Trung Quốc thay thuật ngữ trong bản quy tắc hàng hải: Một mũi tên bắn bốn đích

14:34 | 04/08/2020

Trung Quốc muốn tăng "căn cứ pháp lý" cho yêu sách Tứ Sa, cho thấy "không chùn bước" khi bị nhiều nước phản đối về Biển Đông, theo các chuyên gia.
Mỹ - Úc nhất trí mở rộng hợp tác quốc phòng để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông Mỹ - Úc nhất trí mở rộng hợp tác quốc phòng để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Mỹ: Biển Đông không phải Mỹ: Biển Đông không phải "đế chế hàng hải" của Trung Quốc

Trung Quốc mới đây công bố bản sửa đổi "Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong các chuyến đi nội địa" ban hành từ năm 1974. Trong văn bản này, Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là "Vùng hàng hải Hải Nam - Tây Sa". Tây Sa là tên gọi trái phép Trung Quốc dùng cho quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vùng hàng hải này là khu vực nằm giữa hai điểm trên đảo Hải Nam và ba điểm trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cũng thay đổi thuật ngữ, gọi khu vực này là "vùng ven biển", thay cho cụm từ "vùng biển ngoài khơi" trước đây. Bản quy tắc mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/8.

Nói với VnExpress về ý đồ của Trung Quốc khi có động thái mới này, Phó giáo sư Vũ Thanh Ca, cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Bắc Kinh dùng "một mũi tên để bắn trúng 4 đích".

Thứ nhất, Trung Quốc muốn tạo cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý vùng nước quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và vùng nước nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam theo "quy chế quản lý vùng ven biển".

Thạc sĩ Hoàng Việt, Đại học Luật TP HCM, cũng cho rằng Bắc Kinh muốn biến khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam thành khu vực nội thuỷ của Trung Quốc. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.

Thứ hai, Trung Quốc muốn củng cố yêu sách Tứ Sa bằng cách nội luật hóa nó. Ông Ca cho hay sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 ra phán quyết bác bỏ yêu sách "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc, Bắc Kinh đã tìm cách bổ sung yêu sách Tứ Sa để tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với một vùng nước trên Biển Đông còn rộng hơn "Đường lưỡi bò".

Yêu sách Tứ Sa được thực hiện bằng cách sử dụng đường cơ sở thẳng quần đảo, là đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể ngoài cùng của 4 nhóm đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Với đường cơ sở thẳng này, Trung Quốc coi vùng nước phía trong quần đảo Hoàng Sa là vùng nước quần đảo theo chế độ nội thủy. Trung Quốc cũng coi quần đảo Hoàng Sa có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Do đó Trung Quốc coi vùng nước nằm phía bắc quần đảo Hoàng Sa chồng lấn với EEZ tính từ đường cơ sở của đảo Hải Nam, làm cho vùng nước nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam trở thành "vùng ven biển".

Thứ ba, Trung Quốc muốn tạo tiền lệ để thể chế hóa yêu sách Tứ Sa với các quần đảo và bãi ngầm khác trên Biển Đông.

Thứ tư, Trung Quốc muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng việc các nước phản đối các yêu sách biển sai trái của Trung Quốc không làm Bắc Kinh thay đổi. Theo ông Ca, Trung Quốc cho thấy sẽ tiếp tục thực hiện hoá các yêu sách phi pháp của mình, khiến các quốc gia liên quan nản lòng, chấp nhận chia sẻ vùng biển thuộc chủ quyền của mình cho Bắc Kinh.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng thời gian qua số quốc gia tham gia vào "cuộc chiến công hàm" gia tăng. Các nước thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia đã gửi công hàm đến Liên Hợp Quốc, bác bỏ yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Các nước ngoài khu vực như Mỹ, Australia cũng có động thái tương tự, cho rằng các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc là "bất hợp pháp" và "không phù hợp" với luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Việt cho rằng Trung Quốc có thể "đáp trả" ASEAN, sau khi lãnh đạo các nước thành viên ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN cuối tháng 6, bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây ở Biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Trung Quốc cũng dường như muốn gửi thông điệp đến Mỹ, rằng Bắc Kinh không dễ xuống thang trước các áp lực của Mỹ, khi căng thẳng Mỹ - Trung đang gia tăng mạnh mẽ.

Tiến sĩ Stephen Nagy, Đại học Thiên Chúa giáo Quốc tế, Nhật Bản, cho rằng động thái mới của Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa là "phản ứng" với việc Mỹ tăng cường các chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOP), các cuộc diễn tập của Mỹ với sự tham gia của Nhật Bản và Australia.

Nagy lưu ý Trung Quốc đang tăng cường sử dụng cuộc chiến pháp lý để đạt được yêu sách ở Biển Đông, thay vì dùng vũ lực hay cải tạo các đảo nhân tạo.

