Tết Nguyên đán 2021 của người châu Á lạ lẫm "chưa từng thấy"

18:22 | 11/02/2021

Những thời khắc của năm mới Tân Sửu đang đến thật gần. Và người dân trên khắp châu Á cũng đang đón một cái Tết Nguyên đán với nhiều sắc thái và tâm tư khác nhau.
Việt Nam tặng Đại sứ quán Lào món quà đậm nét văn hoá truyền thống nhân Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 Việt Nam tặng Đại sứ quán Lào món quà đậm nét văn hoá truyền thống nhân Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021
Infographic: Những tỉnh nào dừng bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2021 vì COVID-19? Infographic: Những tỉnh nào dừng bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2021 vì COVID-19?
Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Tết cổ truyền Việt Nam là lúc để sống chậm lại, kết nối những người thân yêu Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Tết cổ truyền Việt Nam là lúc để sống chậm lại, kết nối những người thân yêu

Tết Nguyên đán năm 2021 có thể là một trong những cái Tết đặc biệt nhất của nhiều người dân trên khắp châu Á. Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn ngày càng trở nên phức tạp hơn và “một năm kinh tế buồn” khiến tâm trạng của người dân lẫn chính quyền mang nặng nhiều suy tư ngay cả ở những thời khắc đáng lẽ ra sẽ phải hân hoan để chào đón một mùa Xuân mới.

Trung Quốc: Hàng triệu người dân lựa chọn đón Tết xa gia đình

Theo thông lệ thì Tết Nguyên đán vốn là một dịp đặc biệt nhất trong năm khiến hàng trăm triệu người Trung Quốc từ khắp mọi miền của quốc gia tỷ dân này chen kín trên mọi phương tiện giao thông để về đón tết cùng gia đình.

Tết Nguyên đán 2021 của người châu Á lạ lẫm
Tết được xem là một cuộc "đại di cư" của người Trung Quốc đi làm ăn xa trở về quê nhà ăn Tết. Ảnh chụp vào dịp Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg/Getty Images

Thế nhưng năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, “cuộc di cư lớn nhất hành tinh của loài người” diễn ra hàng năm đã phải bị “phanh” lại bởi thông báo của chính quyền trung ương Trung Quốc về việc người dân “dừng mọi di chuyển không cần thiết” nhằm hạn chế sự lây lan mất kiểm soát của COVID-19.

Một loạt quy định mới đã được chính quyền các cấp áp dụng cho người dân như: phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày trước khi về nhà và phải ở yên trong nhà thêm 14 ngày nữa như là một hình thức cách ly tại gia. Một số địa phương còn đề ra các quy định khắt khe hơn: cách ly tại các cơ sở tập trung do chính quyền quản lý thay vì được về nhà ăn tết cùng gia đình.

Nhiều người dân Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng với các quy định mà họ cho là quá nghiêm khắc.

“Tôi cho rằng đây là những chính sách quá cứng rắn”, Dan Di, sinh viên 21 tuổi đang theo học tại một trường đại học tại Quảng Châu nói với phóng viên đài CNN. “Tết là dịp quan trọng nhất để mọi người được về đoàn tụ cùng gia đình”.

Một người dân Trung Quốc tranh thủ ở lại thành phố làm việc kiếm thêm thu nhập dịp Tết. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images AsiaPac/Getty Images
Một người dân Trung Quốc tranh thủ ở lại thành phố làm việc kiếm thêm thu nhập dịp Tết. Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images AsiaPac/Getty Images

Để hỗ trợ người dân đi làm ăn xa không về quê dịp Tết Nguyên đán, chính quyền nhiều địa phương cũng đã có những trợ giúp cụ thể cho họ như là một cách bù đắp sự thiệt thòi, như: chính quyền thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang trợ cấp mỗi người dân nhập cư 1 triệu đồng để ăn tết. Một số địa phương khác thì hỗ trợ bằng phiếu giảm giá mua sắm, giảm giá tiền thuê nhà, hay thậm chí ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 sớm,...

“Với tình hình này thì chúng ta buộc phải lựa chọn cách sống khác hơn vì cộng đồng”, cô Vicky Wang, một kỹ thuật viên 25 tuổi ngành CNTT chia sẻ khi đang dọn dẹp căn hộ thuê để đón Tết một mình ở Thượng Hải.

“Tôi xác định mình cần hy sinh đôi chút lợi ích của bản thân để tất cả chúng ta được an toàn hơn”.

Singapore: Người dân ăn Tết trong thận trọng

Đại gia đình ông Cheongs với 20 thành viên gồm 5 gia đình nhỏ vốn có truyền thống thăm viếng chúc Tết nhau từ hàng chục năm nay. Thế nhưng, Tết Tân Sửu năm nay được ông xác định là “trôi qua trong thầm lặng”.

