Hợp tác nhân dân Việt-Mỹ trong tìm kiếm bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh (MIA Việt Nam)

17:00 | 01/05/2020

Trong suốt năm 2020, hai nước Việt Nam và Mỹ có dịp nhìn lại nhiều mốc kỷ niệm đáng nhớ trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, trải qua lịch sử thăng trầm, từ trang sử đẹp đẽ là giai đoạn hợp tác, cùng chiến hào trong chiến tranh thế giới thứ 2, đến cuộc chiến tranh khốc liệt, quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt-Mỹ lên tầm đối tác toàn diện hiện nay. Đó là 45 năm Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-2020), 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ (12/7/1995-2020) và 75 năm thành lập Việt-Mỹ thân hữu Hội –Nay là Hội Việt-Mỹ, tổ chức hữu nghị đầu tiên của nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới (17/10/1945-2020).
hop tac nhan dan viet my trong tim kiem bo doi viet nam hy sinh mat tich trong chien tranh mia viet nam Việt Nam trao tặng vật tư y tế giúp Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên Bang Nga chống COVID-19
hop tac nhan dan viet my trong tim kiem bo doi viet nam hy sinh mat tich trong chien tranh mia viet nam Đại sứ Hà Kim Ngọc: Hỗ trợ lưu học sinh là ưu tiên cao nhất trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Hoa Kỳ
hop tac nhan dan viet my trong tim kiem bo doi viet nam hy sinh mat tich trong chien tranh mia viet nam
DSCF0371-Đoàn VVA viễng nghĩa trang bộ đội Trường Sơn 2007 (Ảnh: Trian)

Trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh được nhiều người biết đến, mà quan điểm của Việt Nam coi đây là vấn đề nhân đạo, sắn sàng hợp tác với phía Mỹ hoặc đơn phương tìm kiếm MIA Mỹ tại Việt Nam và không thể coi là điều kiện tiên quyết như đề xuất ban đầu của phía Mỹ. Thực tế chứng minh, đó là quan điểm đúng đắn, sáng suốt, gây được thiện cảm của các gia đình quân nhân Mỹ mất tích cũng như các cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam và gia đình họ.

Nhìn lại vấn đề này, chúng ta thấy hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (MIA) là điểm sáng trong hợp tác Việt-Mỹ và luôn gắn với những sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Hợp tác MIA là điểm sáng được đề cập trong các văn kiện quan trọng như Tuyên bố chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013. Cùng với sự phát triển của quan hệ hai nước trong 30 năm qua, hoạt động MIA đã luôn được quan tâm, thúc đẩy và thu được những kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực vào việc tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, hàn gắn hậu quả chiến tranh và cùng nhau hướng tới tương lai.

Có lẽ khi nói về vấn đề MIA trong quan hệ Việt-Mỹ, nhiều người hiểu là việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam, mà chưa biết nhiều về sự quan tâm, giúp đỡ của các cựu chiến binh Mỹ đối với bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trên chiến trường.Có lẽ chuyện bắt đầu từ thời điểm những năm đầu 1990, trước khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Tháng 10/1994, một đoàn gồm 24 thành viên của tổ chức “Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam” (VVA), do Chủ tịch Hội khi đó là James Brazie, làm trưởng đoàn, đã đếm thăm, làm việc với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Tại đây, sau những giây phút e dè ban đầu, với sự thân thiện, cởi mở của chủ nhà Việt Nam, khoảng cách xa lạ dè chừng của cả hai bên dường như thu hẹp khi Thượng tướng Trần Văn Quang, Chủ tịch Trung ương Hội CCB Việt Nam phát biểu rằng, dẫu Hoa Kỳ làm chậm hoặc không tiến hành việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ thì những cựu binh và nhân dân Việt Nam chúng tôi vẫn nhiệt tình làm hết sức mình và bằng mọi cách để phối hợp cộng tác với cơ quan tìm kiếm người mất tích của Mỹ, các gia đình quân nhân Mỹ trong việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ. Đây là đạo lý là tình người muôn thuở của người Việt... Ông James Brazie, Chủ tịch VVA, Trưởng đoàn xúc động bộc bạch, xin cảm ơn thịnh tình và thiện chí ấy và để đáp lại, ông hỏi: “Vậy thưa Thượng tướng, chúng tôi phải làm gì để đáp lại phía các bạn?” Thượng tướng Trần Văn Quang nói luôn: “Trong cuộc chiến tranh giữ gìn độc lập và thống nhất đất nước, chúng tôi có hơn 300 ngàn cán bộ, chiến sỹ hy sinh chưa tìm thấy mộ chí, hài cốt hoặc mất tích, các ngài có thể giúp đỡ chúng tôi...”.

