'Không có chuyện chính quyền và Đảng đánh giá khác về 1 con người'

15:55 | 03/09/2020

Nghị định mới (Nghị định 90/NĐ-CP) về công tác đánh giá, xếp loại công chức, viên chức vừa được ban hành đã thu hút sự quan tâm của công luận, đặc biệt trong bối cảnh ở nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng 'sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Tạp chí Thời Đại đã có cuộc trao đổi với PGS, TS. Nguyễn Minh Phương - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ về những điểm nổi bật của quy định.
Bộ Tài chính đề nghị chưa điều chỉnh lương hưu, lương cơ sở của công chức Bộ Tài chính đề nghị chưa điều chỉnh lương hưu, lương cơ sở của công chức
Từ 1/7, nhiều xã, phường, thị trấn có thể thêm một Phó Chủ tịch Từ 1/7, nhiều xã, phường, thị trấn có thể thêm một Phó Chủ tịch
lay ket qua danh gia cong chuc vien chuc de xet thu nhap tang them
PGS, TS. Nguyễn Minh Phương

- Trước tiên, xin ông cho biết quan điểm cá nhân về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức ở nước ta hiện nay?

Đây là công việc rất khó khăn, nhạy cảm và hiện vẫn là khâu yếu như Đảng ta đã nhận định: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”.

Theo kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức năm 2018, trong tổng số công chức được đánh giá, phân loại thì có tới 97% hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ; khoảng 2,29% hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và chỉ 0,64% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Tương tự với viên chức, có 93,73% hoàn thành xuất sắc và tốt nhiệm vụ và chỉ 0,38% không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng hiện có khoảng 30% công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, 30% làm cầm chừng, thiếu trách nhiệm, nhưng số liệu này cũng chưa có một điều tra, khảo sát nào đánh giá chính xác.

Như vậy, có thể thấy chưa có sự thống nhất giữa đánh giá của xã hội với đánh giá của cơ quan có thẩm quyền về chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và chưa thể kết luận được loại ý kiến nào là đúng, nhưng rõ ràng là công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức hiện nay chưa thật chính xác, khách quan, phản ánh đúng thực tế kết quả công việc.

- Theo ông, điều mà cấp thẩm quyền mong đợi từ quy định mới về đánh giá chất lượng công chức, viên chức này là gì?

Trong những năm gần đây, các quy định của pháp luật về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức đã từng bước được hoàn thiện theo hướng căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể và giao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nhưng thể chế vẫn còn chưa đủ rõ ràng, đồng bộ.

Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật về quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị cũng có phần chưa được như mong muốn. Cái khó hiện nay vẫn là tình trạng “dĩ hòa vi quý”, tâm lý nể nang, ngại va chạm, muốn vui vẻ, “hòa cả làng” trong đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức.

Với Nghị định số 90/NĐ-CP, các cấp có thẩm quyền đã và đang thể hiện nỗ lực rất lớn trong việc quán triệt quan điểm đánh giá khách quan, công bằng, chính xác; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.

Việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.

- Đâu là những điểm mới của Nghị định này, thưa ông?

Theo tôi thứ nhất, Nghị định đã bám sát và thể chế hóa được quan điểm của Đảng là “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị”.

Thứ hai, các quy định về trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã thể hiện “tính đa chiều” khi có sự kết hợp giữa tự đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức với ý kiến góp ý của tập thể công chức, viên chức và các tổ chức đoàn thể tại cuộc họp của cơ quan, đơn vị; đánh giá, nhận xét của lãnh đạo cơ quan, đơn vị; ý kiến, nhận xét của cấp ủy đảng; đề xuất của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, về mức xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định đã thay thế mức “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” bằng “hoàn thành nhiệm vụ”; đồng thời ở mức xếp loại chất lượng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nghị định bỏ tiêu chí phải có “công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến” . Quy định như vậy là để tránh tình trạng phải “bịa” ra sáng kiến kiểu hình thức cho có, hoặc phải “nhờ” được đứng tên đề tài, đề án hay cóp nhặt sáng kiến trên mạng.

Điểm mới thứ tư là Nghị định đã cố gắng lượng hóa các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để hạn chế tình trạng định tính và “dĩ hòa vi quý”, nể nang trong đánh giá, xếp loại. Ví dụ, đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu được đánh giá, xếp loại xuất sắc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức; 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Điểm mới thứ năm là quy định sự liên thông, đồng bộ giữa đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức với đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng viên, dựa trên thực tế đa phần cán bộ, công chức, viên chức là Đảng viên. Không thể có chuyện với cùng một con người, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao mà đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền thế này mà đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng viên lại thế khác được.