“Năm nay vợ chồng tôi tổ chức 1 bữa tiệc nhỏ chỉ với 4 người để đón giao thừa. Sau đó, toàn bộ thành viên trong đại gia đình sẽ chúc Tết nhau qua ứng dụng Zoom”, ông Eric Cheong, 63 tuổi, cho tờ tin CNA biết.

“Và điều khác biệt lớn nhất so với mọi năm là chúng tôi không đi thăm viếng và chúc tết tại nhà của bạn bè người thân”.

Người dân Singapore thay đổi thói quen ăn Tết tập trung vì lo ngại dịch bệnh lây lan. Ảnh:
Người dân Singapore thay đổi thói quen ăn Tết tập trung vì lo ngại dịch bệnh lây lan. Ảnh: Marcus Mark Ramos/CNA

Cô Tay Ying Hui, 25 tuổi, thì vẫn đi chúc Tết người thân trong gia đình nhưng với tinh thần “hết sức thận trọng”.

“Tôi vẫn cùng gia đình đi chơi Tết ở những lễ hội và địa điểm công cộng. Tuy nhiên, chắc chắn chúng tôi sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn”.

Mặc dù phải có những trải nghiệm không hề thoải mái nhưng theo cô, đây là điều có thể chấp nhận được trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay ở đảo quốc Singapore.

Thái lan: Giới kinh doanh du lịch đón Tết Nguyên đán trong tình trạng "chết lâm sàn"

Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Thái Lan được phép nghỉ ăn Tết Nguyên đán cùng gia đình mà không phải xin phép người sử dụng lao động như các năm trước bởi chính phủ Thái Lan đã quyết định công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ chính thức của đất nước này. Đây là một động thái được cho là sẽ giúp tạo sự sống cho ngành du lịch của xứ sở chùa vàng.

Thế nhưng, trong khi giới kinh doanh trong lĩnh vực du lịch của nền “công nghiệp không khói” hết sức phấn khởi với thu nhập khủng lên đến 13.9 tỷ bạt Thái chỉ trong mùa du lịch Tết Âm lịch năm 2019 nhờ lượng khách quốc tế vào Thái Lan thì hiện nay, họ không có chút mặn mà gì cho mùa lễ hội du lịch dịp Tết Nguyên đán năm 2021.

Ngành du lịch Thá Lan đã qua thời hoàng kim do tác động xấu của COVID-19. Ảnh: AP
Ngành du lịch Thái Lan đã qua thời hoàng kim do tác động xấu của COVID-19. Ảnh: AP

Ông Sisdivachr Cheewarattanaporn, giám đốc điều hành doanh nghiệp lữ hành Quality Express Co, lắc đầu một cách buồn bã khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh trong những ngày Tết Nguyên đán.

“Tôi đã từng gặp phải sự sụt giảm lượng khách trong nhiều năm trước đây do tác động của chính trị, xung đột, hay thiên tai”, ông Sisdivachr nói. “Nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến doanh thu giảm xuống bằng 0 do tác động của đại dịch COVID-19 như năm nay”.

Ông Sisdivachr thậm chí còn bi quan đến mức nghĩ đến khả năng phá sản nếu tình hình vẫn không được cải thiện trong vòng 6 tháng tới đây.

“Chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là kích cầu du lịch nội địa nếu muốn tiếp tục duy trì sự tồn tại ở mức tối thiểu của doanh nghiệp”, cô Nuntaporn Komonsittivate, quản lý một bộ phận kinh doanh của hãng hàng không Thai Lion Air bày tỏ với tờ Bangkok Post.

Úc: Người dân cộng đồng các quốc gia châu Á đón Tết Nguyên đán “trên mây”

Tết Nguyên đán là một trong những sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm của cộng đồng các sắc dân châu Á tại Úc.

Từ nhiều năm trước, người dân đã quá quen thuộc với hàng trăm lễ hội cộng đồng được tổ chức hàng tuần liền cùng với đa dạng các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân châu Á sinh sống và định cư tại các tiểu bang trên khắp nước Úc.

Các hoạt động lễ hội mừng năm mới do cộng đồng người Hoa ở Úc thường được tổ chức với quy mô lớn. Nhưng Tết năm nay, do tác động của đại dịch COVID-19 nên nhiều hoạt động đã bị trì hoãn hoặc được tổ chức ở quy mô nhỏ hơn. Ảnh:
Các hoạt động lễ hội mừng năm mới do cộng đồng người Hoa ở Úc thường được tổ chức với quy mô lớn. Nhưng Tết năm nay, do tác động của đại dịch COVID-19 nên nhiều hoạt động đã bị trì hoãn hoặc được tổ chức ở quy mô nhỏ hơn. Ảnh: Jarrod Fankhauser/ABC News

Thế nhưng, Tết Nguyên đán năm nay được xem là một cái Tết “khác lạ” khi hầu hết các hoạt động lễ hội lớn nhỏ đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Với anh Wayne Tseng, một người Úc gốc Hoa thì Tết Nguyên đán luôn là một dịp đặc biệt tôn vinh giá trị của sự đoàn viên và sum họp gia đình. Hàng năm, gia đình anh đều tụ họp với gia đình người anh trai ở thành phố khác để đón giao thừa và ăn Tết cùng nhau.

