Căng thẳng ở Biển Đông: Kịch bản và ứng phó

09:45 | 04/11/2020

Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Nếu những va chạm, xung đột xảy ra sẽ có ảnh hưởng đến nhiều nước. Việt Nam cần phải chuẩn bị gì trước những nguy cơ tiềm ẩn? Tạp chí Thời Đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi – Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam về vấn đề này.
Quan chức Đông Á kêu gọi ASEAN và Trung Quốc kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông Quan chức Đông Á kêu gọi ASEAN và Trung Quốc kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông

Quan chức Mỹ, Nga, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản... kêu gọi ASEAN và Trung Quốc kiềm chế căng thẳng ở Biển Đông, giải quyết tranh ...

Anh, Đức, Pháp cùng bày tỏ lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông Anh, Đức, Pháp cùng bày tỏ lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông

Anh, Đức và Pháp đã ra một thông cáo chung hôm 29/4 cho biết họ lo ngại về căng thẳng ở Biển Đông, nguy ...

PV: Sự tham gia tích cực với quan điểm cứng rắn của các nước lớn vào khu vực Biển Đông là điều chưa từng xảy ra trong quá khứ. Cùng với đó là dư luận về “Bộ tứ kim cương” thậm chí là tương lai của một tiểu NATO ở khu vực này sắp được thành lập. Theo quan điểm của ông, cục diện đối đầu ở Biển Đông sẽ đi theo kịch bản nào?

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Trước hết, xem xét câu chuyện Biển Đông phải đặt vào bối cảnh quốc tế, khu vực và thế giới. Hiện nay, các nước lớn muốn tập hợp nhau lại bởi nó liên quan đến cạnh tranh lợi ích chiến lược của họ, có quy mô toàn cầu, dẫn đến đối đầu, trước hết là Mỹ - Trung Quốc. Nổi bật là Chiến lược “Vành đai, Con đường” (Nhất đới, Nhất lộ) của Trung Quốc với “Sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, và “Sáng kiến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do” đều “đi qua” Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Biển Đông trở thành một nút thắt, một nút giao giữa các tư tưởng và sáng kiến chiến lược của các cường quyền chính trị nước lớn nói trên. Vì thế, vấn đề Biển Đông mang tính “mở rộng”, bao gồm cả vấn đề Hồng Kông, bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, thậm chí cả vấn đề Campuchia (liên quan tới xây dựng cảng, sử dụng vùng ven biển và đảo), cả vấn đề ở biển Hoa Đông, biên giới Trung - Ấn,…

Căng thẳng ở Biển Đông: Kịch bản và ứng phó

Bản đồ đường lưỡi bò phi pháp được in trong sách giáo khoa ở Úc. Một nhà xuất bản Úc mới đây phải xin lỗi và thu hồi hàng trăm cuốn sách giáo khoa có in bản đồ đường lưỡi bò tại Biển Đông

CHỤP MÀN HÌNH THE GUARDIAN

Gần đây, các vấn đề nói trên đều tái xảy ra vào những thời điểm và ở mức độ khác nhau. Các vụ va chạm, đụng độ gia tăng cả về phương diện dân sự, quân sự và ngoại giao, khiến cho cục diện tình hình có những diễn biến phức tạp hơn, ý đồ cạnh tranh nước lớn bộc lộ rõ hơn. Lý do chính, có lẽ là sự khỏa lấp “khoảng trống quyền lực” trong khu vực và trên thế giới, cả trên không gian đất liền cũng như đại dương. Một thời gian dài, ít nhất sau “chiến tranh lạnh”, Mỹ đã thay đổi chính sách với các nước ASEAN và Biển Đông theo chiều hướng giảm sự quan tâm và lơi lỏng hơn.

Là một cường quốc mới nổi, Trung Quốc đang cố gắng lấp đầy khỏng trống quyền lực đó. Và dường như, đang diễn ra việc bố trí lại chiến lược giữa các nước lớn trên toàn cầu, đặc biệt trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà trọng điểm là Biển Đông.

Căng thẳng ở Biển Đông: Kịch bản và ứng phó

Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hefei của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong một cuộc diễn tập. Ảnh: SCMP

Mỹ có vẻ như đang “giật mình tỉnh dậy”, còn Trung Quốc vẫn có những bước đi táo bạo, tự tin một cách “thái quá”với các tuyên bố chủ quyền đơn phương trong khu vực Biển Đông cũng như các can thiệp khác của Trung Quốc kể cả về kinh tế lẫn bố trí các căn cứ quân sự trên vùng biển này.

