EU và Mỹ "đường chia đổi ngả" về lập trường đối với Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga

06:45 | 04/03/2021

Có vẻ như quan điểm của Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden vẫn giống với quan điểm người tiền nhiệm Donald Trump về các biện pháp trừng phạt đối với các dự án năng lượng của Nga tại Liên minh châu Âu (EU).
Động thái của Mỹ khiến Nga lập tức đưa ra cảnh báo sắc lạnh “đừng đùa với lửa” Động thái của Mỹ khiến Nga lập tức đưa ra cảnh báo sắc lạnh “đừng đùa với lửa”
Mỹ - Canada thỏa thuận nâng cấp NORAD, quyết đối phó Nga Mỹ - Canada thỏa thuận nâng cấp NORAD, quyết đối phó Nga

Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) là một dự án năng lượng của Nga đối với Tây Âu. Trong một bài viết trên Nhật báo Ba Lan Dziennik Związkowy, ông Jakub Lachert - nghiên cứu sinh tại khoa Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Warsaw (Ba Lan), đánh giá dự án này có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga vì nó củng cố vị thế thống trị của Nga với tư cách là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu sang các thị trường ở châu Âu.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Biden tuyên bố rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 “có hại” cho châu Âu. Lập trường này của Washington trái ngược với quan điểm của Berlin, vốn muốn tìm cách hoàn tất dự án bất kể thái độ của Mỹ ra sao.

EU và Mỹ
Khoảng 75km đường ống còn lại sẽ được lắp đặt trong dự án dài 1.200 km này. Ảnh: AFP

Do đó, có thể nhận định rằng, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì một số biện pháp trừng phạt đối với các thực thể liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Điều này không chỉ vì lý do chính trị mà còn vì mục đích kinh tế. Washington rất muốn xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang các thị trường châu Âu nhưng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hạn chế nhu cầu cung cấp thêm nguồn năng lượng này cho châu Âu.

Trong khi đó, các nước EU vẫn bị chia rẽ khi đề cập dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Từ quan điểm của các nước ở khu vực Baltic hoặc Ba Lan, những khoản đầu tư như vậy từ Nga là mối đe dọa địa chính trị. Điều này chủ yếu là do thị trường châu Âu phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có khả năng cung cấp khoảng 110 tỷ m3 khí tự nhiên cho châu Âu mỗi năm.

EU dường như đang đánh giá việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 trong bối cảnh tình hình chính trị ở Nga. Sau vụ việc chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị bắt giam khi trở về Nga vào tháng 1/2021 và hành động mà châu Âu gọi là “đàn áp phe đối lập” ở nhiều thành phố của Nga, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi tạm dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp về các vấn đề châu Âu Clément Beaune cũng tuyên bố rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nên được tạm dừng do vụ bắt giữ ông Navalny và diễn biến chính trị ở Nga.

Kể từ khi lần đầu tiên được lên kế hoạch, Dòng chảy phương Bắc 2 đã vấp phải chỉ trích từ phía Mỹ, khi mà cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều tin rằng dự án này sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga về khí tự nhiên, và vì vậy sẽ thúc đẩy ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hiện nay, các nước châu Âu phụ thuộc vào Nga khoảng 40% nhu cầu khí tự nhiên.

Tổng thống Joe Biden đã gọi đường ống dẫn khí trên là "một thỏa thuận tồi tệ cho châu Âu" và chính quyền của ông dự kiến sẽ áp thêm các lệnh trừng phạt lên những công ty thi công dự án này.

Dự án trên cũng khiến Ukraine không hài lòng sau khi mối quan hệ của nước này với Nga đã lao dốc nghiêm trọng sau việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Hiện có một đường ống dẫn khí trên đất liền từ Nga tới châu Âu chạy qua Ukraine nhưng khi Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành, Nga có thể bỏ qua đường ống ở Ukraine và không phải trả cho nước này khoản phí trung chuyển đắt đỏ.

Pháp và một số quốc gia khác ở Đông Âu cũng thể hiện sự phản đối với dự án này.

Tuy nhiên, Đức vẫn giữ vững lập trường về Dòng chảy phương Bắc 2, bất chấp sự phản đối từ các đồng minh. Thủ tướng Angela Merkel đã khẳng định đây là một dự án thương mại, đồng thời tuyên bố vụ bắt giữ nhân vật đối lập Nga Navalny không ảnh hưởng đến dự án này.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng ủng hộ lập trường của Đức và miêu tả Dòng chảy phương Bắc 2 là một "dự án của châu Âu".

Bị 'chê' nhẹ tay với Dòng chảy phương Bắc 2, Bộ Ngoại giao Mỹ nói gì? Bị 'chê' nhẹ tay với Dòng chảy phương Bắc 2, Bộ Ngoại giao Mỹ nói gì?
EU để Đức tự quyết định số phận dự án Dòng chảy phương Bắc 2 EU để Đức tự quyết định số phận dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Hà Linh (TH)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/eu-va-my-duong-chia-doi-nga-ve-lap-truong-doi-voi-dong-chay-phuong-bac-2-cua-nga-132630.html

In bài viết