“Tết năm nay chúng tôi không thể ăn Tết cùng nhau do lệnh hạn chế di chuyển vì nguy cơ dịch bệnh”, anh Tseng cho biết. “Sẽ là những ngày Tết khác lạ bởi chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy nhau và chúc Tết qua màn hình máy tính mà thôi”.

Ban tổ chức Lễ hội Tết Nguyên đán của cộng đồng người Việt ở bang Victoria đang quay phim để đưa lên các sự kiện lễ hội lên mạng internet. Ảnh: Facebook/@Tet.LunarFestVic
Ban tổ chức Lễ hội Tết Nguyên đán của cộng đồng người Việt ở bang Victoria đang quay phim để đưa lên các sự kiện lễ hội lên mạng internet. Ảnh: Facebook/@Tet.LunarFestVic/SBS News

Cộng đồng người Việt Nam ở thành phố Melbourne (bang Victoria) cũng sẵng sàng cho một cái Tết khác lạ trong tình huống “bình thường mới” hiện nay.

Ông Andrew Do, Phó chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại bang Victoria cho biết, toàn bộ các hoạt động lễ hội đón Tết Nguyên đán 2021 đã được đưa “lên mây” để phục vụ mọi người, dù ông vẫn công nhận rằng, sẽ không dễ dàng để người dân cảm nhận một cách trọn vẹn không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc với hình thức tổ chức trực tuyến như hiện nay.

“Các món ăn ngày Tết, các hoạt động văn hóa dân gian,... sẽ được chúng tôi cố gắng tái hiện và đưa lên nền tảng trực tuyến để bà con vừa có được cơ hội thưởng thức các giá trị, hồn cốt văn hóa truyền thống của dân tộc Việt, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng”, ông Do nói với đài SBS Australia.

Gia đình nhỏ của cô Anh Nguyen sẽ đón Tết cùng nhau ngay tại nhà. Ảnh:
Gia đình nhỏ của cô Anh Nguyen sẽ đón Tết cùng nhau ngay tại nhà. Ảnh: Anh Nguyen/ABC News

Với cô Anh Nguyen thì thay vì đi đến những nơi đông người như các năm trước, Tết năm nay cô chọn cách ăn Tết tại gia cùng tổ ấm nhỏ của mình bằng cách cả nhà cùng nhau quây quần nấu những món ăn truyền thống của quê hương như nem cuốn, chả giò, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, và cùng khai bút đầu xuân vào đúng sáng mồng Một Tết để cầu mong một năm mới an lành.

“Dù xa Việt Nam đã lâu nhưng cả nhà tôi vẫn cố gắng duy trì các giá trị và văn hóa truyền thống. Đó là cách mà vợ chồng chúng tôi muốn giáo dục cho con mình giữ lại được nguồn gốc quê hương”, cô Anh Nguyen bày tỏ với đài ABC Australia.

Món ăn ngày mùng Một đem lại may mắn, phước lành cả năm Món ăn ngày mùng Một đem lại may mắn, phước lành cả năm
Theo quan niệm lâu đời truyền đến ngày nay, những món này sẽ góp phần mang lại may mắn, phúc lộc cho mọi người mọi nhà.
Gợi ý cách bày mâm ngũ quả trên ban thờ ngày Tết đúng chuẩn Gợi ý cách bày mâm ngũ quả trên ban thờ ngày Tết đúng chuẩn "Phúc Quý Thọ Khang Ninh"
Mâm ngũ quả là mâm quả cúng lễ gồm 5 loại trái cây khác nhau, thông qua tên gọi hoặc màu sắc, thể hiện ước muốn và lòng thành kính hướng về nguồn cội của người Việt.
Lời chúc Tết Tân Sửu 2021 dành cho ông bà ý nghĩa nhất Lời chúc Tết Tân Sửu 2021 dành cho ông bà ý nghĩa nhất
Ngày Tết, bạn đừng quên dành thật nhiều tình cảm cho ông bà của mình nhé. Hãy để ông bà cảm nhận được sự quan tâm của con cháu dành cho mình. Chỉ như vậy ông bà mới có thể vui khỏe để sống thật lâu cùng với con cháu.

Nguyễn Thuận

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tet-nguyen-dan-2021-cua-nguoi-chau-a-la-lam-chua-tung-thay-131039.html

In bài viết