"Bắc Kinh đang thể hiện mình sẽ củng cố các yêu sách bằng luật riêng của Trung Quốc", Nagy nói.

Các thực thể trong nhóm đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh:AFP.

Các thực thể trong nhóm đảo Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh:AFP.

Về giá trị pháp lý trong quy định mới của Trung Quốc, Phó giáo sư Ca, hiện công tác tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khẳng định quy định của Bắc Kinh liên quan đến Hoàng Sa hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Trung Quốc không phải là một "quốc gia quần đảo" nên việc nước này tuyên bố đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, để nối hai điểm trên đảo Hải Nam và ba điểm trên quần đảo Hoàng Sa, là sai trái. Theo UNCLOS, "quốc gia quần đảo", được tạo thành bởi một hay nhiều quần đảo, mới được phép sử dụng đường cơ sở thẳng để nối các điểm phía ngoài các đảo ngoài cùng và các rạn san hô nổi của một quần đảo.

Với thuật ngữ "vùng ven biển" (coastal) thay vì "vùng biển ngoài khơi" (offshore), ông Ca cho biết các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) để tạo ra "vùng ven biển" như Trung Quốc quy định. Cũng theo UNCLOS, các đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có EEZ và thềm lục địa. Phán quyết của PCA năm 2016 đã giải thích rõ khái niệm "phù hợp cho con người sinh sống hoặc đời sống kinh tế riêng", tuyên bố rằng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa chỉ là các đảo đá, không có EEZ và thềm lục địa. Ông Ca cho hay, đối chiếu các lập luận của PCA đối với các đảo trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có thể thấy rằng các đảo này với các điều kiện tự nhiên của nó trước đây chưa bao giờ có một cộng đồng dân cư ổn định, coi đó là nhà và các hoạt động kinh tế chỉ thuần túy là các hoạt động khai thác tài nguyên, do đó Hoàng Sa không có EEZ và thềm lục địa.

Phó giáo sư Ca lưu ý các luận điểm trên của UNCLOS đã được nêu rõ trong các công hàm của Việt Nam và Australia gửi đến LHQ. Trong văn bản cuối tháng 3/2020, Việt Nam khẳng định "vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121(3) của Công ước; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất". Trong Công hàm ngày 23/7 của Australia, nước này cho biết "Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hàng hải hoặc 'nhóm đảo' trên Biển Đông, gồm cả 'Tứ Sa', các quần đảo 'lục địa' hay 'xa bờ'. Australia bác bỏ mọi yêu sách đối với vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên những đường cơ sở thẳng như vậy".

"Quy định mới của Trung Quốc là một bước đi tiếp theo trong chiến thuật diễn giải sai trái UNCLOS, để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông", ông Ca khẳng định.

Dự báo hành động sắp tới của Bắc Kinh, ông Ca cho rằng Trung Quốc có thể tiếp tục thể chế hoá các tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình; gia tăng căng thẳng trên Biển Đông để tiếp tục đe doạ các nước liên quan.

Ông Hoàng Việt cũng cảnh báo Trung Quốc có thể đưa ra các quy định tương tự ở các khu vực đang kiểm soát, gồm 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, nếu các nước không phản đối đủ mạnh. Đồng thời, Bắc Kinh có thể tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở quần đảo Hoàng Sa.

Theo Tiến sĩ Nagy, Trung Quốc sẽ tiến nhanh hòng giành "ưu thế tối đa" trong tất cả các vấn đề ở Biển Đông trước khi đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) với ASEAN, để có thể tỏ ra "nhượng bộ".

"Các nước ASEAN nên thận trọng về điều này khi đàm phán COC với Trung Quốc", Nagy lưu ý.

Mỹ - Úc nhất trí mở rộng hợp tác quốc phòng để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông Mỹ - Úc nhất trí mở rộng hợp tác quốc phòng để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Úc khẳng định một sự ủng hộ rõ ràng đối với sự chuyển dịch trọng tâm ...

Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng căng thẳng trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng căng thẳng trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư

Những chuyên gia phân tích cho biết việc tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư nằm trên Biển Hoa Đông của Trung Quốc và Nhật ...

Vị trí quan trọng về giao thông hàng hải và quốc phòng của Hoàng Sa, Trường Sa Vị trí quan trọng về giao thông hàng hải và quốc phòng của Hoàng Sa, Trường Sa

Với diện tích rộng, độ sâu lý tưởng, vị trí chiến lược hiểm yếu và nguồn tài nguyên phong phú, Biển Đông có giá trị ...

Việt Anh

Việt Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/trung-quoc-thay-thuat-ngu-trong-ban-quy-tac-hang-hai-mot-mui-ten-ban-bon-dich-114272.html

In bài viết