Bài thơ “Ghét chuột” của Nguyễn Bỉnh Khiêm – một bản án đanh thép với giặc nội xâm

09:03 | 21/01/2020

Nhân gian tương truyền thơ của Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm là “sấm thi”, mang tính dự báo. Đọc Tăng thử của ông, ta thấy ông như đang nói hộ lòng dân hôm nay.

bai tho ghet chuot cua nguyen binh khiem mot ban an danh thep voi giac noi xam Phong tục ngày Tết của người Việt xưa có điều gì thú vị?
bai tho ghet chuot cua nguyen binh khiem mot ban an danh thep voi giac noi xam Ảnh màu hiếm về chợ hoa ngày Tết ở Sài Gòn những năm 60

Cách đây 45 năm, thầy tôi là GS Bùi Duy Tân dạy chúng tôi bài Tăng Thử của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi nhớ lúc đó, giọng thầy như nhỏ lại thì thầm, vừa đọc bài, thầy vừa nghé ra ngoài cửa sổ như sợ ai bắt gặp. Khi đọc bài Chuột xù của Kinh Thi để so sánh, thầy có hào sảng hơn, dường như để lấy đà mà khẳng định tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm trong cái thời Lê bắt đầu mạt vận ấy. Nhưng thầy vẫn truyền lại được cho chúng tôi những thông điệp đầy ý nghĩa. Thầy lim dim mắt, tay chỉ lên trần nhà, gật gật đầu nói rành rẽ: “Vì dân lắm, quả cảm lắm, đanh thép lắm, lời thơ như lời hịch vậy!”.

Giờ đây, nhân sắp sang năm chuột đọc lại bài thơ này, ta thấy ngạc nhiên về tính cập nhật, tính thời sự của nó.

bai tho ghet chuot cua nguyen binh khiem mot ban an danh thep voi giac noi xam

TĂNG THỬ - Duy thiên sinh chưng dân/Bất noãn các hữu dục/ Ô hoàng cổ thánh nhân/ Giáo dĩ nghệ ngũ cốc/ Phụ mẫu ngưỡng tri sự/ Thê tử phủ tri dục/ Thạc thử hồ bất nhân/ Thảo thiết tứ âm độc/ Nguyên dã hữu cảo miêu/ Lẫm dữ vô dư túc/ Lao phí nông phu thán/ Cơ tích điền phụ khấp/ Dân mệnh vi chí trọng/ Tàng hại hà thái khốc/ Thành xã ỷ vi gian/ Thần nhân oán mãn phúc/ Ký thất thiên hạ tâm/ Tất thụ thiên hạ lục/ Thị triều tứ nhĩ thi/ Ô diên trách nhĩ nhục/ Tận sử điêu sái dân/ Cộng hưởng thái bình phúc.

Dịch nghĩa: GHÉT CHUỘT – Trời đã sinh ra dân/ Chỉ mong ai cũng ấm no/ Nên thánh nhân từ tối cổ/Đã dạy dân trồng ngũ cốc/ Để ngửng lên thì phụng dưỡng cha mẹ/ Cúi xuống thì dưỡng dục vợ con/ Loài chuột cống kia sao bất nhân đến thế/ Cứ ngấm ngầm ăn vụng ăn trộm/ Ngoài đồng chỉ còn túm rơm khô/ Trong kho cũng chả còn hạt thóc sót/ Nông phu lao khổ mà oán thán/ Phụ nữ gầy ốm mà khóc nghẹn/ Cái mạng dân là tối quan trọng/ Mi làm hại người ta người ta quá lắm/ Mi dựa vào hốc thành, vào hang đền miếu/ Cả thần và người oán hận đầy cả ruột/ Mi làm mất lòng cả thiên hạ/ Tất nhiên rồi thiên hạ sẽ giết mi/ Đem thây phơi xác trong triều ngoài chợ/ Cho loài quạ loài diều mổ rỉa thịt mi/ Có thế thì những người dân đang điêu tàn ốm yếu/ Mới cùng được hưởng hạnh phúc thời thái bình.

Đúng là lời thơ như lời hịch, sang sảng, vọng vang, khúc chiết rõ ràng. So với ba bài Chuột xù (Thạc thử) của Kinh thi, thì Ghét chuột của Nguyễn Bỉnh Khiêm mạnh mẽ hơn nhiều, quả cảm hơn nhiều. Trong cảm hứng mang tính dân gian của Kinh thi, họ trách móc nhiều hơn là lên án, họ cam chịu bỏ đi hướng tới một vùng đất khác tốt đẹp hơn là đấu tranh trực để giành lấy hạnh phúc.

