Chuyện về cô giáo 2 lần viết đơn tình nguyện ra đảo Cô Tô

21:34 | 18/11/2020

Đó là câu chuyện về cô giáo mầm non Ngần Thị Minh, hiện có 8 năm tình nguyện dạy học ở huyện đảo Cô Tô, nơi đầu sóng, ngọn gió.
Lan tỏa tình yêu biển, đảo của Tổ quốc Lan tỏa tình yêu biển, đảo của Tổ quốc
Tuyên truyền pháp luật về biển đảo và tặng cờ Tổ quốc cho 200 tàu cá Tuyên truyền pháp luật về biển đảo và tặng cờ Tổ quốc cho 200 tàu cá
Chuyện về cô giáo 2 lần viết đơn tình nguyện ra đảo Cô Tô
Cô giáo Ngần Thị Minh (bên phải) cùng các học trò Trường Mầm non Đồng Tiến (huyện Cô Tô).

Tốt nghiệp loại giỏi, tình nguyện ra đảo dạy học

Là người dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên tại xã Song Khủa (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), cô Ngần Thị Minh hiện là giáo viên Trường Mầm non Đồng Tiến (huyện Cô Tô) đã có 11 năm gắn bó với Quảng Ninh, trong đó có 8 năm tại nơi "đầu sóng ngọn gió" Cô Tô.

Tốt nghiệp bằng giỏi Trường CĐ Sư phạm Quảng Ninh (nay là Trường Đại học Hạ Long) năm 2012, Ngần Thị Minh quyết định viết đơn tình nguyện xin ra huyện đảo Cô Tô dạy học. Cô Tô khi ấy còn chưa có điện lưới quốc gia (ngày 16/10/2013 Cô Tô chính thức có điện lưới), hành trình ra đảo phải mất 1,5 giờ đồng hồ chạy tàu cao tốc, việc cấm tàu xảy ra thường xuyên mỗi khi có bão hay sóng lớn. Việc di chuyển giữa các đảo cũng không mấy thuận lợi.

Minh tâm sự: “Từ khi còn ngồi trên giảng đường tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về vùng đất và con người Quảng Ninh. Tôi viết đơn xin ra đảo vì tôi thấy ở đây, học sinh thiệt thòi quá nhiều, trong khi giáo viên lại luôn thiếu. Tôi muốn đem đến cho các em những kiến thức, những phương pháp học mới, giúp các em không bị khoảng cách quá xa xôi trong học tập so với học sinh ở đất liền...”.

Chuyện về cô giáo 2 lần viết đơn tình nguyện ra đảo Cô Tô
Ngày 20/11/2019 tràn ngập niềm vui của cô và trò Trường Mầm non Thanh Lân.

Được phân công về Trường Mầm non Thanh Lân (huyện Cô Tô), mặc dù đi lại khó khăn, qua 2 lần tàu di chuyển từ đất liền mới đến được đảo, cô giáo có nước da bánh mật, khuôn mặt luôn nở nụ cười và giọng nói ấm áp Ngần Thị Minh cũng không một chút nản lòng.

Sinh ra ở miền núi, học cao đẳng ở TP Uông Bí, bắt đầu sự nghiệp của mình ở đảo tiền tiêu của Tổ quốc, những ngày đầu mọi thứ đều xa lạ đối với cô giáo Minh. Quá nhiều thiếu thốn vì không có điện lưới (xã Thanh Lân chính thức được hòa điện lưới quốc gia ngày 19/12/2013), nhưng chính ánh mắt thơ ngây, tiếng gọi “mẹ” trong trẻo của các học sinh đã giúp cô vượt qua tất cả những khó khăn, quyết tâm thực hiện nguyện vọng của bản thân.

Thanh Lân lúc bấy giờ dù là xã đảo xa xôi nhất của huyện Cô Tô, không có điện lưới, nhưng điều kiện kinh tế của bà con không đến nỗi quá khó khăn, người dân đi biển, làm nghề chế biến sứa… Tuy nhiên, so với đất liền, trẻ em ở đây thiệt thòi nhiều, chỉ riêng mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng học tập đã không dễ dàng. Bởi thế, mỗi khi có dịp vào đất liền, cô giáo Minh lại bỏ tiền túi tìm mua thêm đồ dùng học tập, các chất liệu, rồi mày mò tự làm đồ dùng, đồ chơi cho học sinh. Vì vậy, lớp học của cô luôn đầy đủ, vui vẻ, tràn ngập tình yêu thương.

Thêm một lần viết đơn tình nguyện ra đảo Trần

Ở tuổi 33, độc thân, cuộc sống học tập, công tác của cô giáo Ngần Thị Minh là những chuỗi ngày tình nguyện không ngừng nghỉ. Những nơi cô đến lần sau thường khó khăn hơn những lần đầu.

