Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2021

09:45 | 30/09/2021

Tháng 10/2021 là thời điểm nhiều quy định mới bắt đầu có hiệu lực thi hành: Chính sách hỗ trợ với doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định trích lập dự phòng rủi ro tại tổ chức tín dụng; sinh viên được học trước chương trình thạc sĩ...
'Xét nghiệm là then chốt, vaccine là căn cơ để thích ứng an toàn có kiểm soát' 'Xét nghiệm là then chốt, vaccine là căn cơ để thích ứng an toàn có kiểm soát'
Phối hợp chặt chẽ để Chính phủ có phản ứng chính sách nhanh chóng Phối hợp chặt chẽ để Chính phủ có phản ứng chính sách nhanh chóng

Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Đây là nội dung chính trong Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/09/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ bằng tiền, kinh phí trích từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, sẽ giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ 01/10/2021, hoàn thành chậm nhất vào 31/12/2021.

Chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,thay thế cho Nghị định 39/2018/NĐ-CP có hiệu lực thị hành từ 15/10/2021.

Nghị định bổ sung một số khái niệm mới về mạng lưới tư vấn viên; Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ; Đào tạo trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Doanh nghiệp đầu chuỗi.

Ngoài ra nghị định còn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tăng mạnh mức hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây chỉ tối đa 3 triệu đồng); doanh nghiệp nhỏ không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây không quá 5 triệu đồng)…

Sử dụng kinh phí nhà nước hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2021
Ảnh minh họa

Hướng dẫn quy định cụ thể tại Thông tư 64/202/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư thay thế cho Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP .

Thông tư có thay đổi về nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp; nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật; nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Nêu rõ về nội dung và mức chi chung phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối với các nội dung chi đã có chế độ, tiêu chuẩn thì định mức chi thực hiện theo quy định hiện hành, gồm: Kinh phí tổ chức các hội nghị chuyên môn, hội nghị sơ kết và tổng kết; hội nghị tập huấn; công tác phí trong nước; đi công tác nước ngoài; chi dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; chi làm đêm, thêm giờ phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi hoạt động kiểm tra, giám sát.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2021.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư sản xuất giống

Nội dung này được quy định tại Thông tư 10/2021/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn nội dung đầu tư, hỗ trợ đầu tư thực hiện nhiệm vụ “Phát triển sản xuất giống”.

Ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư cho các hoạt động: Nhập nội, mua bản quyền giống mới; Bình tuyển cây đầu dòng, cây trội; Chăm sóc vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống; Nhập nội, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống; Đào tạo, tập huấn quy trình công nghệ sản xuất giống; Quản lý chất lượng.

Ngân sách Nhà nước cũng hỗ trợ đầu tư để thực hiện một số nội dung khác như: Hỗ trợ chi phí công kỹ thuật, chi phí thức ăn tinh cho vật nuôi để hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống; hỗ trợ thuê chuyên gia nước ngoài trong trường hợp công nghệ phức tạp đòi hỏi trình độ cao mà chuyên gia trong nước chưa thể thực hiện được; hỗ trợ chi phí quản lý dự án cho chủ đầu tư; hỗ trợ chi phí hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 04/10/2021.

Trích lập quỹ dự phòng rủi ro với tổ chức tín dụng

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2021
Ảnh minh họa

Từ ngày 01/10/2021, Thông tư 11/2021/TT-NHNN (Thông tư 11) về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) sẽ có hiệu lực.

Nội dung thông tư quy định: TCTD phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro trong đó có quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, tài sản bảo đảm.

Về nguyên tắc, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. TCTD phân loại nợ theo 5 nhóm: nợ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.

Thông tư cũng quy định tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm, cụ thể đối với nhóm nợ tiêu chuẩn không phải trích lập, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%.

Mức trích lập dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4. Bên cạnh đó, TCTD sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong trường hợp sau: Khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản, cá nhân bị chết, mất tích; các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

Ngoài ra, sau thời gian tối thiểu 5 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, TCTD được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Mẫu giấy xác nhận để mua nhà ở xã hội mới

Mẫu giấy mới này được ban hành kèm theo Thông tư 09/2021/TT-BXD hướng dẫn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để thay thế các mẫu ban hành kèm Thông tư số 20/2016/TT-BXD, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2021.

