Trung Quốc sửa trạm thủy văn giữa căng thẳng quân sự, hàng vạn dân Ấn Độ lâm nguy
Trung Quốc ngưng cấp thông tin thủy văn cho Ấn Độ?
Nỗi sợ lũ lụt ngày càng gia tăng giữa những cư dân tiểu bang Assam, vùng Đông Bắc Ấn Độ, kể từ khi phía thượng nguồn Trung Quốc ngừng chia sẻ dữ liệu thủy văn quan trọng phục vụ cho việc cảnh báo lũ sớm.
Ông Sanjiv Doley, cư dân làng Dhansirimukh thuộc bang này cho biết: "Sau khi nghe quyết định của Trung Quốc thông qua báo đài, chúng tôi đều rất lo lắng về tình hình lũ lụt."
Hiện nay cư dân làng luôn sẵn sàng đối phó với lũ lụt và sơ tán người dân khi cần thiết. "Nếu chúng tôi không nhận được thông tin từ phía Trung Quốc, thì tất cả các làng ở đây đều lâm nguy."
Bà Bimati Hajarika, một cư dân sống ven sông Brahmaputra cho biết: "Tôi đã phải chạy lũ 5 lần, và 4 ngôi làng trước đó của tôi đều đã chìm trong biển nước." Ảnh: BBC/Navin Khadka
Sau khi dòng nước lũ cuốn mất 4 căn nhà, hiện nay bà Bimati Hajarika phải sống trong một túp lều tạm bợ dựng trên các trụ tre, cùng nỗi sợ thường trực rằng ngôi nhà thứ 5 này sẽ bị lũ cuốn trôi lần nữa.
Rất nhiều gia đình khác tại bang Assam cũng gặp hoàn cảnh này. Những người cao niên trong làng chỉ về phía dòng nước, nơi ngôi làng của họ từng tọa lạc trước khi những dòng nước lũ bất ngờ ập đến cuốn trôi tất cả.
Sông Brahmaputra, một trong những dòng sông lớn nhất châu Á, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Ấn Độ (với sông Hằng là phân lưu lớn nhất), Bangladesh và sau đó đổ vào Vịnh Bengal.
Hàng năm, nước lũ trên con sông này dâng ngập một diện tích lớn trên lãnh thổ Ấn Độ, gây thiệt hại lớn về người và của. Ước tính mỗi năm có hàng vạn hộ dân mất nhà cửa, và chỉ trong năm 2017, gần 300 người đã thiệt mạng vì lũ lụt trên sông Brahmaputra.
Hàng năm, nước lũ trên sông Brahmaputra khiến hàng vạn hộ dân mất nhà. Ảnh: BBC/Getty Images.
Hiệp định song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc yêu cầu Trung Quốc – quốc gia ở vùng thượng nguồn – chia sẻ dữ liệu thủy văn vào mùa mưa từ khoảng ngày 15/5 đến 15/10 hàng năm. Thế nhưng tháng 8 vừa qua, các quan chức Ấn Độ cáo buộc phía Trung Quốc không gửi dữ liệu thủy văn năm 2017 cho họ.
Tranh cãi về dữ liệu thủy văn bắt nguồn từ căng thẳng vào mùa hè giữa hai quốc gia tại khu vực cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang). Vụ giằng co giữa các binh sĩ hai nước đã được hai bên giải quyết sau 2 tháng căng thẳng.
Chính phủ Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc từ phía Ấn Độ hồi tháng 9, và khẳng định họ không có dữ liệu thủy văn để chia sẻ với Ấn Độ vào khoảng thời gian đó bởi các trạm thủy văn của Trung Quốc đang trong đợt nâng cấp, cải tạo.
Công viên động vật hoang dã Kaziranga, nơi nhiều cá thể tê giác một sừng Ấn Độ sinh sống, thường xuyên phải hứng chịu lũ lụt. Ảnh: BBC/Getty Images.
Tuy nhiên, theo lời ông Anisul Islam Mohammad, Bộ trưởng Thủy lợi Bangladesh, Trung Quốc vẫn chia sẻ dữ liệu thủy văn với Bangladesh, quốc gia ở khu vực thấp nhất của hạ lưu sông Brahmaputra.
Dân bản địa sống trong lo sợ
Ông Ashok Singhal, thành viên hội đồng lập pháp bang Assam, đồng thời là người lãnh đạo chiến dịch "Cứu sông Brahmaputra", cho biết: "Trung Quốc chưa từng tiết lộ các hoạt động trên thượng nguồn sông Brahmaputra. Tôi đã nhiều lần yêu cầu phía Trung Quốc cấp phép để khảo sát vùng thượng nguồn sông ở Tây Tạng, nhưng đều bị nhà chức trách Trung Quốc từ chối."
Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một số đập thủy điện trên dòng sông Brahmaputra. Phía Trung Quốc khẳng định không lưu trữ hay đổi hướng dòng chảy, và sẽ không có bất cứ hành động nào tổn hại đến lợi ích của các nước ở vùng hạ lưu sông như Ấn Độ hay Bangladesh.
Tuy nhiên, các nhà chức trách bang Assam cho biết họ đã phát hiện ra những dấu hiệu đáng lo ngại. Theo các quan chức, lũ lụt ập đến thường xuyên hơn kể từ hồi tháng 5, khi Trung Quốc ngừng cung cấp dữ liệu thủy văn.
Trận lũ năm 2016 đã khiến 34 cư dân bang Assam thiệt mạng. Ảnh: BBC/Getty Images.
Ông Himanta Sarma, Bộ trưởng Tài chính và Y tế của bang Assam cho biết: "Trước đây, mỗi năm chúng tôi chỉ có một hoặc hai đợt lũ lụt vào mùa mưa. Tuy nhiên gần đây, chúng tôi đã chứng kiến đợt lũ thứ ba và thậm chí là thứ tư dù không có mưa ở thượng lưu sông. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này trong bối cảnh hiện nay."
Ông Sarma tỏ ra lo ngại về căng thẳng biên giới gần đây giữa hai quốc gia.
Theo các nhà khoa học bang Assam, phía Ấn Độ cũng chưa áp dụng triệt để các biện pháp để giải quyết vấn đề lũ lụt như xây dựng trạm thủy văn tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ để theo dõi lưu lượng nước. Chính Ấn Độ cũng từng bị một số quốc gia ở vùng hạ lưu sông như Bangladesh chỉ trích vì phớt lờ những quan ngại của họ.
Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà chức trách Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về việc tiếp tục chia sẻ dữ liệu thủy văn với Ấn Độ.
Hồng Anh