nông nghiệp và thương mại nông sản, góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

VAECA tư vấn nhiều biện pháp hiệu quả để doanh nghiệp Việt hợp tác hiệu quả với các nước Châu Phi VAECA tư vấn nhiều biện pháp hiệu quả để doanh nghiệp Việt hợp tác hiệu quả với các nước Châu Phi
Ra mắt Liên hiệp Hợp tác kinh tế Việt Nam - Châu Phi - đơn vị “đồng hành cùng tiến” với nước bạn Ra mắt Liên hiệp Hợp tác kinh tế Việt Nam - Châu Phi - đơn vị “đồng hành cùng tiến” với nước bạn

Mai Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tim-phuong-thuc-moi-nham-tang-hieu-qua-hop-tac-trong-boi-canh-covid-19-160008.html

In bài viết