Nguyễn Bỉnh Khiêm bắt đầu từ cội rễ của triết lý nhân văn muôn đời: đạo hiếu sinh. Hiếu sinh là đại đạo. Muôn vật tồn tại trong vũ trụ này, đã có vận mệnh thì đều hiếu sinh. Con người lại càng thế. Mong được ấm no, cấy trồng ngô lúa là để người già được phụng dưỡng, mọi người được ấm no. Đó là chính là chân lý “Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Tác giả “ghét chuột” vì lũ chuột bất nhân và vụng trộm đi ngược lại triết lý đó làm cho ruộng đồng xơ xác, kho lẫm trống rỗng, lòng người oán thán, dân tình uất nghẹn, cả thiên hạ mất niềm tin, bất chấp “dân mệnh vi chí trọng” (cái mạng dân là tối quan trọng). Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã từng viết:

Cổ lai quốc dĩ dân vi bản

Đắc quốc ưng tri tại đắc dân

(Xưa nay nước lấy dân làm gốc

Được nước là do được lòng dân).

Ấy mà lũ chuột đó lại làm hang hốc, nấp trong chân thành quách, vốn để bảo vệ quốc gia, chui cả vào đền thờ xã tắc, vốn là biểu tượng tinh thần thiêng liêng của quốc gia để phá hoại.

Ông kỳ vọng kết cục bi thảm cho lũ chuột hại dân phản quốc ấy, không phải dân bỏ đi nơi khác như Kinh thi hát, không phải nhờ trời... mà chính thiên hạ này sẽ hành đạo: Ký thất thiên hạ tâm/ Tất thụ thiên hạ lục (Mi đã làm mất lòng thiên hạ/ Ắt là sẽ nhận lấy việc thiên hạ tru diệt). Số phận lũ chuột đó thật là thê thảm: Xác phơi trong triều ngoài chợ/ Xác bị rỉa rói bởi quạ diều.

Nhân gian tương truyền thơ của Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm là “sấm thi”, mang tính dự báo. Đọc Tăng thử của ông, ta thấy ông như đang nói hộ lòng dân hôm nay. Bài thơ vẫn mang tính thời sự khi công cuộc chống nội xâm, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang phát triển ngày một mạnh mẽ, vãn hồi lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng.

Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 đã nói: “Thật đau xót nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả vì sự nghiệp của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, đắt giá cho tất cả chúng ta”.

Lò chống tham nhũng cuối năm Hợi này vẫn rực cháy, nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện trung ương quản lý bị ra trước vành móng ngựa và chắc chắn sẽ chịu những bản án xứng đáng.

Năm Tý là mở đầu cho một vòng quay địa chi, kỳ vọng là bằng quyết tâm chính trị, lũ chuột tham nhũng sẽ dần sạch bóng, lòng dân ngày càng tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

bai tho ghet chuot cua nguyen binh khiem mot ban an danh thep voi giac noi xam Nghệ sĩ Jimmii Nguyễn: Bồi hồi nhớ Tết cổ truyền trên đất Mỹ

Là nghệ sỹ, lại sống ở hai cực của thế giới, Jimmii Nguyễn có nhiều trải nghiệm về Tết cổ truyền và Tết Dương lịch. ...

bai tho ghet chuot cua nguyen binh khiem mot ban an danh thep voi giac noi xam Không khí Tết xưa ở Hà Nội, Sài Gòn những năm 1920, 1940

Chùm ảnh đen trắng, mang đến cảm giác hoài cổ về không khí Tết xưa ở Hà Nội, Sài Gòn những năm 1920, 1940 gây ...

bai tho ghet chuot cua nguyen binh khiem mot ban an danh thep voi giac noi xam Ảnh Tết xưa: Đông đến là thấy Tết sắp về

Nói về Tết xưa thì có nhiều câu chuyện để kể, và lạ lùng rằng, dù cuộc sống hiện đại đến mấy, không khí Tết ...

Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bai-tho-ghet-chuot-cua-nguyen-binh-khiem-mot-ban-an-danh-thep-voi-giac-noi-xam-97573.html

In bài viết