Mất mạng vì tự chữa đái tháo đường bằng Tiểu đường hoàn

10:05 | 22/10/2019

BV. Thống Nhất (TP.HCM) vừa tiếp nhận hai ca đái tháo đường biến chứng nặng, rối loạn toan chuyển hóa nghiêm trọng, trong đó một ca đã được người nhà xin về vì không qua khỏi. Điều đáng nói, bệnh nhân sử dụng một loại sản phẩm có tên Tiểu đường hoàn, vốn đã bị Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) có công văn thu hồi vào tháng 3/2019.
Dự thảo bằng tốt nghiệp đại học bỏ ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình Hà Nội: Cô gái bị người đàn ông đi SH nhổ nước bọt vào mặt vì không kịp nhường đường Hoại tử ngón chân vì tự chữa bằng thuốc Đông y

Ngày 21/10/2019, ThS. BS. CKII Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức Tích cực, BV Thống Nhất cho biết, ca đầu tiên là bệnh nhân Võ Thị B. L. (sinh năm 1959, ngụ tại P.12 - Q. Tân Bình) phát hiện đái tháo đường vào tháng 10/2018, nhưng bệnh nhân không đi khám bệnh cũng như điều trị thường xuyên, mà nghe theo lời khuyên mách bảo sử dụng loại thuốc tễ mang tên Tiểu đường hoàn.

"Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau lưng trên nền tăng huyết áp và đái tháo đường nên được chuyển đến khoa Nội Cơ Xương Khớp để điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân sau đó diễn tiến nặng, mệt mỏi, đau nhức cơ nặng, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng với pH < 6,8, dần rơi vào hôn mê. pH < 6,8 tức là ngưỡng cảnh báo tử vong. Bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức Tích cực,” BS. Ngọc Ánh nói.

May mắn, bệnh nhân này đã ổn dần sau 2 ngày điều trị nội khoa, bổ sung chất kiềm Natri Carbonate.

Tuy nhiên, ca thứ hai, Đỗ Thị S. (sinh năm 1952, Quận 12) nhập viện ngày 16/10/2019, đã được người nhà xin về sau nhiều ngày thở máy tích cực, lọc máu do suy hô hấp và toan chuyển hóa nặng vì sử dụng các loại đông dược trôi nổi trong điều trị đái tháo đường.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ ngủ gà, đau bụng, tiêu phân lỏng nhiều. Bệnh nhân diễn tiến ngày càng nặng, huyết áp tụt (60/40), đo đường huyết tại phòng cấp cứu thời điểm đó rất cao không xác định được, vượt ngưỡng của cả thiết bị đo. Ngoài đái tháo đường, bệnh nhân này còn kèm theo suy thận. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân bị đái tháo đường đã 10 năm. Thời gian gần đây, bệnh nhân sử dụng hai loại thuốc đông y với nhãn mác toàn chữ Hoa. Trong đó, một loại chứa sulfamid hạ đường huyết, và một loại khác không rõ thành phần.

mat mang vi tu chua dai thao duong bang tieu duong hoan
Bệnh nhân Đỗ Thị S. bị đái tháo đường đã 10 năm, thời gian gần đây, bệnh nhân sử dụng hai loại thuốc đông y với nhãn mác toàn chữ Hoa.


ThS. BS. Hoàng Ngọc Ánh cho biết, trong hai trường hợp cấp cứu nói trên, một ca đã tử vong (50%) sau khi sử dụng tiểu đường hoàn và các thuốc đông y trôi nổi chứa chất cấm. Từ đầu năm đến nay, BV Thống Nhất cũng đã tiếp nhận 5 trường hợp như vậy. BS. Ngọc Ánh khuyến cáo, loại viên tễ đông y này có chứa một thành phần cấm, phenformin.

“Phenformin đã bị Cục Quản lý Thực Dược phẩm Hoa kỳ (FDA) cấm sử dụng vào những thập niên 1970s, sau đó đến thập niên 1980s, bị toàn thế giới cấm sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường. Đây là một loại thuốc có thể gây ra nhiều biến cố đối với bệnh nhân đái tháo đường, cao gấp 100 lần so với thuốc metformin.