Gần đây là việc ngang nhiên xây 7 đảo nhân tạo trên 7 bãi cạn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xây căn cứ quân sự và tuyên bố dân sự hóa, trái với luật pháp quốc tế.

Trước đó, năm 2009, Trung Quốc yêu sách phi lý về không gian “đường lưỡi bò” chiếm tới 80% diện tích Biển Đông. Tuyên bố đó không chỉ phi lý vì không phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.

Trên thực tiễn nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thừa nhận các nước trong khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam có vùng 200 hải lý, không thừa nhận (đối với cả Mỹ) vùng biển quốc tế và các vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng. Hành vi đó của Trung Quốc không chỉ đụng vào 1/5 lợi ích hàng hải của Mỹ từ việc đi qua Biển Đông hằng năm, mà còn phá vỡ thế cạnh tranh chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời cũng đụng vào lợi ích của các nước khác trên thế giới có nhu cầu thương mại đi qua Biển Đông.

Căng thẳng ở Biển Đông: Kịch bản và ứng phó

Tàu hộ vệ Hàng Dương (phải) và tàu khu trục Vũ Hán của Trung Quốc trên Biển Đông ngày 18.6.2020

PLA

Nếu mất Biển Đông thì vai trò siêu cường số 1 của Mỹ tại Đông Á sẽ bị lung lay. “Chốt cửa” Biển Đông đang bị kiểm soát và Mỹ phải giành lại quyền đó. Để làm được điều đó thì khâu đầu tiên Mỹ phải củng cố và mở rộng quan hệ đồng minh, trước hết là thiết lập “tứ giác kim cương” gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc.

Ngoài quan hệ đồng minh và lợi ích riêng, thì khi tham gia vào “tứ giác kim cương” các nước sẽ có lợi ích chung. Cách hành xử gần đây của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông, với tất cả các nước láng giềng ở Biển Đông, ở biên giới Trung - Ấn, ở biển Hoa Đông,..., vô hình chung, là một trong những lý do đẩy các nước khác xích gần với Mỹ hơn, và Mỹ cũng can dự sâu hơn vào Biển Đông. Nếu các nước lớn thiếu kiềm chế, thì không loại trừ một tiểu NATO sẽ ra đời để tạo ra cân bằng nước lớn mới.

PV: Những căng thẳng trong mối quan hệ khác như giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan hiện đang rất nóng và khó lường. Nếu những va chạm xung đột xảy ra sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến cục diện Biển Đông? Các nước nhỏ cần phải chuẩn bị gì cho những nguy cơ này?

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Như tôi đã nói ở trên, bối cảnh đó đòi hỏi các nước ASEAN đứng vào thế buộc phải lựa chọn. Thực tế, các nước trong khối ASEAN không phải nước nào cũng có lợi ích trực tiếp từ Biển Đông. Thông qua cơ chế quan hệ nội khối các nước dù không có lợi ích trực tiếp nhưng phải có trách nhiệm với Biển Đông. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc.

Trung Quốc kiên quyết hiện thực hóa yêu sách chủ quyền lịch sử của mình đối với “đường lưỡi bò”, đẩy tình hình vào thế căng thẳng, hoàn toàn không phù hợp với nguyên tắc duy trì hòa bình, giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông của các nước ASEAN. Hành động quân sự hóa Biển Đông, tiếp tục mở rộng tuyên bố chủ quyền, tìm mọi cách không thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016,... khiến cho các nước quan ngại về “lời nói và việc làm” của nước lớn Trung Quốc. Trung Quốc nên hiểu điều đó và đừng để các nước hiểu “Vấn đề Biển Đông hôm nay sẽ là vấn đề tương tự ở biển ASEAN ngày mai”.

