Thời Đại đã có cuộc trao đổi với Tổng giám đốc EVN, ông Trần Đình Nhân về những điểm chính yếu trong vấn đề nêu trên.
- Thưa ông, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ (COP 26) năm 2021, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 (Net zero) vào năm 2050, xin ông đánh giá về triển vọng hiện thực hoá mục tiêu này?
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện kết quả hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu trong đó đã đề ra các mục tiêu, giải pháp và phân công các bộ ngành thực hiện. Việc sớm ban hành quyết định trên và với sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ sẽ là tiền đề quan trong để hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
- Một trong những vấn đề của EVN khi triển khai COP 26 là điện than vẫn chiếm mức tương đối trong cơ cấu nguồn cung ứng điện, trước sức ép về nhu cầu điện của một quốc gia đang phát triển thì xử lý được 2 yêu cầu này không hề dễ dàng. Lộ trình của EVN trong việc tiết giảm nhiệt điện than gặp những khó khăn nào, thưa ông?
- Sau khi có chiến lược thực hiện chung của quốc gia để triển khai COP 26, các bộ ngành sẽ chỉ đạo để có kế hoạch và lộ trình chi tiết cho từng ngành như năng lượng, giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp ..vv để thực hiện cho đến 2050. Đối với ngành năng lượng, EVN sẽ xây dựng kế hoạch và lộ trình của mình để đạt được mục tiêu được giao.
- Không hy sinh môi trường để đánh đổi phát triển kinh tế, mong muốn này nói dễ hơn làm vì trong thực tế có nhiều đòi hỏi sống còn thiết thực và không đơn giản cứ muốn là có thể bỏ qua, vậy nhìn rộng ra, xin ông cho biết nền kinh tế có thể phải trải qua những khúc quanh nào nếu quyết tâm thực hiện mục tiêu này?
- Năng lượng sạch kết hợp các công nghệ chuyển dịch năng lượng như công nghệ tích trữ điện năng, công nghệ hydrogen xanh, công nghệ tách và tích trữ các bon…vv là những công nghệ mới đang trong giai đoạn nghiên cứu phát triển nên nói chung đều có giá thành cao hơn năng lượng truyền thống.
Năng lượng là đầu vào của nền kinh tế và do vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và hành vi sử dụng năng lượng của người dân. Do vậy với lộ trình thích hợp và kiên định trong chỉ đạo thực hiện, nền kinh tế sẽ có những chuyển dịch nhất định theo hướng bền vững hơn, sử dụng năng lượng sạch hơn và hiệu quả hơn.
- Để đáp ứng những đòi hỏi này triệt để, thưa ông, một điểm nút cần quan tâm là sự đi trước của chính sách. Trong tổng thể chính sách liên quan đến điện năng hiện nay ông thấy đâu là những nội dung cần ưu tiên tập trung bổ sung, hoàn thiện?
- Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho phát triển các-bon thấp, giảm phát thải là ưu tiên của Thủ tướng Chính phủ trong quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022.
Đây là vấn đề lớn, tác động đến mọi mặt của nền kinh tế và cuộc sống của người dân trong một giai đoạn dài đến 2050, do vậy trước hết cần rà soát lại các Luật có liên quan để sửa đổi bổ sung cho phù hợp trước khi thiết kế hệ thống các văn bản pháp lý dưới luật với mục tiêu có được một hành lang pháp lý đồng bộ, ổn định, hiệu lực và hiệu quả.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN (đứng giữa) |
- Những khúc mắc quanh câu chuyện mua bán điện từ nguồn năng lượng tái tạo vừa qua cho thấy cơ quan quản lý nhà nước chưa tiên liệu hết một số vướng mắc có thể phát sinh, thưa ông, bài học kinh nghiệm rút ra từ sự việc này là gì?
- Bài học kinh nghiệm trong phát triển NLTT trong thời gian qua là khả năng dự báo. Rất khó có thể dự báo được đại dịch Covid-19 bùng phát trong các năm 2019-2021, khó dự báo về việc giảm giá nhanh của vật tư thiết bị cho ngành NLTT, và chưa thiết kế cơ chế kiểm soát rủi ro về kết quả công tác dự báo.
Do vậy giải pháp tốt nhất để tránh các rủi ro trên là sử dụng tối đa các cơ chế cạnh tranh, minh bạch để phát triển NLTT hoặc hình thành thị trường điện bán lẻ để người mua điện cuối cùng và nhà đầu tư quyết định giá mua bán của nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ví dụ nếu cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện thành công cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) thì giá mua điện và cơ chế kiểm soát rủi ro sẽ do bên mua và bên bán chịu trách nhiệm.
- Ưu tiên cho phát triển điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo là câu cửa miệng phổ biến hiện nay, thưa ông, nhưng ưu tiên như thế nào để các doanh nghiệp trụ cột như EVN cảm thấy yên tâm khi triển khai là khía cạnh chưa thấy đề cập đến nhiều. Vậy một chính sách với tầm nhìn dài hạn để đảm bảo cho EVN phát triển “an toàn, hài hoà và hiệu quả” mà ông mong muốn là gì?
- Phát triển NLTT là xu thế tất yếu và là mục tiêu dài hạn để nước ta thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế tại COP 26, EVN mong muốn có một hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu lực, ổn định và có thể dự báo được kèm theo kế hoạch hành động chi tiết của chính phủ đối với ngành năng lượng để đạt được mục tiêu COP 26, khi đó các doanh nghiệp trong ngành năng lượng nói chung và EVN nói riêng yên tâm cống hiến và đóng góp cho việc hoàn thành các mục tiêu đó của Chính phủ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Bài: Lê Sơn Đồ họa: Đông Phong |