Metformin hiện là thuốc được chỉ định trong các bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường type II, không phụ thuộc insulin. Tuy vậy, Metformin khi sử dụng, bệnh nhân vẫn cần đi khám để được các bác sĩ tư vấn sử dụng thuốc hiệu quả và an toàn, nhất là trên những bệnh nhân đái tháo đường kèm theo các bệnh mạn tính khác như suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng, nghiện rượu…,” BS. Ngọc Ánh cho biết.

Thuốc cấm vẫn lưu hành và gây chết người

Được biết, hồi tháng 3 vừa qua, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Difoco ngừng sản xuất, buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm Tiểu đường hoàn; tiến hành thu hồi trên thị trường các lô sản phẩm sản phẩm Tiểu đường hoàn đã sản xuất, lưu hành và báo cáo bằng văn bản số lượng sản phẩm đã sản xuất, đã bán, còn tồn kho và thu hồi được.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiểu đường hoàn do Chi nhánh Cty Cổ phần Difoco (276/17/2 Mã Lò, khu phố 6 - phường Bình Trị Đông A - quận Bình Tân, TP.HCM) công bố, sản xuất, nguyên liệu sản xuất sản phẩm không đúng với công bố (số 31090/2016/ATTP-XNCB). Đặc biệt sản phẩm Tiểu đường hoàn được sản xuất từ nguyên liệu có tên là "Thảo dược tiểu đường", "Thảo dược hỗ trợ tiểu đường" đã phối trộn sẵn không đúng với tên nguyên liệu đã công bố; chi nhánh Cty Cổ phần Difoco đã không còn hoạt động tại địa chỉ nói trên.

mat mang vi tu chua dai thao duong bang tieu duong hoan
Biến chứng từ phenformin có tỷ lệ tử vong khá cao, mặc dù phát hiện và đưa vào viện sớm

ThS. BS. Hoàng Ngọc Ánh chia sẻ, với những thông tin ông tìm hiểu được, loại thuốc tiểu đường hoàn này đã bị cơ quan chức năng của Bộ Y tế thu hồi và cấm sử dụng, nhưng không hiểu sao vẫn trôi nổi lưu hành trên thị trường và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Rất nhiều trường hợp diễn tiến nghiêm trọng sau khi sử dụng các loại thuốc này xảy ra ở nhiều bệnh viện và ngày càng xảy ra nhiều hơn.

“Kiểm soát dược hiện nay còn khá lỏng lẻo, nên thuốc đã bị thu hồi vẫn còn lưu hành ngoài thị trường, để bệnh nhân có thể mua và sử dụng như Tiểu đường hoàn hay lọ thuốc với nhãn mác toàn chữ Hoa. Về mặt quản lý dược, các cơ quan chức năng nên có biện pháp thu hồi, xử phạt nếu có kết quả kiểm nghiệm ra những chất cấm. Nhiều công ty, cơ sở sản xuất thuốc đông dược, có thể dễ dàng tìm mua các chất cấm như phenformin, tán ra và bỏ vào các viên thuốc tễ.” BS. Ngọc Ánh nói.

Theo các bác sĩ, biến chứng từ phenformin có tỷ lệ tử vong khá cao, mặc dù phát hiện và đưa vào viện sớm. Về phía người dân, khi tiếp cận thông tin phải chính thống có khoa học, đồng thời phải đi khám để được các bác sĩ hướng dẫn sử dụng thuốc cụ thể, tránh những biến cố có thể gây chết người. “Không phải bệnh nhân nào cũng giống như bệnh nhân nào”, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh lý kèm theo như suy thận, suy gan, trước mổ…, BS Ngọc Ánh nói.

“Các loại thuốc đông y này khá rẻ tiền, bệnh nhân sử dụng một thời gian ngắn thấy hiệu quả, nhưng sau đó sẽ có những biến chứng như đau bụng, đau cơ, yếu cơ, khó thở, tiêu chảy, hôn mê, thậm chí huyết áp tụt,” BS. Ngọc Ánh khuyến cáo.

Nguyệt Thư

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mat-mang-vi-tu-chua-dai-thao-duong-bang-tieu-duong-hoan-90628.html

In bài viết