Cả nước đón Xuân Nhâm Dần với nhiều tin tưởng, chờ mong
Hà Nội: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết người cao tuổi
Tại Hà Nội, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2022), tối 31/1/2022 (30 Tết), tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, đồng thời thăm hỏi đại diện người cao tuổi và nhân dân Thủ đô.
Tối 30 Tết Nhâm Dần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Tại chuyến thăm, chúc mừng Đảng bộ, quân và dân Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh những thành tựu rất đáng tự hào mà thành phố đã đạt được thời gian qua, khẳng định, năm 2021 đầy biến động vừa khép lại với nhiều sự kiện và dấu ấn đáng nhớ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng nhất trí của toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ Hà Nội lại càng lớn, càng nặng nề. Chính vì vậy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô càng phải thấy được niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm nặng nề của mình để không ngừng tu dưỡng, phấn đấu và rèn luyện về bản lĩnh chính trị, về phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác để lãnh đạo Đảng bộ cùng nhân dân xây dựng Thủ đô ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại
Trong đêm 30 Tết Nhâm Dần, đường phố Hà Nội rực rỡ ánh đèn trang trí tại các khu vực công cộng, các trụ sở làm việc và từ nhà dân hai bên đường tỏa ra. Khu vực hồ Hoàn Kiếm, Tràng Tiền, Hàng Khay, Điện Biên Phủ... vẫn ánh lên sắc màu của cờ hoa.
Càng gần thời khắc giao thừa, người dân Thủ đô đổ ra đường đông hơn. Ảnh: VOV.vn |
Năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hà Nội dừng tổ chức các loại hình lễ hội, hoạt động tập trung đông người, không bắn pháo hoa đêm giao thừa. Thay vào đó, thành phố thực hiện ghi hình và phát trên sóng truyền hình, cũng như các nền tảng xã hội, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. Ngành văn hóa Thủ đô chỉ đạo các nhà hát trực thuộc xây dựng chương trình mừng Xuân với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn.
Nhiều người dân Thủ đô cũng quen dần hình thức xem sự kiện trực tuyến, nên đã quan tâm, đón nhận. Không còn sự hối hả như ngày thường mà thay vào đó mọi chuyển động dường như chậm lại. Nhưng không vì thế không khí đêm giao thừa bị kém vui, mà nó chuyển sang một trạng thái khác, sâu lắng hơn.
Càng gần thời khắc giao thừa, người dân Thủ đô đổ ra đường đông hơn.
Thành phố Hồ Chí Minh: Người dân phấn khởi đón Xuân
Giao thừa năm nay, thời tiết TP.HCM hơi se lạnh và rất thuận lợi để du xuân nên đông người ra ngoài đường để tận hưởng không khí trước khi đón một năm mới sang.
Một gia đình chụp hình lưu niệm trong đêm giao thừa tại đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: Quỳnh Trần/vnexpress.net |
Năm nay TP. HCM không tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa nhưng nhiều hoạt động vui chơi được tổ chức. Tại các điểm vui chơi như đường hoa Nguyễn Huệ, Hội hoa xuân Công viên Tao Đàn, khu vực nhà văn hóa Thanh Niên... đều có đông đảo người dân đến thưởng lãm. Trong đó, địa điểm thu hút đông đảo nhất là Đường hoa Nguyễn Huệ. Đa số mọi người đi theo nhóm nhỏ, nhóm bạn và gia đình. Đường hoa năm nay có tạo hình hơn 50 chú hổ và rất nhiều tiểu cảnh mang những chủ đề khác nhau nên người dân có nhiều điểm để tham quan, chụp hình.
Đường hoa Nguyễn Huệ 2022 là đường hoa thứ 19 được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền tại trung tâm TPHCM, kể từ lần đầu tiên vào năm 2004. Phát biểu tại lễ khai mạc trước đó, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022 ghi đậm dấu ấn về một “giai đoạn lịch sử” khó quên của TPHCM đang từng bước hồi sinh sau khi trải qua nhiều tháng là tâm dịch COVID-19 của cả nước. Ông cũng khẳng định Đường hoa Nguyễn Huệ là điểm vui chơi không thể thiếu của người dân thành phố và du khách mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc.