6 năm sinh sống và dạy học ở đảo Thanh Lân không những không khiến cô giáo Minh thấy vất vả mà xin về đất liền, ngược lại năm 2018, một lần nữa cô tình nguyện viết đơn xin ra công tác ở đảo Trần (huyện Cô Tô), được ví như "Trường Sa ở Đông Bắc", mặc dù biết cuộc sống ở đây khó khăn, thiếu thốn hơn nhiều so với đảo Thanh Lân.

Năm 2016, Trường Phổ thông Liên cấp đảo Trần được xây dựng kiên cố với 6 phòng học. Theo quy định của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT huyện Cô Tô, do điều kiện tại đảo Trần quá khó khăn, ít học sinh, là lớp ghép, hệ liên cấp, nên các giáo viên Trường Mầm non Thanh Lân và Trường Tiểu học Thanh Lân được phân công thực hiện nghĩa vụ dạy học tại đảo Trần theo hình thức luân phiên.

Thông thường, mỗi giáo viên chỉ đi công tác, thực hiện nghĩa vụ 1 kỳ học (4,5 tháng). Tuy nhiên, sau khi viết đơn tình nguyện và được chấp thuận, từ khi đến đảo Trần, trải qua những ngày đầu làm quen, chính sự gần gũi của cuộc sống và con người nơi đây đã níu kéo "bước chân không mỏi" của cô giáo Ngần Thị Minh. Không những xin ở lại thêm 1 kỳ học, sau 1 năm công tác, cô giáo Minh một lần nữa viết đơn tình nguyện ở lại thêm 1 năm học.

Kết thúc năm học 2019-2020, cô giáo Minh được điều động về Trường Mầm non Đồng Tiến (đảo Cô Tô lớn), kết thúc 2 năm gắn bó với đảo Trần.

Ông Nguyễn Khánh Bình, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cô Tô, nhận xét: Cô giáo Ngần Thị Minh đã có 2 năm công tác và hiện là giáo viên duy nhất tình nguyện đi nghĩa vụ lâu nhất tại đảo Trần. Việc di chuyển từ đất liền ra đảo Trần rất khó khăn, không có phương tiện vận chuyển dịch vụ cố định, cuộc sống sinh hoạt ở đảo vô vàn thiếu thốn, nhưng các thầy cô giáo không hề nản chí, vẫn luôn một lòng vì học trò. Đó là điều chúng tôi hết sức ghi nhận và thực sự cảm ơn sự chung tay, đồng lòng của các thầy, cô giáo đối với giáo dục Cô Tô.

Chuyện về cô giáo 2 lần viết đơn tình nguyện ra đảo Cô Tô
Cô giáo Ngần Thị Minh cùng học trò tại Cột cờ Tổ quốc đảo Trần.

"Khi có cơ hội, nhất định tôi sẽ trở lại"

Với cô giáo Minh, những năm ở đảo Trần là kỷ niệm đẹp không thể quên. "Ở đó, thiên nhiên gần như giữ nguyên được vẻ hoang sơ vốn có. Con người vô cùng thân thiện, gần gũi. Những tháng ngày ở đó, tôi được phụ huynh học sinh và các CBCS quân đội đóng quân trên đảo giúp đỡ rất nhiều, nên không cảm thấy xa lạ. Đối với tôi, đảo Trần là cả một bầu trời lưu luyến, khi có cơ hội, nhất định tôi sẽ trở lại" - cô giáo Minh tâm sự.

Những ngày đầu đặt chân đến đảo Trần, cô giáo Minh đã luôn tự động viên bản thân "Trong gian khổ, thiếu thốn của đảo xa, càng cần phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa, bởi các con đã quá thiệt thòi, nếu giáo viên nản nữa thì các con sẽ không thể tiếp cận được với những nét mới của giáo dục hiện đại". Vì thế, cô luôn cố gắng đem hết kỹ năng nghề nghiệp, tình yêu thương của mình dành cho trẻ.

Bởi chưa có điện lưới, những tiết học thông minh, phương pháp dạy học mới, dù rất muốn nhưng cô giáo Minh chưa thể đem đến cho học sinh, là điều cô ngày đêm trăn trở. "Ngày ngày, tranh thủ, tận dụng từng lúc có điện, tôi sạc đầy pin máy tính, điện thoại, sạc dự phòng, rồi cho các con tiếp cận dần với những tiết học thông minh. Tôi nghĩ, chỉ bấy nhiêu thôi đã phần nào giúp các con không bị quá lạc hậu so với các bạn cùng trang lứa ở đất liền".

