Trung Quốc dân sự hóa các đảo của Việt Nam để độc chiếm Biển Đông

09:26 | 30/06/2020

Sau phán quyết của Tòa trọng tài Biển Đông về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016, Trung Quốc một mặt ra sức phủ nhận, nhưng mặt khác âm thầm dân sự hóa các đảo mà họ chiếm đóng trái phép của Việt Nam. 
trung quoc sap dien tap trai phep 5 ngay tai quan dao hoang sa cua viet nam Trung Quốc sắp diễn tập trái phép 5 ngày tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
nhieu nuoc len tieng bac bo doi hoi vo ly cua trung quoc tren bien dong Nhiều nước lên tiếng bác bỏ đòi hỏi vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 28/6 các nhà nghiên cứu thuộc "Viện hải dương học Nam Hải" công bố đã tìm thấy mạch nước ngầm ở đá Chữ Thập. Họ cũng khẳng định quá trình bồi đắp và cải tạo (trái phép) đá Chữ Thập đã làm xuất hiện mạch nước ngọt bên dưới đồng thời lượng nước ngọt này đang tăng lên theo thời gian.

Thuần túy dưới giác độ khoa học, đây có thể coi như một tin vui. Nhưng những nước có lợi ích liên quan đến Biển Đông và dư luận thế giới lại tiếp nhận thông tin này với một thái độ nghi ngờ và thậm chí là có đôi chút quan ngại. Và với những người Việt Nam, chúng ta có lý do để lo lắng cho chủ quyền của một phần biển đảo đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và kiểm soát. Năm 2014, Bắc Kinh bắt đầu việc bồi đắp và cải tạo thực thể này thành đảo nhân tạo lớn thứ hai trong khu vực, chỉ sau đá Vành Khăn.

Ảnh vệ tinh của khu vực được công bố ngày 25/09/2014 trên trang web của DigitalGlobe, một công ty ảnh vệ tinh thương mại của Mỹ, cho thấy là Trung Quốc đã gia tăng diện tích Đá Chữ Thập lên hơn 11 lần, từ 0,08 km vuông lên thành 0,96 km vuông, biến bãi đá nhỏ này thành một thực thể địa lý còn lớn hơn cả đảo Ba Bình (Itu Aba) mà Đài Loan đang chiếm đóng dưới tên gọi Thái Bình.

3255 chuthap
Đá Chữ Thập ở Trường Sa nhìn từ trên cao. Ảnh: People’s Daily.

Cùng với quá trình bồi đắp cải tạo trái phép, nước này trang bị những thiết bị quân sự cho Đá Chữ Thập cũng như các thực thể khác ở cả Trường Sa và Hoàng Sa. Năm 2018 có thông tin Trung Quốc trang bị các loại tên lửa hành trình chống hạm và đất đối không cho 3 thực thể trong đó có đá Chữ Thập.

Nói một cách cụ thể họ không ngừng quân sự hóa những thực thể, từ nhiều trăm năm trước vẫn thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam.

Cách đây ít lâu, Philippine, một nước cũng là nạn nhân của nạn “bắt nạt” trên biển, đã kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế và phán quyết Biển Đông đã ra đời năm 2016. Điểm đáng chú ý nhất tòa án trọng tài đã vận dụng quy định của khoản 3 điều 121 để bác bỏ yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc đối với các thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa với lý do “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.”

Mặc dù quốc gia, cũng là thành viên của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển quốc tế UNCLOS 1982, liên tục bác bỏ và phớt lờ vụ kiện cũng như phán quyết của tòa án trọng tài, nhưng thực chất nước này đã có những điều chỉnh chiến lược. Bên cạnh việc tiếp tục quân sự hóa các đảo, họ tiến hành dân sự hóa hay nói đúng hơn cố gắng tìm mọi cách tạo dựng đời sống dân sinh tại đây.

Bằng chứng mới nhất, ngay sau khi dịch COVID-19 vừa lắng xuống Trung Quốc đã công bố về việc họ đã trồng và thu hoạch rau xanh trên cát ở đảo Phú Lâm. Đó chỉ là một trong những hoạt động của Trung Quốc nhằm xây dựng khả năng tự cung tự cấp cho các thực thể nhân tạo chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông nhằm đưa thêm người, gồm cả binh sĩ và "dân thường" ra đồn trú.

Chen Xiangmiao, chuyên gia tại cái gọi là Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc), ngang ngược cho rằng việc trồng rau sẽ giúp củng cố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và chứng minh các thực thể này là đảo. "Trồng rau là bước đầu, sau đó có thể nuôi heo, nuôi gà tạo thành một chu trình hỗ trợ con người sinh sống. Trong tương lai, mỗi hòn đảo có thể tạo thành một cộng đồng dân cư độc lập", ông này tỏ ra tự tin.

3257 dhgiaothongtrungquoc msol
Trung Quốc thử nghiệm thành công việc trồng rau trên đảo Phú Lâm

Ảnh: ĐH Giao thông Trùng Khánh

Mới đây nhất sau khi công bố tìm thấy mạch nước ngọt ngầm, nước này cũng ngang ngược khẳng định có thể làm điều tương tự ở các thực thể khác trên Biển Đông.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam, bằng những phương pháp đấu tranh hòa bình đã liên tục khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời phản đối việc chiếm đóng trái phép của Trung Quốc.

Đáp lại, phía Trung Quốc không ngừng sử dụng những biện pháp hung hăng trái với đạo lý và luật pháp quốc tế trong đó có việc xua đuổi, húc thậm chí bắn vào ngư dân Việt Nam đánh cá tại vùng biển gần hai quần đảo này.

Dùng vũ lực chiếm đóng, kiểm soát và giờ đây dùng những biện pháp dân sự để hợp thức hóa cho những ý đồ bành trướng, đòi hỏi yêu sách vô lý. Đó là cách Trung Quốc đã và đang thực hiện trên Biển Đông.

asean quyet tam xay dung bien dong hop tac va an toan ASEAN quyết tâm xây dựng Biển Đông hợp tác và an toàn
nhieu nuoc dong loat quan ngai ve nguy co trung quoc thiet lap adiz tren bien dong Nhiều nước đồng loạt quan ngại về nguy cơ Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông

Trung Chính

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/trung-quoc-dan-su-hoa-cac-dao-cua-viet-nam-de-doc-chiem-bien-dong-111378.html

In bài viết