Từ cuộc gặp đó, với lòng cảm kích, sứ mệnh cùng thiện chí của cựu chiến binh, nhân dân Mỹ đã được trao cho tổ chức “Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam” (Vietnam Veterans of America, Inc- VVA) của Mỹ. VVA được thành lập từ năm 1978, là tổ chức toàn quốc duy nhất đăng ký tại Quốc hội Hoa Kỳ với mục tiêu phục vụ lợi ích của cựu chiến binh thời chiến tranh Việt Nam và gia đình họ. VVA có tới 43 hội đồng cấp bang. 525 chi nhánh hội trên toàn Liên bang với tổng số hội viên toàn Hoa Kỳ là 72.000 người.

Năm 1994, VVA chính thức cử đoàn vào thăm Việt Nam và năm đó, Hội nghị toàn quốc của VVA thông qua “Chương trình sáng kiến cựu chiến binh” (Veteran Initiative Program-VIP) để đáp lại thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích. VVA mở cuộc vận động trên toàn Hoa Kỳ, trước nhất là dựa vào thành viên của mình để họ cung cấp thông tin, bản đồ, sơ đồ về các trận đánh liên quan đến bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến đấu để trao cho các cơ quan chức năng của Việt Nam góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh.

Từ năm 1994 đến tháng 02 năm 2020, qua kênh Hội Việt-Mỹ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, VVA đã cử 28 đoàn thăm tìm hiểu Việt Nam, thực hiện Chương trình “Sáng kiến Cựu chiến binh”, qua đó, đã chuyển giao cho Bộ Quốc phòng, Cơ quan tìm kiếm người mất tích của Việt Nam 304 bộ hồ sơ tài liệu thông tin liên tới hơn 12.000 trường hợp bộ đội ta hy sinh mất tích trong chiến đấu. Giúp các cơ quan chức năng của Việt Nam tìm kiếm quy tập hài cốt của gần 1.500 liệt sĩ. VVA luôn tích cực ủng hộ quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Mỹ - Việt, thúc đẩy giao lưu nhân dân, cựu chiến binh hai nước, phản đối mạnh mẽ “Dự luật nhân quyền Việt Nam”, động viên ủng hộ các thành viên quay lại Việt Nam thăm chiến trường xưa.... Các đoàn VVA thăm chiến trường xưa, thăm và thắp hương các liệt sỹ Việt Nam tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ đường 9, và những nghĩa trang liệt sỹ ở các địa phương đoàn đến và các địa điểm chôn cất tại chiến trường hiện đang xác định, tìm kiếm.

Hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong vấn đề MIA xuất phát từ thiện chí và tinh thần nhân đạo nhưng đã phải vượt qua nhiều thách thức, trở ngại, đã đạt được nhiều kêt quả đáng ghi nhận. Điều quan trọng là chính thông vấn đề MIA, các cuộc giao lưu, tìm hiểu trao đổi giữa cựu chiến binh, thân nhân, và con em cựu binh, và gia đình người quân nhân mất tích hai phía hiểu nhau hơn, cảm thông và bày tỏ tình cảm hữu nghị, hòa giải, trờ thành bạn bè, đối tác. Cũng như chính cuốn phim tài liệu “Once Enemies, Now Friends” (Một thời kè thù, nay bạn bè) mà phía VVA đã làm để nghi lại chặng đường 20 năm quan hệ với Việt Nam vào năm 2015.

Chúng ta thấy rằng, trong vấn đề hợp tác tìm kiếm MIA của Việt Nam và Mỹ, giờ đây đã trở thành mối quan tâm, mong muốn của cả hai phía trong việc giúp nhau hàn gắn vết thương chiến tranh. Thời gian có thể không làm giảm quyết tâm, mong muốn và tình cảm của con người nhưng là kẻ thù của công tác này bởi nó có thể làm mất dần những chỉ dấu dẫn chúng ta tìm đến những địa điểm chôn cất, trí nhớ của người trong cuộc, của nhân chứng. Điều này là một thực tế trong hợp tác Việt - Mỹ về vấn đề MIA. Đến nay, những nhân chứng lịch sử ngày càng ít đi theo năm tháng, làm cho các nguồn thông tin cung cấp của hai bên cũng khó và ít dần.

Quan hệ hai nước Việt-Mỹ bước vào giai đoạn Đối tác Toàn diện được 6 năm, sự hòa giải Việt - Mỹ càng diễn ra sâu rộng. Những cố gắng của phía Mỹ giúp tìm kiếm MIA của Việt Nam cùng với sự gia tăng trợ giúp giải quyết các vấn đề tồn lại sau chiến tranh như ảnh hưởng chất độc da cam, bom mìn, đẩy mạnh các dự án hỗ trợ nhân đạo...

Một nét mới của MIA được thể hiện qua “Dự án hai phía”, theo đó, Hội Việt Mỹ đã tổ chức các cuộc gặp gỡ giao lưu giữa các con em cựu binh Mỹ với con em của các liệt sỹ, tử sỹ Việt Nam nhằm thúc đẩy tình hữu nghị, sự hiểu biết giữa thế hệ trẻ hai nước.

