Siết chặt phòng tuyến chống dịch Covid-19 trên biên giới Tây Nguyên

19:17 | 19/05/2021

Tuyến biên giới Tây Nguyên đi qua địa bàn 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đăk Nông có tổng chiều dài hơn 593km, trong đó đường biên giới Việt Nam - Lào dài hơn 154km, còn lại là biên giới Việt Nam - Camphuchia. Ngay sau khi tình hình dịch Covid-19 tại 2 quốc gia láng giềng diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4-2021 đến nay, một hệ thống phòng dịch quy mô chưa từng thấy trên biên giới các tỉnh Tây Nguyên đã được kích hoạt và đi vào vận hành ở cường độ cao nhất…
Nậm Pồ (Điện Biên): Huyện nghèo biên giới gồng mình chống dịch Covid-19 Nậm Pồ (Điện Biên): Huyện nghèo biên giới gồng mình chống dịch Covid-19
Đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trên quần đảo Trường Sa Đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trên quần đảo Trường Sa
Điện Biên: Hỗ trợ lực lượng biên giới Lào phòng, chống dịch covid – 19 Điện Biên: Hỗ trợ lực lượng biên giới Lào phòng, chống dịch covid – 19

Xe chuyên dụng trang bị loa công suất lớn của BĐBP Đắk Lắk đi khắp các địa bàn biên giới để tuyên truyền về bầu cử và phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thái Kim Nga

Tăng dày tuyến đầu, tạo “nắm đấm” từ tuyến hai

Nếu ví cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn biên giới Tây Nguyên hiện nay như trận cầu đỉnh cao thì chúng ta đang chọn lối đá “tấn công tổng lực” bằng cách tăng dày hàng tiền đạo và tạo ra lớp phòng vệ uy lực từ tuyến hai, quyết tâm chặn đứng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập ngay từ biên giới. Và, đó cũng chính là chiến thuật tối ưu nhất để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho tuyến sau (nội địa).

Ở tuyến đầu, ròng rã suốt 2 năm qua, trên đường biên giới, các đơn vị BĐBP (có thời điểm được tăng cường lực lượng dân quân thường trực và nhân viên y tế) đã căng mình thực hiện nhiệm vụ kép vừa quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Hầu hết những “món đặc sản” bào mòn thể lực như nắng, gió, mưa, lũ ở Tây Nguyên đều đã được người lính nơi tuyến đầu trải nghiệm một cách sâu sắc nhất. Mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu và nước mắt của người lính Biên phòng đã đổ xuống trên đường biên giới để giữ lấy sự bình yên cho quê hương đất nước ở tuyến sau.

Sau khi tình hình dịch Covid-19 ở một số địa phương phía đối diện có những diễn biến hết sức phức tạp, các điểm chốt cố định và tổ tuần tra, kiểm soát lưu động trên đường biên giới các tỉnh Tây Nguyên được bố trí dày hơn, với sự tăng cường lực lượng từ Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh trên địa bàn. Nếu tính bình quân thì hiện tại, cứ 4,5km đường biên giới các tỉnh Tây Nguyên được bố trí 1 chốt cố định chặn dịch, với sự tham gia của lực lượng BĐBP, quân sự, dân quân thường trực và nhân viên y tế. Bên cạnh đó là hoạt động xuyên suốt 24/24 giờ của các tổ tuần tra, kiểm soát lưu động với sự hỗ trợ từ chó nghiệp vụ. Quyết tâm của người lính Biên phòng nơi tuyến đầu chặn dịch luôn được đẩy lên ở mức cao nhất.

Trong buổi làm việc với chỉ huy các đơn vị cơ sở khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Đại tá Nguyễn Văn Lư, Chỉ huy trưởng BĐBP Đăk Nông nhấn mạnh: “Bộ Chỉ huy chia sẻ những khó khăn, vất vả của các đồng chí, nhưng giờ là lúc chúng ta dồn toàn lực tuần tra, chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ biên giới, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, không để xảy ra bất kỳ nguy cơ lây lan dịch bệnh nào từ bên kia biên giới. Bộ Chỉ huy mà trực tiếp là Chỉ huy trưởng sẽ kiểm tra giám sát 24/24 giờ việc chấp hành mệnh lệnh cấp trên của các đồng chí, ai vi phạm sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất”.

Tuyến đầu đã được tăng dày thêm một bước do BĐBP chủ trì. Tuy nhiên, để dựng lên “hàng rào” kín kẽ, ngăn chặn có hiệu quả mọi mầm mống dịch bệnh qua biên giới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức khảo sát vị trí dọc tuyến biên giới 4 tỉnh Tây Nguyên để triển khai các điểm chốt kiểm soát phòng ngừa dịch Covid-19 thuộc lớp phòng tuyến thứ 2. Các điểm chốt này do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, có sự tham gia của lực lượng Công an và căn cứ vào điều kiện thực tế ở mỗi địa bàn để bố trí lực lượng. “Khu vực tác chiến” chủ yếu của phòng tuyến thứ 2 là cách vành đai biên giới từ 1km trở lên vào địa bàn nội địa.

