EuroCham đề nghị giảm 50% phí trước bạ với cả ô tô điện nhập khẩu

18:00 | 25/11/2021

Ngày 25/11 tại đối thoại và ra mắt Sách trắng EuroCham 2021, ông Jean Jacques Bouflet, Phó chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (EuroCham) đề nghị phí trước bạ với ô tô điện nhập khẩu nên giảm một nửa trong 3-5 năm, theo khuyến nghị của EuroCham.
EuroCham đề nghị giảm 50% phí trước bạ với cả ô tô điện nhập khẩu
EuroCham đề nghị giảm 50% phí trước bạ với cả ô tô điện nhập khẩu - Ảnh minh họa

Ông Jean Jacques Bouflet cho biết, ô tô điện là giải pháp chiến lược giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại các thành phố. Vì thế, Chính phủ nên có các ưu đãi về thuế, phí với loại hình phương tiện này.

Cụ thể, một trong số ưu đãi này là cần giảm 50% phí trước bạ với ôtô điện trong 3-5 năm. Chính sách này cần được áp dụng với cả xe nhập khẩu nguyên chiếc, thay vì chỉ áp dụng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Cùng với đó, đại diện từ EuroCham đề nghị nhà chức trách lấy giá bán phiên bản sản xuất hàng loạt là cơ sở làm giá tính lệ phí trước bạ. Đây là chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xe ôtô điện chạy pin, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại xe này theo Luật Bảo vệ môi trường.

"Việc này sẽ giúp đẩy nhanh mức độ chấp nhận ôtô điện với người tiêu dùng Việt Nam", ông Jean Jacques Bouflet nói.

Trước đó, theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 140 của Chính phủ về lệ phí trước bạ đang được Bộ Tài chính hoàn thiện, phí trước bạ với ôtô điện sẽ được miễn phí trong 3 năm đầu. Chính sách này nhận được sự đồng thuận từ các bộ, ngành. Mức thu trong hai năm tiếp theo là 50% so với ôtô chạy xăng, dầu cùng loại.

EuroCham đề nghị giảm 50% phí trước bạ với cả ô tô điện nhập khẩu

Sẽ giảm lệ phí trước bạ ô tô để kích cầu tiêu dùng?

Theo Dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến của Bộ Tài chính, lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm 50%, áp dụng từ ngày 15/11 năm nay đến hết ngày 15/5 năm 2022.

Bộ Tài chính cho biết, dự thảo này được đưa ra nhằm giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19; đồng thời kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Cũng theo Bộ Tài chính, dự kiến thời gian thực hiện chính sách và hiệu lực thi hành của Nghị định từ ngày 15/11/2021 đến hết ngày 15/5/2022. Trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định được quy định từ ngày 1/12 đến hết ngày 31/5/2022.

Trước đó, trong năm 2020, khi áp dụng chính sách giảm 50% vào nửa cuối năm, số thu lệ phí trước bạ theo chính sách giảm 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu ngân sách Nhà nước vẫn tăng 14.110 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng, từ đó tăng số thu về thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2020 (khi chưa giảm 50% phí trước bạ), lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là hơn 102.900 xe, bình quân gần 17.600 xe một tháng nhưng vào 6 tháng cuối năm 2020, số lượng xe đăng ký gấp đôi.

Dự thảo cho biết, Bộ Tài chính cũng chia sẻ thêm về những thách thức khi áp dụng chính sách ưu đãi. Áp lực đó là Việt Nam có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có thể tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số nước không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.

Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, chính sách giảm lệ phí trước bạ chỉ kéo dài trong 6 tháng như biện pháp ngắn hạn gỡ khó cho ngành sản xuất trong nước trước tác động của COVID-19. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các hãng sản xuất lắp ráp ô tô lớn của nhiều nước hầu hết đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, một số nhà máy có công suất khá lớn như: Toyota, Mazda, Hyundai, Kia. Do đó, các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới. Một số nước như: Indonesia, Malaysia cũng đã và đang áp dụng chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trước tác động của COVID-19.

Khách mua xe Mitsubishi tiếp tục ưu đãi 50% phí trước bạ? Khách mua xe Mitsubishi tiếp tục ưu đãi 50% phí trước bạ?
Trong tháng 11/2021, MMV tặng gói hỗ trợ với giá trị tương đương 50% lệ phí trước bạ cho các khách hàng mua xe Xpander, Xpander CROSS, Attrage, Pajero Sport và Outlander.
Tái khởi động đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM Tái khởi động đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM
Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM vừa được tái khởi động cùng với việc đề xuất lập vành đai khép kín địa bàn quận 1, 3 và tổng kinh phí đầu tư 2.274 tỉ đồng.
Sẽ giảm lệ phí trước bạ ô tô để kích cầu tiêu dùng? Sẽ giảm lệ phí trước bạ ô tô để kích cầu tiêu dùng?
Theo Dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến của Bộ Tài chính, lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm 50%, áp dụng từ ngày 15/11 năm nay đến hết ngày 15/5 năm 2022.

PV

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/eurocham-de-nghi-giam-50-phi-truoc-ba-voi-ca-o-to-die-n-nhap-khau-157591.html

In bài viết