Đường Thái Lan "nhờ" trung gian vào Việt Nam để tránh thuế?

14:00 | 18/08/2021

Ngày 18/8, Đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã đưa ra nghi vấn về việc đường Thái Lan đang thông qua nước thứ 3 nhập khẩu vào Việt Nam để tránh thuế. Điều này được đưa ra khi xem xét các hiện tượng bất thường trong hoạt động nhập khẩu đường vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh đối với mặt hàng này.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, tính từ ngày 16/6 vừa qua Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá 47,64% đối với một số sản phẩm đường từ Thái Lan thời hạn 5 năm, đã tạo được tác động tích cực đối với ngành mía đường trong nước. Qua đó, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110.000 tấn năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn (giảm 75%). Giá đường trong nước nhích lên, đồng thời giá thu mua mía cũng tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn.

Tuy nhiên, báo cáo tháng 7/2021 vừa được công bố của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, thời gian qua tiếp tục xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu rõ, nửa đầu năm nay, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia gồm: Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đạt tới 399,189 tấn, tăng gấp 10 lần so với con số 38,61 tấn cùng kỳ năm trước.

Đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về năng lực cạnh tranh mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như vậy.

“Thực chất đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, khi cả 5 nước trên đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan. Bản chất lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN nêu trên đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan. Toàn bộ số lượng đường trên đây chỉ chịu thuế 5% so với mức thuế lẽ ra phải đóng là 33,88% và 48,88% tùy theo loại đường”, vị đại diện này cho hay.

Đường Thái Lan
Sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan - Ảnh minh họa

Đối với hoạt động nhập khẩu đường, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng đường nhập khẩu đạt 781.334 tấn với tổng trị giá hơn 367,2 triệu USD. Các chuyên gia trong ngành mía đường nhận định, đây là con số kỷ lục chưa từng có trong ngành đường Việt Nam.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, vụ sản xuất mía đường đã kết thúc với sản lượng đường đạt 689.830 tấn, thấp hơn sản lượng 763.931 tấn đường của vụ trước.

Đặc biệt, nhu cầu về đường đã xuống đến mức thấp nhất trong 2 tháng gần đây dưới tác dụng của dịch bệnh dẫn đến việc giãn cách xã hội, hạn chế hàng hóa lưu thông. Trong bối cảnh hiện tại, các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu hoàn toàn làm chủ thị trường và nguồn cung đường đang đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, trong tháng 7/2021, tình hình bùng phát dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam đã dẫn đến việc giãn cách xã hội, hạn chế hàng hóa lưu thông nên các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu lắng xuống. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy đây chỉ là tạm thời, vì lượng đường Thái Lan vẫn tiếp tục nhập khẩu vào Campuchia và Thái Lan với mức độ lớn hơn so với cùng kỳ, lượng đường này hầu như chỉ phục vụ cho hoạt động nhập lậu và nhập lẩn tránh phòng vệ thương mại vào Việt Nam.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo tháng 8/2021, nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường sản xuất từ mía trong nước đang tồn kho.

Được biết, nhu cầu tiêu thụ đường sẽ lệ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh và sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 8/2021 và tháng 9/2021; ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

Để làm rõ nghi vấn gian lận thương mại này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam phải có hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế, sau đó Cục Phòng vệ thương mại theo quy định thì mới tiến hành các bước khởi xướng điều tra tiếp theo.

Bangkok Thái Kitchen - lan toả ẩm thực Thái Lan trên đất Việt Bangkok Thái Kitchen - lan toả ẩm thực Thái Lan trên đất Việt
Toạ lạc tại số 15C Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội, nhà hàng Bangkok Thái Kitchen được xem là địa chỉ ẩm thực chuẩn Thái. Không gian Bangkok Thái Kitchen được thiết kế theo phong cách hiện đại, giản dị nhưng không kém phần sang trọng, tất cả kết hợp hình thành nên một vẻ đẹp hài hoà, tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng khi thưởng thức các món thái. Cách chế biến truyền thống cộng hưởng với nguyên liệu, văn hoá, thời tiết từng vùng miền tạo nên nền ẩm thực thái được kết hợp nhiều màu sắc từ hương đến vị với thực đơn món ăn đa dạng, mang hương vị “chua, cay, mặn, ngọt” đặc trưng chuẩn hương vị Thái Lan.
Việt Nam áp thuế chống bán giá đối với đường mía Thái Lan Việt Nam áp thuế chống bán giá đối với đường mía Thái Lan
Ngày 15/6, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1578 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Tào Đạt

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/duong-thai-lan-nho-trung-gian-vao-viet-nam-de-tranh-thue-148081.html

In bài viết