Độc đáo nghề bẫy mực thủ công thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng

10:36 | 21/07/2020

Cô Tô có một nghề độc đáo ít ai biết đó là bẫy mực thủ công. Hiện nay có khoảng 300 hộ trên địa bàn huyện chuyên làm nghề này. Ngư dân làm nghề từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch với nguồn thu không nhỏ.
Nhập hạ: Nét văn hoá độc đáo của người Khmer Nhập hạ: Nét văn hoá độc đáo của người Khmer
Nghề bẫy mực lá Nghề bẫy mực lá
2847 1
Bẫy mực luôn phải buộc theo hòn đá để bẫy chìm được dưới đáy biển

Đến Cô Tô để tìm hiểu nghề bẫy mực là lạ, tôi được một anh bạn ở huyện giới thiệu với một thuyền làm nghề chuyên nghiệp. Đã hẹn trước, chúng tôi ra bến cập tàu sang xã Thanh Lân (Cô Tô) để chờ người đưa đi. Những ngày này, trong đất liền chỉ mong có tí gió, nhưng ngoài biển Cô Tô gió lớn, sóng vươn tràn cả lên mặt đường, chúng tôi đi bộ bị ướt cả chân.

Một chiếc thuyền nhỏ do một ngư dân chèo vào đón tôi, là thanh niên còn trẻ khoảng hơn 30 tuổi tên là Nguyễn Văn Hải. Anh Hải sống ở thị trấn Cô Tô và gắn bó với biển từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Biển cả, nắng, gió đã tạo cho Hải có thân hình chắc nịch, nước da không thể đen hơn vì nắng, chân tay với các bắp thịt gồ ghề, do thường xuyên chèo thuyền và kéo lồng bẫy mực khi ở dưới nước rất nặng.

Con thuyền nhỏ nhọc nhằn bơi qua những con sóng nối tiếp nhau kéo vào bờ. Từ xa, nhiều chiếc thuyền bẫy mực khác cũng đang bơi trên sông, với những chiếc lồng bẫy mực được buộc quanh thân thuyền, nom giống như những con nhím khổng lồ đang di chuyển.

Hải đã thả lồng từ đêm, nên buổi chiều nay anh chỉ đi thu. Do mấy hôm nay biển bất thường sóng lớn, nên anh chỉ thả lồng gần bờ. Hải kéo lồng lên bằng tay, vì khu vực nước nông, còn chỗ sâu lồng phải kéo bằng tời vì rất nặng. Vài chú mực còn tươi xanh mắc bẫy trong lồng - thành quả của lồng đầu tiên, các lồng mực khác do thả gần bờ nên cái có cái không, ước tính số mực bẫy được khoảng 3kg, bán được vài trăm nghìn đồng.

Hải cũng mới chỉ có 5 năm theo nghề bẫy mực, còn nghề này có ở Cô Tô khoảng chục năm nay. Trước đây, anh theo bố mẹ đi đánh cá, công việc ít vất vả nhưng thu nhập kém hơn. Với nghề bẫy mực, hàng ngày Hải ra biển từ 2-3 giờ sáng để thả lồng rồi 2-3 giờ chiều ra vớt lồng lên. Do vậy, gần như suốt ngày, suốt đêm Hải ngoài biển, vì phải chấp nhận bồng bềnh trông coi lồng. Vậy là suốt đêm đến sáng, rồi những buổi trưa nắng như đổ lửa, Hải trên chiếc thuyền bẫy mực, sóng lắc lư thân thuyền như đưa võng với Hải đã thành quen. Có hôm trên thuyền có 2 người, nhưng nhiều hôm Hải chỉ đi biển một mình, những hôm trời yên gió lặng Hải đánh thuyền ra tận đảo Trần để bẫy mực, vì sẽ kiếm được nhiều hơn.

2850 2
Do vào ngày sóng to không đi xa được nên anh Hải chỉ kiếm được vài cân mực dù ở ngoài biển suốt cả đêm ngày.

Tôi tò mò tìm hiểu bẫy mực. Thì ra bẫy làm đơn giản từ những cây gỗ rừng cứng được buộc thành chiếc lồng hình vuông, xung quanh có bịt lưới, có miệng là hai mảnh lưới khép lại đủ để mực chui qua, xung quanh bẫy được ngụy trang bằng lá dừa nước. Chiếc bẫy không nặng, nhưng Hải vẫn bê ì ạch bởi nó được buộc thêm hòn đá nặng hơn 20kg để giữ cho lưới chìm dưới đáy. Bẫy được nối với sợi dây dài bên trên có gắn phao để định vị.