Một điểm mới nữa là quy định về công khai kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Trước đây, kết quả đánh giá chỉ thông báo cho cá nhân nhưng theo Nghị định này sẽ thông báo công khai trong cơ quan, đơn vị nơi công tác, ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử. Như vậy, người dân cũng có thể tiếp cận kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để giám sát, kiểm tra. Nếu cơ quan, đơn vị đánh giá không chính xác, khách quan thì sẽ gây dư luận không tốt và bản thân cơ quan, đơn vị đó cũng phải chịu trách nhiệm.

- Quy định nào cũng do con người thực hiện, vậy thưa ông, bên cạnh việc thực hiện các nội dung này thì có yếu tố nào nằm ngoài Nghị định khiến ông thấy cần phải quan tâm hơn nữa không?

Thực tế, để thực hiện các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức một cách có hiệu quả vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do liên quan đến các vấn đề khác. Ví dụ như việc xác định vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và khung năng lực phù hợp của từng công chức, viên chức chưa thật sự khoa học và hợp lý; mức độ phức tạp của các nhiệm vụ đối với từng vị trí việc làm khó lượng hóa chính xác. Ví dụ, với 1 công chức, viên chức được giao 10 nhiệm vụ khó, có tính chất phức tạp thì việc hoàn thành 100% là không đơn giản, nhưng với công chức, viên chức được giao 10 nhiệm vụ dễ, có tính chất đơn giản thì khả năng hoàn thành 100% để được đánh giá, xếp loại chất lượng cao hơn là hoàn toàn khả thi. Nếu không lưu ý điều này, có thể xảy ra tình trạng người năng lực kém hơn nên được giao ít việc hơn, hoặc việc đơn giản hơn lại dễ được đánh giá, xếp loại chất lượng cao hơn.

Mặt khác, theo tôi, Nghị định số 90/NĐ-CP vẫn chưa đề cập về mặt nguyên tắc việc căn cứ kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để xem xét tăng thu nhập.

Vấn đề có tính nguyên tắc trong quản lý nhân sự là người làm tốt thì phải được trả lương cao; khuyến khích tăng thu nhập rõ ràng, cụ thể để tạo động lực làm việc. Về lâu dài, theo tôi có thể tham khảo cách đánh giá nhân sự và trả lương của khu vực doanh nghiệp, hoặc như thí điểm hiện nay của TP. Hồ Chí Minh theo nguyên tắc “Đánh giá, phân loại theo hiệu quả công việc trên số ngày làm việc thực tế hằng tháng của cán bộ, công chức, viên chức để chi trả thu nhập tăng thêm”.

Bên cạnh đó, để gắn liền với công tác tinh giản biên chế, cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn hình thức buộc thôi việc đối với công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học duy nhất trực thuộc Bộ Nội vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Nội vụ và cho xã hội. Đội ngũ giảng viên của nhà trường không chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, mà còn tham gia nghiên cứu khoa học, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ việc xây dựng cơ chế, chính sách của Bộ Nội vụ. Độc giả quan tâm có thể tra cứu thông tin tuyển sinh, điểm sàn, điểm chuẩn dự kiến... của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại đây.

Giảm thêm hơn 20.000 biên chế trong năm 2021 Giảm thêm hơn 20.000 biên chế trong năm 2021

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, so với yêu cầu giảm biên chế tại Kết luận số 17-KL/TW từ năm 2015 đến năm 2021 ...

Xử lý mọi sai phạm về tuyển dụng công chức ngay trong năm 2020 Xử lý mọi sai phạm về tuyển dụng công chức ngay trong năm 2020

Bộ Nội vụ yêu cầu rà soát, khắc phục các sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành trước ngày 31/12/2020. ...

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Nên ủng hộ cán bộ xin nghỉ trước tuổi Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Nên ủng hộ cán bộ xin nghỉ trước tuổi

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc nhiều cán bộ, công chức ở một số tỉnh thành xin nghỉ hưu trước tuổi nếu theo ...

Trọng Sang

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/khong-co-chuyen-chinh-quyen-va-dang-danh-gia-khac-ve-1-con-nguoi-117027.html

In bài viết