Hội An (Quảng Nam): Các hoạt động đêm phố cổ, phố đi bộ đều tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đêm giao thừa rất đông du khách đổ về phố cổ vui chơi, trải nghiệm chèo đò sông Hoài, chụp ảnh lưu niệm cùng những dãy đèn lồng lung linh rực rỡ, hay dạo chợ đêm mua sắm, ăn uống. Không khí se lạnh rất thích hợp du xuân, dạo phố cổ. Nhiều du khách nước ngoài còn lưu lại Việt Nam đã đến đây lưu trú và đón năm mới cùng người dân địa phương. Du khách ở một số tỉnh thành trong nước cũng đưa gia đình đến đón Tết Nguyên đán Nhân Dần 2022 tại Hội An, trải nghiệm sự tĩnh lặng, bình yên của phố cổ, tìm hiểu văn hóa truyền thống của người dân đô thị cổ Hội An.
Không khí đêm giao thừa tại phố cổ Hội An bình yên, nhiều du khách nước ngoài còn lưu lại Việt Nam đã đến đây lưu trú và đón năm mới cùng người dân địa phương. Ảnh: VOV.vn |
Du khách đón giao thừa chủ yếu tập trung tại vòng cung chùa Cầu. Các cửa hàng, dịch vụ ăn uống tại các tuyến đường trong phố cổ như Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng vẫn mở cửa phục vụ du khách. Nhiều người dân Hội An chia sẻ, việc du khách dần quay lại Hội An là một tín hiệu đáng mừng, không khí cũng vui tươi hơn hẳn. Người dân Hội An cũng cầu mong năm mới may mắn, sức khỏe, dịch bệnh sớm chấm dứt để du lịch lại phục hồi như xưa.
Một mùa Xuân mới lại về, những tiếng cười nói reo vui, những gương mặt rạng ngời, những sắc màu hoa lá ngập tràn khắp nơi. Những kỳ vọng về một năm mới tốt lành, khởi sắc toàn diện trên mọi lĩnh vực đang hiện hữu trước mắt và sẽ sớm trở thành hiện thực khi có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân.
Cần Thơ: Năm nay người dân Cần Thơ đón giao thừa khác với mọi năm, không còn cảnh chen nhau để xem bắn pháo hoa náo nhiệt như nhiều năm trước. Thay vào đó, nhiều người chọn cho mình một cách đón giao thừa bên gia đình, người thân bằng việc tổ chức tiệc để cùng nhau đếm ngược đồng hồ.
Tại Bến Ninh Kiều, giao thừa năm nay người đổ về bến Ninh Kiều ít hơn nhiều so với các năm trước. Ảnh: Huỳnh Xây/Dân Việt |
Một số bạn trẻ thì chọn cùng người thân đi ngắm đèn đường nghệ thuật hay đi vườn hoa xuân Nhâm Dần Cần Thơ mới mở cửa vài ngày. Vườn hoa xuân Cần Thơ năm nay với nhiều tiểu cảnh như: Vườn mai, mô hình Cần Thơ vượt sóng vươn lên, mâm ngũ quả, mô hình vui tết 5K, Tết sum vầy, mô hình lân – Hổ vui tết và nhiều tiểu cảnh khác.
Vĩnh Long: Để phục vụ khách tham quan trong đêm giao thừa, ngành văn hóa tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng rất nhiều tiểu cảnh mừng năm mới tại thành phố Vĩnh Long. Tiêu biểu như tiểu cảnh linh vật Hổ được làm bằng vật liệu lục bình, tiểu cảnh làng nghề gốm Mang Thít, tổ chức chương trình nhạc nước được xây dựng tại quảng trường tỉnh Vĩnh Long...
Tỉnh Vĩnh Long tổ chức biểu diễn nhạc nước ở công viên P.9, TP.Vĩnh Long để mọi người có nơi vui chơi, giao lưu chụp ảnh chào đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh: Báo Thanh niên |
Năm Nhâm Dần 2022 người dân Vĩnh Long mong muốn được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đặc biệt kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 để người dân tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa xã hội...
Một mùa Xuân mới lại về, những tiếng cười nói reo vui, những gương mặt rạng ngời, những sắc màu hoa lá ngập tràn khắp nơi. Những kỳ vọng về một năm mới tốt lành, khởi sắc toàn diện trên mọi lĩnh vực đang hiện hữu trước mắt và sẽ sớm trở thành hiện thực khi có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân.
Chia sẻ trên TTXVN, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, người dân cả nước thích ứng nhanh với điều kiện hiện nay, "Năm nay là năm Nhâm Dần, hổ được coi là chúa sơn lâm, tượng trưng cho sức mạnh nên người ta hy vọng năm con hổ tạo nên một bước chuyển biến mới, dịch bệnh qua đi, cuộc sống trở lại bình thường. Đồng thời, trong cuộc sống niềm tin đôi khi rất quan trọng, vì vậy chúng ta nên tin tưởng vào những điều tốt đẹp sẽ đến", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ nói. |