Căng thẳng ở Biển Đông: Kịch bản và ứng phó
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Nếu Trung Quốc vẫn muốn giữ tham vọng thì rất khó nhận được sự ủng hộ (công khai hay không) của các nước ASEAN. Cách tiếp cận của Trung Quốc là tuyên bố việc Mỹ không có lợi ích ở Biển Đông, nên sự có mặt của Mỹ và đồng minh ở đây là sự can thiệp. Trong khi, Mỹ lại cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, vi phạm luật pháp quốc tế. Theo đó, các nước, nói chung, phải có thái độ riêng, dựa trên nhìn nhận hết sức khách quan. Vừa có cách nhìn lịch sử, vừa có cách nhìn thực tiễn, tôn trọng tình hữu nghị đối với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc. Vào lúc này, các “nước nhỏ” có lợi ích trực tiếp cần đẩy mạnh hợp tác không chỉ nội khối ASEAN, mà còn “tiểu vùng” trên nền tảng và tinh thần tự tôn luật pháp quốc tế về biển và đại dương.

Bên cạnh đó, các nước nhỏ trong khu vực ASEAN đều có cách ứng xử riêng của mình, xuất phát từ lợi ích dân tộc. Tuy nhiên, để “nhỏ nhưng không yếu”, thì phải tăng cường đoàn kết nội khối, tạo sự đồng thuận, bảo đảm các nguyên tắc và trật tự được thực thi.

Căng thẳng ở Biển Đông: Kịch bản và ứng phó

Những căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng trên đảo nhân tạo bồi đắp trái phép từ đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Đối với Việt Nam, cần tạo sức mạnh đoàn kết dân tộc vững chãi, tranh thủ đoàn kết quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ các quyền và lợi ích của nhân dân ta trên biển Đông. Kiên trì giữ vững môi trường hòa bình để các bên liên quan giải quyết thỏa đáng các vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước luật biển 1982. Một nước nhỏ phải bảo vệ “quyền pháp lý”, dựa vào cán cân công lý, bên cạnh “quyền lịch sử”. Nếu tách khỏi các quy định pháp lý sẽ trở nên “nhỏ yếu”. Trường hợp xảy ra tình huống xấu nhất, có những va chạm, đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc và Trung Quốc - Đài Loan, thì như nói trên, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông, lợi ích của các nước trong khu vực, và phải cảnh giác với cách “đánh lạc hướng”, chiêu “đục nước béo cò”.

PV: Trung Quốc thuyết phục được Philippines cùng khai thác trên khu vực đang còn tranh chấp. Theo ông điều này có làm phương hại đến quá trình đấu tranh của các nước ASEAN đang có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này.? Liệu có hay không kế “ly gián”, “chia để trị” làm suy yếu các nước ASEAN, có tuyên bố chủ quyền, vốn trước đây ít nhiều tỏ ra đoàn kết trong việc đấu tranh với Trung Quốc?

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Cho đến giờ, ASEAN vẫn làm việc theo nguyên tắc đồng thuận và tôn trọng quyền của các nước, phấn đấu thực hiện vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.

Trong khi đó, các nước ASEAN còn có thể chế chính trị khác nhau, ví dụ như chế chính trị của Philippines phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu. Hiện tại, Trung Quốc có dấu hiệu “lôi kéo” Philippines nói rằng vùng biển của Philippines là vùng biển đang tranh chấp. Nếu Philippines đồng ý cùng khai thác với Trung Quốc đồng nghĩa với việc thừa nhận vùng tranh chấp này.

Căng thẳng ở Biển Đông: Kịch bản và ứng phó

Tập trận RIMPAC 2018 có sự tham gia của Mỹ, Nhật, Úc, trong khi Mỹ đã rút lời mời Trung Quốc tham gia. Ảnh: News.com.au

Tôi nghĩ, nếu hai nước coi đó là “vùng tranh chấp” thì tại sao không cùng nhau phân định hoặc đưa ra trọng tài quốc tế giải quyết trước, rồi khai thác. Theo DOC, trong vùng biển này cần phải có phương thức ứng xử đa phương, không nên “đi đêm” gây thêm phức tạp và chia rẽ các nước thành viên ASEAN. Phải chăng vẫn có một sức ép nào đó, và vẫn thiếu một giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài cho hòa bình và ổn định trong khu vực. “Cái kim trong bọc cũng phải lòi ra”, các nước sớm muộn vẫn nhìn thấu thâm ý của cách tiếp cận hợp tác cùng khai thác theo kiểu này. Khi đó các nước ASEAN sẽ hiểu rõ thực chất vấn đề, sẽ ngày càng đoàn kết khi có sự lấn tới bằng mọi cách. Một lần nữa, các nước ASEAN cần thống nhất nhận thức về vấn đề khai thác chung ở những vùng chồng lấn/tranh chấp được xác định bởi Công ước luật biển 1982.