Theo đó khi đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư này. Ngoài ra, học sinh, sinh viên, học sinh trường dân tộc nội trú công lập sẽ sử dụng mẫu đơn số 10 về thuê nhà ở xã hội.

Người mua lại nhà ở xã hội sẽ không còn phải cần được Sở Xây dựng địa phương xác nhận vào đơn đăng ký mua nhà về việc người này chưa hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội Quy định này đã được bỏ.

Quy định mới về đăng kiểm ô tô

Các quy định về đăng kiểm ô tô cũng là một trong các nội dung mới được rất nhiều người dân quan tâm. Quy định mới cụ thể tại Thông tư 16/2021/TT-BGTVT Quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường (BVMT) phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư này thay thế cho thông tư số 70/2015/TT-BGTVT.

Thông tư có những điểm mới về chu kỳ kiểm định ô tô tăng chu kỳ kiểm định đối với ô tô chở người các loại đến 09 chỗ có kinh doanh vận tải.

Chủ xe phải khai báo về việc kinh doanh vận tải chủ xe phải khai báo về việc kinh doanh vận tải vào phiếu theo dõi hồ sơ theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 16/2021. Ngoài ra, chủ xe sẽ không phải xuất trình bảo hiểm xe khi lập Hồ sơ phương tiện.

Tem kiểm định riêng cho xe kinh doanh vận tải cũng có một số thay đổi: Dùng mẫu tem kiểm định màu vàng cam cho xe ô ô kinh doanh vận tải và màu xanh cho xe không kinh doanh để nhận diện hai loại xe trên tem kiểm định riêng cho xe kinh doanh vận tải.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2021.

Quy định mới về phí sử dụng đường bộ

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2021
Ảnh minh họa

Đây là nội dung chính được quy định tại Thông tư 70/2021/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, thay thế cho Thông tư số 293/2016/TT-BTC.

So với thông tư cũ thì Thông tư 70/2021/TT-BTC đã thêm trường hợp miễn phí sử dụng đường bộ:

+ Ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: Trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ: “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”.

+ Ô tô cảnh sát 113 có in dòng chữ: “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe.

+ Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe.

+ Ô tô vận tải có mui che và được lấp ghế ngồi trong thùng xe chở lực lượng công an làm nhiệm vụ.

+ Xe đặc chủng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn.

+ Ô tô đặc chủng gồm xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các loại xe ô tô đặc chủng khác của Bộ Công an. (Nội dung mới bổ sung).

Phí sử dụng đường bộ được tính theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ đăng kiểm của xe.

Ngoài ra toàn bộ số phí sử dụng đường bộ sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo quy định.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2021.

Sinh viên đại học được học trước chương trình thạc sĩ

Quy chế mới này quy định cụ thể tại Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ thay thế cho Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành từ 15/10/2021.

Theo như thông tư, sinh viên đại học có thể được học trước chương trình thạc sĩ. Cho phép tuyển sinh online. Cơ sở đào tạo được tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện bảo đâm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp.

Cho phép chuyển đổi tín chỉ và đăng ký trước học phần. Đầu ra ngoại ngữ cũng được nâng chuẩn.

Trong một năm các trường sẽ không bị giới hạn số lần tuyển sinh. Tại khoản 1 Điều 6 Quy chế ban hành kèm Thông tư 23 quy định, việc tuyển sinh có thể được tổ chức một hoặc nhiều lần trong năm chứ không còn giới hạn 2 lần mỗi năm như trước.

Loạt chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2021 Loạt chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2021
Từ tháng 9/2021, nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực. Đây cũng là những chính sách nổi bật, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đông đảo người dân như chính sách về bảo hiểm xã hội, đất đai, giáo dục…
Chính sách mới về xếp lương giáo viên có hiệu lực từ tháng 3 Chính sách mới về xếp lương giáo viên có hiệu lực từ tháng 3
Theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo, từ 20/3, sẽ thay đổi cách xếp lương giáo viên từ mầm non đến THCS công lập.
Chính sách mới năm 2021: Cấm ép nhân viên mua hàng của công ty, thêm ngày nghỉ cho người lao động Chính sách mới năm 2021: Cấm ép nhân viên mua hàng của công ty, thêm ngày nghỉ cho người lao động
Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021 liên quan đến hàng chục triệu người lao động, với nhiều chính sách mới như: Thêm một ngày nghỉ lễ trong năm, tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian làm thêm theo tháng lên 40 giờ…

Hoàng Nam

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-102021-152259.html

In bài viết