Tạo động lực phát triển bền vững nông thôn, miền núi, hải đảo

16:09 | 29/03/2021

Đến năm 2019, 99,53% hộ dân Việt Nam có điện (tăng 97% so với năm 1975). Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là nước đang phát triển thành công về tỉ lệ điện khí hóa nông thôn cao trên thế giới. Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đã và đang tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương thụ hưởng.
Mở tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn tạo đà cho du lịch vùng phát triển Mở tuyến đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn tạo đà cho du lịch vùng phát triển
Sản xuất các chương trình phục vụ đồng bào dân tộc miền núi, vùng biên giới năm 2021 Sản xuất các chương trình phục vụ đồng bào dân tộc miền núi, vùng biên giới năm 2021
Xử lý nghiêm tin giả tràn về vùng dân tộc thiểu số và miền núi Xử lý nghiêm tin giả tràn về vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Việc đưa lưới điện quốc gia ra đảo Hải Tặc giúp cuộc sống của người dân trên đảo thuận lợi hơn. Ảnh: Bích Nguyên

Sau nhiều năm mong đợi, tháng 10-2018, đảo Hải Tặc, thuộc xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã có lưới điện quốc gia. 330 hộ dân trên đảo chính thức được dùng điện lưới. Ông Hoàng Tư Kim, năm nay 69 tuổi, một trong những cư dân thế hệ đầu tiên sinh sống ở đảo mừng rỡ hơn ai hết.

“Hồi ban đầu, trên đảo chỉ có hơn chục người sinh sống. Chúng tôi phải phạt cỏ tranh lấy đường đi. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ là đảo có đường, có điện như bây giờ” - ông Kim chia sẻ.

Cũng theo ông Kim, điện về đảo giúp thay đổi mọi thứ. Từ ngày có điện, cuộc sống tiện ích hơn rất nhiều. Việc làm ăn cũng thuận lợi hơn. Ở đây, chúng tôi chủ yếu làm nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch. Có điện, nghề du lịch phát triển nhanh hơn.

"Bây giờ, chúng tôi lắp thêm điều hòa, bình nóng lạnh, tăng thêm tiện ích cho du khách. Người dân trên đảo dự dịnh mở thêm dịch vụ xe điện phục vụ khách tham quan vòng quanh đảo. Có thêm nhiều dịch vụ, chúng tôi hi vọng du khách đến với đảo nhiều hơn, kinh tế của bà con nhờ đó cũng phát triển”- Ông Kim phấn khởi nói với chúng tôi.

Cùng với đảo Hải Tặc, đảo Nhơn Châu (Bình Định), Cù Lao Chàm (Quảng Nam)... đã được hòa lưới điện quốc gia trong giai đoạn 2016-2020. Đây là kết quả của việc triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, sau đó là Quyết định số 1740/QÐ-TTg ngày 13-12-2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là cấp điện cho các hộ dân nông thôn, miền núi và hải đảo nhằm tạo động lực xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Tổ quốc...; tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo. Chương trình triển khai đầu tư tại 48 tỉnh/thành phố với mục tiêu đến năm 2020, hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Bộ Công thương cho biết, giai đoạn 2016-2020, huy động vốn ngân sách trung ương cho chương trình là 4.743 tỷ đồng cùng với vốn đối ứng của các chủ đầu tư. Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: 17/17 xã được cấp điện đạt 100% kế hoạch đề ra; cấp điện cho các đảo: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Nhơn Châu (Bình Định), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đảo Trần và Cái Chiên (Quảng Ninh). Số hộ dân được cấp điện từ các nguồn trong giai đoạn vừa qua là 204.737/1.076.000, đạt 19% trên địa bàn 3.079 thôn, bản thuộc 1.107 xã.