Như vậy, cùng với sự tăng dày cho tuyến đầu, việc tạo thêm “nắm đấm” đủ mạnh ở tuyến 2 đã cho thấy chiến thuật “tấn công tổng lực” trong phòng, chống đại dịch Covid-19 trên địa bàn biên giới các tỉnh Tây Nguyên. Việc siết chặt phòng tuyến chặn dịch ở nhiều tầng, nấc khác nhau cũng đã cho thấy quan điểm xuyên suốt và quyết tâm “chống dịch như chống giặc” do Quân đội chủ trì kể từ khi đại dịch xuất hiện cho đến nay.

Tăng cường “sức mạnh mềm” trên địa bàn biên giới

Chiến thuật “tấn công tổng lực” trong trong phòng, chống đại dịch Covid-19 trên biên giới các tỉnh Tây Nguyên còn được thể hiện rõ nét qua việc tăng cường “sức mạnh mềm” từ phòng tuyến nhân dân. Bên cạnh “đi từng thôn, gõ cửa từng nhà” để thông tin, hướng dẫn, nhắc nhở bà con các kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, giờ là lúc các cụm loa truyền thanh, loa di động mang “thương hiệu” Biên phòng hoạt động hết công suất trên mọi nẻo đường biên giới, vừa tuyên truyền bầu cử, vừa phát động phong trào toàn dân phát hiện tố giác các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết: “Cùng với các tổ tuyên truyền bằng loa di động do các đồn Biên phòng thực hiện, chúng tôi sử dụng xe chuyên dụng trang bị loa công suất lớn đi khắp các địa bàn biên giới để thông tin, nhắc nhở, cảnh báo bà con về tình hình dịch bệnh, phát huy sức mạnh toàn dân trong phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, kết hợp tuyên truyền bầu cử. Cứ như thế hết lần này đến lượt khác, với nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú thì hiệu quả chắc chắn sẽ được nâng lên...”.

Tăng gia sản xuất, trồng cây xanh trên điểm chốt phòng, chống Covid-19 của BĐBP Đăk Nông. Ảnh: Thái Kim Nga

Ông Ksor Blơl ở làng Bi, ở xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) chia sẻ: “Có cán bộ Biên phòng thường xuyên tuần tra, kiểm soát dọc biên giới, bà con trong làng yên tâm lao động sản xuất. Cũng nhờ tiếng loa Biên phòng và cán bộ trực tiếp đi đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động nên mình và người thân đã nắm vững các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không tập trung đông người, ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn kỹ càng. Đặc biệt, khi thấy người lạ vào địa bàn, hoặc đối tượng vi phạm quy chế biên giới là phải báo cho đồn Biên phòng và chính quyền địa phương để xử lý ngay...”.

Siết chặt phòng tuyến chống dịch trên biên giới, tăng cường sức mạnh toàn dân trong đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vi phạm quy chế biên giới, xuất, nhập cảnh trái phép đã giúp cho các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên chống dịch Covid-19 có hiệu quả.

Tính từ cuối tháng 4 đến nay, ngoại trừ trường hợp dương tính Covid-19 ở tỉnh Đắk Lắk (lây nhiễm từ ổ dịch trong nước), địa bàn Tây Nguyên không xuất hiện ca bệnh mới nào. Các hoạt động vi phạm quy chế biên giới, đặc biệt là tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép đã được ngăn chặn triệt để. Đây có thể nói tín hiệu rất khả quan trong cuộc chiến trường kỳ chống dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều mối hiểm họa ở phía trước. Sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân chính là món quà vô giá dành tặng những người lính đang ngày đêm căng mình chống dịch nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trên quần đảo Trường Sa Đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trên quần đảo Trường Sa
Huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) hiện nay chưa ghi nhận ca mắc COVID-19. Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, đó là nhờ công tác phòng, chống dịch tại quần đảo Trường Sa được thực hiện rất hiệu quả. Các lực lượng ở các đảo, điểm đảo đã triển khai nhiều biện pháp với phương châm chủ động, tích cực, quyết không để dịch xâm nhập, lây lan.
Điện Biên trao tặng vật chất phòng, chống dịch Covid-19 trị giá trên 100 triệu đồng cho lực lượng bảo vệ biên giới Lào Điện Biên trao tặng vật chất phòng, chống dịch Covid-19 trị giá trên 100 triệu đồng cho lực lượng bảo vệ biên giới Lào
Sáng ngày 10/5, tại cột mốc 113 Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang và cột mốc 144 Cửa khẩu Huổi Puốc, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên đã trao tặng vật chất phòng, chống dịch Covid-19 cho Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an hai tỉnh Phong Sa Ly, Luông Pha Băng, Lào.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp khẩn với 6 tỉnh biên giới Tây Nam về phòng chống dịch Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp khẩn với 6 tỉnh biên giới Tây Nam về phòng chống dịch
Ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp từ đầu cầu UBND tỉnh An Giang với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, một số bộ ngành và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam.

Thái Kim Nga

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/siet-chat-phong-tuyen-chong-dich-covid-19-tren-bien-gioi-tay-nguyen-139584.html

In bài viết