Biểu tượng nước trong đời sống của người Xơ Đăng

18:33 | 23/01/2021

Đối với đồng bào dân tộc Xơ Đăng, nước có vai trò quan trọng, gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của bà con trong buôn, làng. Do vậy, lễ cúng bến nước là nét văn hóa truyền thống, phản ánh đậm nét phong tục, tập quán truyền thống và bản sắc văn hóa của người Xơ Đăng.
Jose Marti: Người gieo hạt giống cho nghĩa tình hai dân tộc Jose Marti: Người gieo hạt giống cho nghĩa tình hai dân tộc
Đặc sắc lễ cưới người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì Đặc sắc lễ cưới người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì
Phụ nữ dân tộc thiểu số Đắk Nông thoát nghèo nhờ kinh doanh trên mạng Phụ nữ dân tộc thiểu số Đắk Nông thoát nghèo nhờ kinh doanh trên mạng

Già làng thực hiện nghi lễ cúng máng nước. Ảnh: Thanh Thuận

Đồng bào dân tộc Xơ Đăng cư trú lâu đời ở Tây Nguyên và vùng lân cận thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, hiện còn lưu giữ một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú. Tại tỉnh Kon Tum, Xơ Đăng là dân tộc có dân số đông nhất trong số các tộc người bản địa nơi đây. Đời sống của người Xơ Đăng chủ yếu dựa vào việc trồng trọt. Do đó, đồng bào có nhiều phong tục, nghi lễ, tín ngưỡng để cầu mong các thần linh phù hộ, che chở cho cuộc sống được yên lành, mùa màng được tươi tốt. Trong những lễ thức trồng trọt, nhất định phải có Lễ cúng bến nước.

Trong quan niệm của người Xơ Đăng, bến nước vừa gần gũi, vừa thiêng liêng. Đồng bào cho rằng, con suối chảy qua làng là tặng phẩm của rừng già cho con người, nó được chắt ra từ sự tinh túy của rừng để đem đến sự sống tốt đẹp cho con người. Hằng ngày, bà con mang quả bầu lấy nước về nấu ăn, uống. Trẻ con đến đây vui chơi, đùa nghịch và cùng nhau tắm táp thỏa thích dưới máng nước...

Bên cạnh đó, bến nước còn là nơi để bà con gặp gỡ, chuyện trò, tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng. Mỗi khi đi đâu xa, hình ảnh gợi nhớ đầu tiên của họ là bến nước. Giữ gìn giọt nước cũng như giữ gìn hồn mình, buôn, làng mình. Bến nước vì thế trở thành biểu tượng văn hóa vừa gần gũi, vừa thiêng liêng trong đời sống của đồng bào Xơ Đăng.

Bà con đã đặt ra những quy tắc, luật lệ riêng để bảo vệ bến nước, như: Không được buộc trâu bò gần bến nước, không được xâm hại rừng đầu nguồn, không được xúc phạm đến thần sông thần suối, giữ gìn nước sạch để sinh hoạt... Nếu ai vi phạm sẽ bị nhắc nhở, nặng thì sẽ bị làng phạt rượu, gà, heo...

Do đó, người dân luôn có ý thức bảo vệ, gìn giữ nguồn nước, không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Bến nước cũng vì thế mà được gìn giữ mang lại cho con người dòng nước mát lành. Sự trân quý nước đã thấm sâu vào trong tâm hồn mỗi người Xơ Đăng.

Tôi có may mắn được chứng kiến Lễ cúng bến nước - một nghi lễ quan trọng trong đời sống của đồng bào Xơ Đăng sau mỗi vụ mùa thu hoạch, trong dịp đồng bào về tham gia các hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Nguyên do khởi phát của lễ cúng này xuất phát từ cuộc sống gắn với nền kinh tế nông nghiệp nương rẫy, nên sự ràng buộc của người Xơ Đăng với hai yếu tố núi và nước là sự ràng buộc bền chặt và sâu sắc nhất. Người Xơ Đăng cho rằng hạn hán là mối lo ngại nhất của những cư dân trồng trọt.

Lễ cúng bến nước là lễ hội cúng Yàng Đak, vị thần cai quản nguồn nước của dân làng. Theo quan niệm của người Xơ Đăng, nếu một làng mới được lập ra, việc đầu tiên của người Xơ Đăng là phải tìm được nguồn nước (hoặc mạch nước), sau đó tiến hành cúng Yàng Đak, hay đồng bào cúng Yàng Đak hằng năm sau mỗi lần sửa sang máng nước. Hoặc nếu trời không mưa là do là thần sấm, thần sét đã lãng quên. Do đó, họ cần làm lễ để cầu xin, nhắc nhở để ông trời trút mưa xuống.