Trong bẫy có buộc mồi nhử là bầu trứng mực. Do đặc tính của loài mực thường đẻ trứng trong các hốc đá san hô. Chiếc lồng khi ngâm xuống đáy biển, mực thấy lồng tưởng là hốc đá san hô nên vào đó đẻ trứng.

Mực mắt kém nhưng khứu giác lại rất tốt, nên trứng mực để bẫy phải tươi, mực cái ngửi thấy mùi vào đẻ trứng và mực đực cũng theo vào. Nếu trứng hỏng mực bỏ đi ngay vì chúng lường trước đó là nơi nguy hiểm. Giống mực thụ tinh bên ngoài giống như ếch nhái, nên mực cái đẻ đến đâu, mực đực thụ tinh vào trứng đến đó.

Khi bẫy được kéo lên, Hải thu lấy mực bố mẹ, còn trứng thì được nuôi trong chiếc văng, giống như chiếc bể con nhưng có nước ra nước vào dưới đáy thuyền để giữ trứng mực như trong tự nhiên. Trứng mực sau khi được mực đực thụ tinh khi thả vào tự nhiên vẫn nở mực con như thường.

Theo Hải thì bẫy mực bằng trứng mực là dễ dính nhất. Đã có người thử các loại mồi khác như cá tươi, cá khô rồi cả cháo hoa nhưng đều không đem lại kết quả. Do con mực rất cẩn trọng tìm trứng tươi, vì nghĩ đã có con khác tìm trước chỗ an toàn.

Sự cẩn trọng của mực cũng vô tình giúp các ngư dân ý thức hơn trong việc giữ gìn trứng mực, nên hầu như chiếc thuyền bẫy mực nào cũng có văng để giữ trứng mực tươi, từ đó các buồng trứng vẫn nở được ra mực con như trong tự nhiên.

2853 3
Đi làm từ 2 giờ sáng nhưng đến khoảng 5 giờ chiều, công việc của anh Hải mới tạm ổn để về nhà.

Chính vì thế, dù lượng mực được đánh bắt hàng năm ở Cô Tô rất nhiều nhưng số lượng mực hàng năm hầu như không giảm. Chỉ đơn cử như chiếc thuyền của Hải ngày nhiều được khoảng 30kg, ngày ít vài cân, hòm hòm được vài chục triệu đồng/tháng. Hải không phải là người có thu nhập cao nhất, vì có hộ thu được hàng trăm triệu đồng/tháng vào mùa mực.

Khoảng 5 giờ chiều, công việc của Hải mới tạm xong, vì phải giao bán xong số mực, có khi thương lái ra tận thuyền mua, hoặc đem mực về cho vợ ra chợ bán.

Hoàng hôn đổ dài một màu vàng rực trên biển Cô Tô, những chiếc thuyền đang vội vã kéo vào bờ vì gió Nam thổi mạnh. Cuộc sống các ngư dân chỉ thực sự nghỉ ngơi khi ngoài biển có bão gió cấm tầu thuyền, rồi lại ra khơi khi sóng yên biển lặng.

Nghề kéo lưới rùng bắt cá độc đáo ở xứ Quảng Nghề kéo lưới rùng bắt cá độc đáo ở xứ Quảng

Trải qua gần 200 năm, nghề kéo lưới rùng vây bắt cá trên biển mưu sinh trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống độc ...

Độc đáo phiên chợ ở Độc đáo phiên chợ ở "đảo tỏi" Lý Sơn

Phiên chợ tỏi độc đáo và duy nhất của cả nước thường được họp vào sáng sớm. Ở đây người bán và người mua trao ...

Độc đáo nghề kéo “lưới rồng” trên biển Vinh Hiền Độc đáo nghề kéo “lưới rồng” trên biển Vinh Hiền

Cùng với vẻ đẹp hoang sơ, cuốn hút đến lạ kỳ, dãy núi, rừng cây xanh rờn uốn lượn quanh bãi biển thôn Đông Dương, ...

Công Thành

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/doc-dao-nghe-bay-muc-thu-cong-thu-nhap-hang-tram-trieu-moi-thang-113063.html

In bài viết