Chấn động: Tìm thấy hố đen vũ trụ
Khoảng 20 giờ tối 10/4, các chuyên gia trong dự án Event Horizon Telescope (EHT - Kính thiên văn chân trời sự kiện) đã công bố bức ảnh chụp vầng sáng tạo thành từ bụi và khí bao quanh siêu hố đen ở trung tâm của thiên hà Messier 87 (M87) cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng, có đường kính 40 tỷ km, lớn gấp ba triệu lần Trái Đất. Các nhà khoa học ở EHT gọi đó là hố đen "quái vật".
Phát hiện này được coi là sự kiện chấn động mang tầm vóc thế kỷ về những nghiên cứu Hố đen vũ trụ, trong lịch sử ngành thiên văn. Hố đen vũ trụ được mô tả giống như một cách cửa không có lối ra, không một vật chất nào có thể di chuyển đủ nhanh để thoát khỏi lực hấp dẫn khổng lồ của hố đen, ngay cả ánh sáng.
Hố đen được ví như một vật gần như vô hình được bao phủ bởi lớp bụi dày và không thể lấp đầy. Bức ảnh lịch sử đã giúp chúng ta nhìn trực tiếp đĩa bồi tụ, vòng bụi và khí mờ hình tròn liên tục cung cấp vật chất "nuôi" hố đen bên trong.
Các chuyên gia của EHT đã phát hiện bức xạ phát ra bởi các hạt bên trong đĩa bồi tụ, bị nung nóng tới hàng tỷ độ C khi xoay tròn xung quanh hố đen ở tốc độ gần bằng vận tốc ánh sáng, trước khi bị "hố đen" nuốt chửng.
Hình dạng giống như lưỡi liềm của vầng sáng trong ảnh là do các hạt nằm ở phía hướng về Trái Đất, có tốc độ tương đối cao hơn và có vẻ sáng hơn. Bóng tối bên trong đánh dấu mép của chân trời sự kiện.
"Hố đen không phải là chân trời sự kiện. Nó là thứ nằm bên trong. Nó có thể ở bên trong chân trời sự kiện, là vật thể kỳ lạ lơ lửng ngay dưới bề mặt hoặc điểm kỳ dị ở trung tâm hay một vòng tròn. Các quan sát chưa đưa ra lời giải thích về những gì diễn ra bên trong", Ziri Younsi, nhà nghiên cứu ở Đại học College London, thành viên dự án EHT, chia sẻ.
Để có được thành công mang ý nghĩa lớn lao này, là sự cộng hưởng hoàn hảo của rất nhiều yếu tố. Ngoài nỗ lực hết sức của các nhà nghiên cứu, còn phải kể đến sự may mắn của thời tiết cùng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa 8 nhóm đài thiên văn ở các địa điểm cách xa nhau.