PV: Theo ông các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam cần linh hoạt thế nào giữa đấu tranh và hợp tác để có thể tránh được những va chạm xung đột không đáng có mà vẫn bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình?

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Vì lý do lịch sử, vị trí địa lý, địa chính trị, Việt Nam là một quốc gia đã bị “kẹt” giữa rất nhiều các mối quan hệ từ xưa đến nay. Đó là một mảnh đất và vùng biển có lợi ích đan xen. Việt Nam đã “quen” với thế của một nước nhỏ bị mắc kẹt nên ít nhiều có lý luận và thực tiễn riêng cho mình. Điều này được thể hiện trong đường lối độc lập, tự chủ, tự cường, làm bạn với các nước; tôn trong độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các bên và cùng có lợi.

Theo đó, đường lối quốc phòng của Việt Nam là tự vệ, không gây áp lực qua ngoại giao với các nước, không liên kết với nước này để chống nước khác vì Việt Nam ý thức được ý nghĩa của hòa bình, tư do cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng hàng triệu người sẵn sàng “lấy thân mình che chở” cho Tổ quốc khi tình huống xấu nhất xảy ra.

Từ khi là nước thành viên của ASEAN, Việt Nam là nước gương mẫu, có trách nhiệm, là một trong những tâm điểm để đoàn kết nội khối. Một quốc gia tự cường, tự chủ là yếu tố có tính bao trùm và lâu dài, không chỉ được chứng minh trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước trong suốt chiều dài lịch sử, mà còn trong quan hệ đối ngoại, ngoại giao cũng thành công. Gần đây, mặc dù đại dịch Covid – 19 hoành hành, nhưng đường lối độc lập, tự chủ với sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, chúng ta đã, đang và sẽ chiến thắng, vượt qua đại dịch, bạn bè thế giới biết đến và cùng chia sẻ. Động lực để Việt Nam trưởng thành trong các cuộc chiến với kẻ thù hữu hình và vô hình là đường lối đúng đắn nói trên.

Căng thẳng ở Biển Đông: Kịch bản và ứng phó
Thầy và trò ở Trường Sa (Ảnh: Hải Anh)

Việt Nam là đất nước trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược nên bản năng tự vệ rất rõ. Hơn ai hết người dân dân Việt Nam hiểu chiến tranh – hòa bình luôn là 2 mặt của một vấn đề.

Đất nước và người dân Việt Nam rất yêu hòa bình, hiểu rõ giá trị của hòa bình, nhưng khi cần vẫn phải sử dụng chiến tranh để tự vệ. Ngược lại, trong tình huống bắt buộc phải tiến hành chiến tranh, thì cũng chính là giải pháp để bảo đảm hòa bình. Đó là cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng để bảo vệ tổ quốc, đất nước. Hiện tại, với các vấn đề liên quan đến Biển Đông thì Việt Nam đã bày tỏ quan điểm rõ ràng, sẵn sàng đàm phán với các nước trong đó có Trung Quốc để gác tranh chấp, cùng khai thác ở những vùng biển chồng lấn hoặc tranh chấp được xác định trên cơ sở Công ước Liên Hợp quốc về luật biển 1982, chứ không được xác định bằng đường lưỡi bò hoặc tuyên bố đơn phương nào.

PV: Xin cảm ơn ông.

Học giả TQ đã cảnh báo: Gây căng thẳng ở Biển Đông, Bắc Kinh tự hủy hoại thành tựu 30 năm Học giả TQ đã cảnh báo: Gây căng thẳng ở Biển Đông, Bắc Kinh tự hủy hoại thành tựu 30 năm

Chính sách, ứng xử của Trung Quốc thời gian qua ở Biển Đông khiến nhiều học giả nước này cũng lên tiếng kêu gọi ban ...

Báo Nga: Hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông Báo Nga: Hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông

Trang mạng Tin tức quốc gia (Nga) ngày 9/1 có bài viết cho biết vào ngày 2/01, máy bay của Trung Quốc lần đầu tiên ...

Việt Nam lên tiếng tại LHQ về tình hình căng thẳng ở Biển Đông Việt Nam lên tiếng tại LHQ về tình hình căng thẳng ở Biển Đông

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực VN tại LHQ kiêm trưởng đoàn VN ...

Tuệ Liên (thực hiện)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cang-thang-o-bien-dong-kich-ban-va-ung-pho-122589.html

In bài viết