Cũng trong giai đoạn vừa qua, cả nước đã triển khai giải pháp cấp điện năng lượng tái tạo cho các cụm dân cư nhỏ lẻ tại khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Giải pháp này đã giúp giảm suất đầu tư trung bình từ khoảng 450 triệu đồng/hộ (đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia) xuống còn khoảng 80 triệu đồng/hộ.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng phê duyệt bổ sung dự án thủy điện Mận Thắng 3 (Hà Giang) vào chương trình, thực hiện cấp điện cho 167 hộ dân và bán điện dư thừa vào lưới điện quốc gia giúp giảm đầu tư vốn ngân sách khoảng 12 tỷ đồng.

Theo Bộ Công thương, đến ngày 31-12-2019, cả nước có hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được dùng điện. Trong đó, số hộ dân sử dụng điện từ lưới điện quốc gia là 16,98 triệu hộ và 24 ngàn hộ dân được cấp điện. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện lưới quốc gia.

Có điện, người dân tộc Lô Lô Hà Giang tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa nghệ thuật vào buổi tối. Ảnh: Bích Nguyên

Thực tế, Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Chúng ta có thể thấy rất rõ hiệu quả của việc đưa điện về nông thôn qua sự thay đổi sâu sắc trong cuộc sống hằng ngày của người nông dân. Tỉ lệ sử dụng phương tiện nghe nhìn, thiết bị điện như tủ lạnh, điều hòa, quạt ở khu vực nông thôn, hải đảo, miền núi tăng lên đáng kể.

Điều đó giúp cho đời sống văn hóa và tinh thần của người dân phong phú hơn, góp phần nâng cao trình độ dân trí, mức hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, tỉ lệ ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất, đặc biệt là tại các ngành nghề truyền thống cũng tăng lên.

Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, mục tiêu đến năm 2020, hầu hết số hộ dân nông thôn có điện vẫn chưa được thực hiện. Hiện, vẫn còn khoảng 154 nghìn hộ dân chưa có điện, hơn 717 nghìn hộ dân có điện nhưng không ổn định. Mặt khác, một số đảo như Cồn Cỏ (Quảng Trị); Thổ Chu, An Sơn và Nam Du (Kiên Giang); Côn Ðảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); các thôn đảo Ninh Tân, Ninh Ðảo, Ðiệp Sơn, Bích Ðầm ở Khánh Hòa... cũng chưa có điện lưới. Ðây là các khu vực biên giới và hải đảo, có ý nghĩa an ninh - quốc phòng quan trọng.

Trước thực trạng trên, Bộ Công thương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ kéo dài Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo sang giai đoạn 2021-2025.

Thứ tự ưu tiên đầu tư là khu vực thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới giáp ranh, các đảo chưa có điện. Tiếp đến là vùng xã đặc biệt khó khăn, có yếu tố an ninh - quốc phòng của các tỉnh; khu vực chưa có điện, có điện nhưng không đảm bảo an toàn. Cuối cùng là khu vực nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện trung, hạ thế.

Công tác thi đua khen thưởng góp phần tạo động lực trong phát triển KTXH Công tác thi đua khen thưởng góp phần tạo động lực trong phát triển KTXH
Từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đến nay, công tác thi đua khen thưởng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần tạo động lực trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố tổ chức của hệ thống chính trị vững mạnh. - Thông tin chính thống hoạt động, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; và thế giới...
Hợp tác kiến tạo môi trường phát triển bền vững trong khu vực Hợp tác kiến tạo môi trường phát triển bền vững trong khu vực
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các Hội nghị cấp cao lần này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam với chiến lược hợp tác khu vực, nhấn mạnh vai trò của hợp tác trong ứng phó với các thách thức chung.
Cà Mau: Phát triển nghề cá  bền vững, có trách nhiệm Cà Mau: Phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm
Sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong việc thực hiện hoạt động tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo quy định (IUU) đã giúp cho tình trạng tàu cá của tỉnh khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài giảm đi đáng kể.

Thu Hằng

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tao-dong-luc-phat-trien-ben-vung-nong-thon-mien-nui-hai-dao-134825.html

In bài viết