Thế hệ trẻ Việt - Lào là những người thừa kế sứ mệnh giữ gìn và phát triển quan hệ hai nước
- Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm?
Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đang triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, chuẩn bị cho các Đại hội cấp cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc vào đầu năm 2026.
Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra trong thời điểm hai nước kỷ niệm nhiều dấu mốc quan trọng: 47 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977), 62 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Lào - Việt Nam (5/9/1962), 49 năm thành lập nước CHDCND Lào và 79 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam.
Chuyến thăm này cũng tiếp nối thành công chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vào tháng 7/2024 nhằm củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Trong chuyến thăm lần này, hai bên dự kiến đánh giá lại việc thực hiện Biên bản ghi nhớ năm 2024 giữa hai Bộ Chính trị, được ký vào ngày 26/2/2024 tại Hà Nội. Đồng thời, xác định các trọng tâm hợp tác trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Các hoạt động nhằm hỗ trợ chính phủ hai nước triển khai các thỏa thuận tại kỳ họp Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam lần thứ 46 và chuẩn bị tổ chức kỳ họp lần thứ 47 vào năm 2025.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (bên phải) đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khi ông thăm cấp nhà nước Lào vào tháng 7/2024 trên cương vị người đứng đầu Nhà nước. (Ảnh: TTXVN) |
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào sẽ có các hoạt động chính nào trong chuyến thăm lần này, thưa Đại sứ?
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith sẽ gặp gỡ lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại Hà Nội. Đó là: gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm; Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo Trung ương Hội hữu nghị Việt - Lào; tham gia Hội nghị giữa hai Bộ Chính trị Lào - Việt Nam; gặp gỡ cựu quân tình nguyện, chuyên gia và thế hệ trẻ hai nước và ký Biên bản ghi nhớ năm 2025.
Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith sẽ đặt vòng hoa và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm làng trẻ em Birla tại Hà Nội; tham quan nhà máy ô tô Vinfast tại Hải Phòng; một số cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào cũng có các hoạt động tại các cơ sở sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội khác của Việt Nam.
- Đại sứ có thể cho biết những nội dung quan trọng về cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước với cựu quân tình nguyện, chuyên gia và thế hệ trẻ Việt Nam và Lào?
Tại buổi gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Lào và Việt Nam. Đặc biệt là sự hy sinh cao cả của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trong quá trình giúp đỡ Lào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào sẽ ôn lại truyền thống đoàn kết đặc biệt Lào - Việt, được các vị lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaisone Phomvihan và Chủ tịch Souphanouvong xây dựng và bảo vệ qua nhiều thập kỷ. Đó là một di sản được tiếp nối qua những giai đoạn lịch sử đầy hy sinh, đấu tranh và tinh thần cách mạng của lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có biến động phức tạp, hai nước cần tiếp tục tăng cường hợp tác để bảo vệ và phát triển quan hệ liên tục, ổn định.
Tình đoàn kết đặc biệt giữa Lào và Việt Nam là tài sản vô giá mà hai dân tộc cùng chia sẻ. Nó chính là yếu tố then chốt bảo đảm sự độc lập và phát triển của cả hai quốc gia. Chúng tôi mong muốn lan tỏa tinh thần này tới các thế hệ trẻ, khuyến khích họ học tập, nghiên cứu và trở thành những người thừa kế sứ mệnh bảo vệ, phát triển đất nước cũng như duy trì quan hệ khăng khít, bền vững giữa Lào và Việt Nam trong tương lai.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh. (Ảnh: Đại sứ quán Lào tại Việt Nam) |
- Chúng ta kỳ vọng gì từ chuyến thăm cấp Nhà nước lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào và Phu nhân tới Việt Nam, thưa Đại sứ?
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào và Phu nhân nhằm tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước ngày càng sâu sắc, gần gũi hơn.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi về đường hướng, chính sách và các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện, nâng cao hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Đồng thời, hai nước sẽ tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Dù tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, với cả cơ hội và thách thức, Lào và Việt Nam luôn đặt ưu tiên cao nhất cho việc bảo vệ và phát triển quan hệ đặc biệt này, không chỉ đối với thế hệ hiện tại mà còn đối với các thế hệ tương lai.
Về kinh tế, hai nước cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế ngày càng phát triển, nâng cao chỉ số hợp tác kinh tế để tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Những chuyến tham quan, tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh thành của Việt Nam sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu để Lào có thể tham khảo, áp dụng phù hợp với tình hình và đặc điểm của mình.
Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith cũng sẽ gặp gỡ các cựu quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam và sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam. Đây là dịp để khẳng định quan hệ gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Lào và Việt Nam đã được thiết lập từ lâu và sẽ tiếp tục được vun đắp, phát huy mãi mãi, trở thành di sản vô giá trên thế giới, để lại cho các thế hệ mai sau.
- Sau chuyến thăm này, Đại sứ quán Lào sẽ tập trung vào những trọng tâm nào để thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới?
Chúng tôi sẽ tập trung vào 8 trọng tâm:
Một là, tiếp tục thúc đẩy các cơ quan liên quan của Lào và Việt Nam trong việc thực hiện thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước và thỏa thuận hợp tác giữa hai Đảng, hai Chính phủ, giữa các Bộ ban ngành từ Trung ương và địa phương đã ký kết trong năm qua. Đồng thời, rà soát các thỏa thuận hợp tác đã ký kết để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình mới.
Hai là, phát huy sự hợp tác về chính trị ngày càng thắt chặt và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp, hợp tác trong vấn đề chiến lược của hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để hai Đảng, hai Chính phủ và các tổ chức quần chúng gặp gỡ, giao lưu theo nhiều hình thức, tính hiệu quả ngày càng cao.
Ba là, phối hợp hợp tác quốc phòng - an ninh nhằm ứng phó với thách thức mới, thúc đẩy hai bên tổ chức thực hiện các thỏa thuận mà Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh hai nước đã ký kết.
Bốn là, phối hợp thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các Bộ ban ngành ở Trung ương và địa phương nhằm đạt hiệu quả cao, tương xứng với quan hệ chính trị hai nước.
Năm là, thúc đẩy xây dựng, sửa chữa đường bộ và cửa khẩu của hai nước đạt tiêu chuẩn cả về cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ, hệ thống thuế... tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa giữa hai nước thuận lợi, tiết kiệm chi phí.
Sáu là, thúc đẩy việc kết nối cơ sở hạ tầng, du lịch, năng lượng, nông nghiệp xanh... tiềm năng giúp hai nước phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế có hiệu quả.
Bảy là, tiếp tục thúc đẩy cơ chế phối hợp hiệu quả trong diễn đàn khu vực và quốc tế; thường xuyên trao đổi, tham vấn về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Tám là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và bồi dưỡng về truyền thống tình đoàn kết đặc biệt giữa Lào và Việt Nam cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhân dân, cũng như thanh thiếu niên của hai nước.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!