THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 84/NQ-CP NGÀY 29/5/2020 CỦA CHÍNH PHỦ

Bình Dương từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI

08:01 | 23/10/2021

Bình Dương đang từng bước hỗ trợ doanh nghiệp FDI khôi phục sản xuất bằng nhiều giải pháp. Nhờ đó, đã bước đầu khôi phục các hoạt động trong trạng thái bình thường mới, tạo được niềm tin lớn trong cộng đồng doanh nghiệp FDI.
Trăn trở của doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất sau COVID-19 Trăn trở của doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất sau COVID-19
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài khó khăn vì dịch COVID-19 tại Phú Thọ Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài khó khăn vì dịch COVID-19 tại Phú Thọ
Bình Dương từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI
Công nhân trở lại nhà máy làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Về giải pháp trước mắt, Bình Dương cho phép các doanh nghiệp FDI tại địa phương được hoạt động trở lại khi đã xây dựng phương án sản xuất được Sở Công thương phê duyệt. Trong đó, yêu cầu số một là không còn ca nhiễm F0, không còn bị phong tỏa và phải cách ly các F1. Trong quá trình chuẩn bị sản xuất, địa phương theo dõi, giám sát và tiến hành xét nghiệm 100% người lao động.

Doanh nghiệp nâng công suất hoạt động dần dần theo lộ trình, tương ứng các mức 30% - 50% - 70% và cao hơn. Việc nâng công suất và quy mô hoạt động phải tính toán trên cơ sở khoa học, đồng bộ và bền vững, phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp và diễn biến tình hình phòng, chống dịch bệnh của địa phương.

Tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tổ chức xét nghiệm, liên hệ cơ quan tổ chức xét nghiệm cấp giấy xét nghiệm cho từng lao động. Thông báo, gửi kết quả đến cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương sau mỗi lần xét nghiệm để phục vụ công tác hậu kiểm.

Tổ chức thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế tại nhà máy, nơi làm việc, nơi ở. Tăng cường vai trò hoạt động hiệu quả và thực chất của Tổ an toàn COVID tại DN. Tuyên truyền hiệu quả kiến thức về phòng ngừa dịch bệnh, tạo sự chủ động trong công tác phòng ngừa trong sản xuất, có tâm lý vững vàng trước mọi tình huống.

Thực hiện thí điểm việc sắp xếp lại nơi ở/nhà trọ của công nhân đang làm việc trong doanh nghiệp theo hướng toàn bộ công nhân trong một doanh nghiệp sẽ được sắp xếp ở tập trung trong một hoặc một số khu nhà trọ xanh để doanh nghiệp đủ điều kiện tổ chức sản xuất theo phương án "1 cung đường, 2 địa điểm".

Bình Dương từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm hỏi, động viên người lao động đang tham gia sản xuất tại nhà máy (Ảnh: TPO)

Đặc biệt, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Bình Dương được trao quyền chủ động về mô hình và phương thức tổ chức sản xuất. Trường hợp có F0 thì không cực đoan phong tỏa, đóng cửa cả doanh nghiệp mà chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp của một dây chuyền, phân xưởng, bộ phận riêng biệt.

Tỉnh Bình Dương đang triển khai áp dụng Thông tư 14/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cơ bản đã giải quyết rất nhiều vấn đề khó khăn của doanh nghiệp và thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất trở lại.

Tỉnh cũng tạo điều kiện, tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp FDI để chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện. Nhiều Trạm y tế lưu động được tổ chức thành lập ngay trong các khu công nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ khi doanh nghiệp và người lao động cần.

Về giải pháp lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương sẽ thực hiện các giải pháp mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình; tổ chức lưu thông trên địa bàn trong trạng thái bình thường mới. Cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đổi mới cách thức giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Xây dựng các chính sách thuộc thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, bảo đảm nguyên vật liệu đầu và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu.

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ thường xuyên theo dõi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ tạo việc làm mới cho người lao động, triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Hầu hết doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất

Theo thống kê, tới tháng 10/2021, gần 90% doanh nghiệp tại Bình Dương phục hồi lại sản xuất với hơn 500.000 lao động đã trở lại nhà máy làm việc. Hiện phần lớn công nhân đã tiêm đủ vaccine để đi làm hàng ngày.

Từ đầu năm đến nay, bằng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần duy trì kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Dương đạt 24,5 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 1,5 tỷ USD; chỉ số công nghiệp của tỉnh vẫn tăng 2,93%, thương mại dịch vụ tăng 1,9% và thu ngân sách đạt 47.900 tỷ đồng bằng 82% dự toán…

Trọng Huyền

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/binh-duong-tung-buoc-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-fdi-156228.html

In bài viết