Các đoàn con em những lính Mỹ mất tích đã được thăm các nơi cha ông họ tham chiến, được tổ chức làm lễ cầu siêu cho người thân đã mất; chứng kiến những cử chỉ hữu nghị, thiện chí và sự đồng cảm của các giới người Việt đối với sự mất mát của họ; tìm hiểu những hậu quả chiến tranh to lớn và nhiều mặt đối với Việt Nam... Tất cả những điều đó đã làm thay đổi nhận thức của họ về cuộc chiến trong quá khứ và góp phần hiểu biết sát thực về vấn đề MIA cũng như quan hệ hai nước hiện nay. Những mong muốn nỗ lực không để lặp lại quá khứ, cùng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp Việt - Mỹ đã được nêu lên và đồng lòng.

Nói đến nhu cầu hoà giải sâu sắc hơn giữa nhân dân hai nước, chúng ta có thể lấy hình ảnh hai bà mẹ Việt Nam và Mỹ đều mất con trai trong chiến tranh, ôm choàng nhau và rơi lệ tại cuộc gặp gỡ khi tổ chức “Cây hòa bình Việt Nam” (Peace Trees Vietnam-VNPT) thăm Quảng Trị, tháng 8/2015. Đó là những cái ôm hôn và những giọt nước mắt của cảm thông, hoà giải và hoà bình; biểu tượng sâu đậm của tình người, vượt qua mất mát và quá khứ để làm bạn. Những hoạt động không ngừng tìm kiếm MIA của hai phía đã và đang giúp phần xoa dịu nỗi đau trong bao gia đình Việt Nam và Mỹ.

Vẫn đề MIA còn là một hành trình tâm linh, đưa nhân dân, cựu binh Việt Nam và Mỹ cũng như hai dân tộc đến gần nhau, con người tìm đến với con người bằng quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Những hành động cụ thể, sự tình nguyện cao thượng của người Việt đã cảm hóa rất nhiều người Mỹ. Kết quả công việc đạt được vừa qua là rất lớn và ý nghĩa. Hàng nghìn người dân Việt Nam mà chính họ cũng chưa tìm được hài cốt của con em mình nhưng đã tình nguyện tham gia tìm MIA Mỹ. Điều đó thật hiếm thấy trên thế giới sau những xung đột. Cũng có cựu binh Mỹ qua Việt Nam, đến những nơi họ từng tham chiến để cùng chúng ta tìm kiếm như những nhân chứng.

Giờ đây, nỗi buồn và các di sản chiến tranh vẫn còn hiển hiện sau hàng chục năm hoà bình; bao người mẹ Việt Nam vẫn còn trông ngóng sự trở về của những người con, hàng triệu nạn nhân chất độc da cam cần sự giúp đỡ kịp thời... Chung tay, góp sức nhiều hơn nữa để làm lành những vết thương của những người dân thường, để làm an lòng và nhận được sự đồng tâm, ủng hộ của họ đối với quan hệ Việt - Mỹ là sẽ có tất cả.

Hy vọng rằng, sự hợp tác Việt-Mỹ trong vấn đề MIA của cả hai phía cùng với những nỗ khắc phục hậu quả chiến tranh khác như chất độc da cam, bom mìn/vật nổ sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, hành trình vượt quá khứ, hướng tới tương lai tiếp tục có nhiều tin tốt lành để góp phần đưa quan hệ Việt - Mỹ lên những tầm cao mới, thực chất và hiệu quả, đáp ứng lợi ích và trông chờ của nhân dân hai nước.

Bùi Văn Nghị - Tổng Thư ký Hội Việt Mỹ

Theo Tạp chí điện tử Tri Ân

hop tac nhan dan viet my trong tim kiem bo doi viet nam hy sinh mat tich trong chien tranh mia viet nam Trao đổi cách thức nâng cao quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ

Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng nước này là ông Mark T. Esper sẽ có chuyến thăm tới Việt Nam ...

hop tac nhan dan viet my trong tim kiem bo doi viet nam hy sinh mat tich trong chien tranh mia viet nam Sứ giả hữu nghị kéo gần nhân dân Việt, Mỹ

Phó Chủ tịch Hội Việt - Mỹ Bùi Thế Giang hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của đoàn Câu lạc bộ FF Florida (thuộc hệ ...

hop tac nhan dan viet my trong tim kiem bo doi viet nam hy sinh mat tich trong chien tranh mia viet nam Lãnh đạo VUFO, hội Việt Mỹ tiếp Đoàn Trợ lý Nghị sĩ Mỹ

TĐO - Chiều 30/3, tại Hà Nội, Phó chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, ...

Theo Bùi Văn Nghị - Tổng Thư ký Hội Việt Mỹ/ Tạp chí điện tử Tri Ân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hop-tac-nhan-dan-viet-my-trong-tim-kiem-bo-doi-viet-nam-hy-sinh-mat-tich-trong-chien-tranh-mia-viet-nam-107416.html

In bài viết