Ở đảo có rất ít dân, Trường chưa đến 10 học sinh nhưng rất ham học. Sống cùng trong khu tái định cư, mỗi sáng cô giáo Minh đi một vòng quanh khu để đón học sinh đến trường, buổi trưa lại một vòng đưa học sinh trở lại nhà. Khi phụ huynh học sinh đi biển, nếu trước kia thường đưa con cùng lênh đênh sóng nước, nhưng từ khi có các cô giáo, đều yên tâm đem con đến gửi cô, nhờ cô trông.

Thậm chí, kể cả thứ 7, chủ nhật, mặc dù được nghỉ học, bố mẹ không vắng nhà, nhưng các em vẫn muốn đi học, cô giáo lại tiếp tục làm cô trông trẻ, không có ngày nghỉ. Chẳng thế mà dù đã chuyển công tác, phụ huynh học sinh vẫn nhiều lần gọi điện hỏi thăm cô.

Cô giáo Minh xúc động nói: "Tôi cảm thấy mình may mắn vì nhận được nhiều tình cảm yêu mến của phụ huynh và trẻ, còn cả sự trân trọng của CBCS quân đội đóng trên địa bàn dành cho các thầy cô ở đảo. Đó là những tình cảm tôi sẽ luôn mang theo trong suốt cuộc đời mình".

Cô giáo Minh chia sẻ: Ở đảo Trần chỉ có 2 giáo viên. Trường có khuôn viên rộng, trẻ mầm non, tiểu học đều bé, nên những công việc như dọn vệ sinh, trang trí khánh tiết… đều phải nhờ đến các đồng chí bộ đội, vì phụ huynh thường đi làm xa. Các anh thường chủ động hỏi han, quan tâm giúp đỡ, chưa cần mình ngỏ lời. Tôi cảm thấy đó là sự ưu ái quá lớn dành cho chúng tôi.

Đảo Trần được hòa lưới điện quốc gia ngày 2/9/2020 cũng là ngày cô giáo Minh nhận quyết định rời đảo, về Trường Mầm non Đồng Tiến nhận công tác. Mặc dù không được cùng học sinh ở đây dự lễ khai giảng năm học mới, nhưng nghĩ về những tháng ngày tiếp theo, cô giáo Minh luôn cảm thấy mừng cho học sinh, cho quân và dân đảo Trần.

"Năm 2019, do đúng những ngày có gió to, sóng lớn, bị cấm tàu, nên lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện không thể tham dự lễ khai giảng cùng thầy và trò đảo Trần. Năm học này, đảo có điện lưới, cộng thêm sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tôi tin rằng các con sẽ có một năm học nhiều thành công; quân và dân luôn kiên cường bám trụ để xây dựng đảo Trần ngày một phát triển" - cô giáo Minh chia sẻ.

Chuyện về cô giáo 2 lần viết đơn tình nguyện ra đảo Cô Tô
Bộ đội đảo Trần cùng cô giáo trồng cây tại trường học.

Bà Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Tiến, cho biết: Mặc dù nhà trường không nằm trong diện phải phân công giáo viên đi nghĩa vụ luân phiên như Trường Mầm non Thanh Lân, nhưng tinh thần tình nguyện, hết mình vì học trò vùng đảo của cô giáo Ngần Thị Minh đã lan tỏa thông điệp về tình yêu thương, sẵn lòng hy sinh của những người làm nghề "trồng người" vì tương lai của thế hệ trẻ.

Tháng 12/2019, cô giáo Minh vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục mầm non năm học 2017-2018 và 2018-2019. Đó là phần thưởng, sự động viên rất lớn đối với cô giáo đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho giáo dục mầm non ở huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Trên trận địa “canh trời” của lính đảo Cô Tô Trên trận địa “canh trời” của lính đảo Cô Tô

“Khẩu đội sục sạo từ 32 về 34” … “Sục sạo đường bay 3, vật chuẩn 41”… khẩu lệnh của Trung đội trưởng liên tiếp ...

Dân bức xúc, du khách ngạc nhiên khi vé tàu ra đảo Cô Tô tăng cao Dân bức xúc, du khách ngạc nhiên khi vé tàu ra đảo Cô Tô tăng cao

Những ngày qua, giá vé vận chuyển hành khách tuyến Vân Đồn – Cô Tô đột nhiên tăng từ 200.000 đồng/vé lên 250.000 đồng/vé, khiến ...

Choáng ngợp trước vẻ đẹp “hút hồn” của Cô Tô Choáng ngợp trước vẻ đẹp “hút hồn” của Cô Tô

Nắng vàng, cát trắng, biển xanh khiến con người hoạt bát, năng nổ hơn bao giờ hết, tại Cô Tô du khách có thể thoải ...

Hằng Ngần

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chuyen-ve-co-giao-2-lan-viet-don-tinh-nguyen-ra-dao-co-to-123748.html

In bài viết