Vải rừng: "Lộc trời" của lũ trẻ vùng cao Đông Giang, Bình Thuận

18:54 | 25/08/2021

Cứ vào mùa mưa (tháng 5 - 10), trẻ em vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) lại vào núi hái những chùm vải rừng trĩu quả về làm quà ăn vặt với bạn bè.
Vải rừng:
Vải rừng, lộc trời của lũ trẻ vùng cao Đông Giang - Ảnh Thanh Quỳnh

Vào mùa mưa, cánh rừng Salon ở xã vùng cao Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận lại xanh mượt. Núi đồi, cây cối vươn lên đầy sức sống. Đây cũng là lúc nhiều loại trái cây rừng đến kỳ chín mọng.

Cứ đến mùa này, trẻ con vùng núi này rủ nhau lên khu rừng cách làng chừng 3 km hái về ăn. Mỗi Chủ nhật, K’ Văn Vững (13 tuổi) cùng nhóm bạn 6 đứa trong thôn Salon đạp xe vào đây tìm vải chín. Bên con đường mòn dẫn lên đèo Nam có nhiều cây đã chín đỏ.

K’ Văn Vững leo lên bẻ những cành trái chín quăng xuống lùm cỏ để trái vải không bị dập. Nhóm bạn đứng ở dưới thu lượm, xếp thành từng bó. Trái vải rừng có màu đỏ hồng tươi rói, nhỏ bằng ngón tay cái của người lớn.

Hái xong, nhóm bạn cùng nhau ngồi dưới tán cây bằng lăng bóc từng trái vài để thưởng thức ngay tại chỗ. “Con chỉ lựa những cành chín hái, cành có trái non để dành lại, hôm nào vào hái tiếp”, Vững nói.

Vải rừng, lộc trời của lũ trẻ vùng cao Đông Giang
Vải rừng không ngọt như vải nhà

Vải rừng không ngọt như vải nhà. Nhưng chúng có vị ngọt ngọt chua chua kèm mùi thơm hấp dẫn. Thi thoảng, có vài trái chua léc làm bọn trẻ nhắm nghiền mắt khi ăn phải. “Tụi con rất thích ăn trái này, cứ thèm là rủ nhau lên rừng hái”, em K’ Thị Ngọc bộc bạch.

Ông Vắn Nhật Hùng, một người sống gần rừng cho hay: "Vùng Salon này có rất nhiều vải rừng, nên trẻ con thường lên đây tìm hái. Loại cây này thường sống gần chân núi, chân đồi, mỗi năm chỉ cho ra trái một lần vào mùa hè, nên trở thành món ăn vặt yêu thích của học sinh địa phương".

Theo anh Hùng, từ xưa, người dân xã vùng cao Đông Giang đã biết ăn vải rừng. Người K’ho bản địa gọi nó trái vải rừng là “plai gơ-àl”. Đời trước biết ăn truyền lại cho đời sau. Thấy người lớn ăn, trẻ nhỏ cũng ăn theo.

Không những trẻ con, mà người lớn trong làng cũng thích ăn vải rừng bởi vị ngọt chua hấp dẫn của nó. “Trái này chấm với muối ớt giã thì ngon vô cùng”, chị K’ Thị Thu, một người dân ở xã Đông Giang cho hay.

Cũng theo chị Thu, khi trẻ nhỏ hái về nhiều ăn không hết, người trong nhà thường lột vỏ ra, ướp với đường và muối ớt, bỏ trong hủ nhựa ăn dần.

Vải rừng, lộc trời của lũ trẻ vùng cao Đông Giang
Một cây vải rừng đang cho trái ở núi Salon, xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc

Ngoài ra, có người rảnh việc nương rẫy, cũng đi hái cả gùi đầy mang về bán cho người trong làng và du khách. Thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhiều du khách đi chơi ở Lâm Đồng hoặc Tà Pao về thường ghé dọc đường mua với giá 30.000-50.000 đồng một ký.

Các xã lân cận với Đông Giang như: Đông Tiến, La Dạ, Đa Mi… cũng có nhiều vải rừng dọc núi. Đây là một trong những loại trái cây rừng đặc sản của người vùng cao này của huyện Hàm Thuận Bắc.

Người dân vùng núi Ba Tơ đốn tre làm giường tặng khu cách ly Người dân vùng núi Ba Tơ đốn tre làm giường tặng khu cách ly
Người dân địa phương huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã làm giường tre tặng các cơ sở y tế, những khu cách ly để người cách ly đảm bảo sức khỏe trong thời gian cách ly.
Hàng vạn đồng bào các dân tộc vùng cao Nghệ An náo nức đi bầu cử sớm Hàng vạn đồng bào các dân tộc vùng cao Nghệ An náo nức đi bầu cử sớm
Bốn huyện miền núi của tỉnh Nghệ An đã tiến hành bầu cử sớm từ ngày 21/5. Hàng vạn cử tri đi bỏ phiếu trong bầu không khí vui tươi, phấn khởi.
Lào Cai: Nhịp sống trong sương mù của người dân vùng cao biên giới Lào Cai: Nhịp sống trong sương mù của người dân vùng cao biên giới
Chúng tôi quyết tâm lên Toòng Dao, thôn Bản Toòng, xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa) vào một buổi sáng giữa sương giá. Theo lời giới thiệu của người quen, đây là nơi “bình yên nhất trên trái đất”, gần như cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Thanh Quỳnh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/vai-rung-loc-troi-cua-lu-tre-vung-cao-dong-giang-binh-thuan-148841.html

In bài viết