Già làng A Plung (buôn Kon Kơla, Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho biết: “ Người Xơ Đăng thường chọn lập buôn ở những nơi gần khe suối để dễ dàng dẫn nước tưới về ruộng trồng lúa, phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Vào tháng 3 dương lịch hằng năm, trước khi bước vào vụ sản xuất mới, cả buôn sẽ cùng tổ chức Lễ cúng bến nước, cảm tạ thần nước đã cho buôn làng có được nguồn nước trong lành để sử dụng, ban cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, người dân được no ấm”.

Trước ngày tổ chức Lễ cúng bến nước, già làng (chủ bến nước) sẽ họp bàn với dân làng để phân công người làm vệ sinh khu vực bến nước, nguồn nước và sửa đường vào bến. Tất cả người dân trong buôn đều tham gia đóng góp công sức, vật chất chuẩn bị cho lễ cúng. Ngày diễn ra lễ cúng, tất cả người dân trong buôn tập trung tại nhà Rông dự lễ.

Lễ vật gồm những chum rượu cần, một con gà hoặc một con lợn. Đầu tiên, thầy cúng sẽ làm lễ khấn, mời tổ tiên, ông bà và các thần linh cùng về dự lễ. Tiếp đó, mọi người di chuyển ra dòng suối đầu buôn. Tại đây, thầy cúng sẽ làm lễ cảm tạ thần nước, cầu an cho buôn làng và cúng sức khỏe chủ bến nước.

Các cô gái Xơ Đăng mang quả bầu lấy nước từ máng nước về làng. Ảnh: Thanh Thuận

Sau đó, những chàng trai sẽ bắc những ống tre, lồ ô dẫn nước từ suối để đưa nước về làng. Khi nguồn nước về tới máng của làng, già làng tiếp tục cắt tiết một con gà nữa để tạ ơn các vị thần. Nghi lễ cúng kết thúc, những người phụ nữ sẽ dùng những ống lồ ô, hoặc quả bầu khô múc nước đổ đầy các ché rượu cần, dùng nước đó nấu cơm lam để cho mọi người cùng thưởng thức mừng nguồn nước mới.

Sau khi thực hiện xong các nghi lễ sẽ là phần hội tưng bừng ngay bên bến nước. Trong âm vang tiếng cồng, chiêng rộn rã, người người ai nấy đều phấn khởi trong vòng xoang với những đôi tay mềm mại, những bước chân nhịp nhàng, uyển chuyển. Sau đó, bà con thực hiện nghi thức té nước vào nhau mừng cho một vụ mùa mới.

Hiện nay, Lễ cúng bến nước vẫn được người Xơ Đăng gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn. Lễ cúng phản ánh nhân sinh quan của một cộng đồng cư dân lấy kinh tế nương rẫy làm phương thức sản xuất chính.

Bên cạnh đó, lễ cúng cũng là dịp để tạo ra sự gắn kết cộng đồng bền chặt giữa những người dân tộc Xơ Đăng, giáo dục đạo đức, lối sống cho con người, giáo dục cách ứng xử văn hóa với thiên nhiên, với môi trường sống... Đó là ý nghĩa tốt đẹp mà Lễ cúng bến nước mang lại trong đời sống của người dân tộc Xơ Đăng nơi đại ngàn Tây Nguyên.

Đặc sắc lễ cưới người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì Đặc sắc lễ cưới người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì
Trong xu thế hội nhập ngày một sâu rộng như hiện nay, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh có sự giao thoa, mai một. Nhưng đối với đồng bào Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, lễ cưới truyền thống được duy trì theo đúng bản sắc từ xưa để lại.
Đậm đà hương vị bánh rợm của đồng bào Giáy, Lào Cai Đậm đà hương vị bánh rợm của đồng bào Giáy, Lào Cai
Từ nguyên liệu sẵn có như lúa, ngô, khoai, sắn, đậu, lạc… từ xa xưa, đồng bào Giáy ở Lào Cai đã chế biến ra rất nhiều loại bánh ngon, bổ dưỡng, làm phong phú cho ẩm thực dân tộc mình.
Về biên giới Lả Chà vui Tết Hoa cùng đồng bào dân tộc Cống Về biên giới Lả Chà vui Tết Hoa cùng đồng bào dân tộc Cống
Tết hoa mào gà là dịp để bà con dân bản hướng về nguồn cội, bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên và các đấng thần linh trong năm cũ đã phù hộ cho sức khỏe dồi dào, không bệnh tật và mùa màng bội thu.

Thanh Thuận

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bieu-tuong-nuoc-trong-doi-song-cua-nguoi-xo-dang-129550.html

In bài viết