“Giải cứu” nghề đánh bắt cá ngừ đại dương (bài 2)

13:00 | 26/08/2019

Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là 3 tỉnh có số lượng tàu đánh bắt cá ngừ đại dương lớn nhất nước ta. Ngư dân đã có nhiều chương trình hợp tác sản xuất với doanh nghiệp, kể cả ký hợp đồng xây dựng những biên đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển, làm ăn theo chuỗi.
giai cuu nghe danh bat ca ngu dai duong bai 2
Ông Lê Văn Quyền, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hải Luận

Bài 1: Tường trình giữa Biển Đông

Bài 2: “Chia tay” vì thiếu niềm tin

Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là 3 tỉnh có số lượng tàu đánh bắt cá ngừ đại dương lớn nhất nước ta. Ngư dân đã có nhiều chương trình hợp tác sản xuất với doanh nghiệp, kể cả ký hợp đồng xây dựng những biên đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển, làm ăn theo chuỗi. Nhưng hợp tác chưa được bao lâu, họ phải “chia tay” vì thiếu niềm tin lẫn nhau.

Trung tuần tháng 6-2019, Thuyền trưởng Trần Quốc Tuấn, ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, câu được con cá ngừ nặng 230kg, do nó quá to không thể dùng tời của tàu đưa cá lên cầu cảng được, phải thuê xe cẩu đến đưa lên cảng. Doanh nghiệp thu mua dùng cây thử kiểm tra chất lượng thịt sâu bên trong con cá, chất lượng thịt cá ngừ bị xuống quá thấp, buộc phải bán theo giá “cá chợ” 40.000 đồng/kg. Nếu thuyền trưởng bảo quản con cá tốt, sẽ bán với giá 120.000 đồng/kg, trị giá gần 30 triệu đồng. Bán giá “cá chợ” giảm xuống hơn 60%. Đây là câu chuyện cụ thể về thất thoát sau thu hoạch quá lớn, ngư dân phải gánh chịu hàng ngày.
Mọi liên kết bị đổ vỡ

Sản lượng khai thác trên biển bị sụt giảm, cộng với thất thu sau thu hoạch trung bình 40%, tất cả cộng dồn lại, trở thành “bài toán thua lỗ”, dẫn đến mọi khó khăn chồng lên ngư dân. Tình thế đó buộc tàu phải nằm bờ nhiều, thậm chí, ngư dân phải cắn răng bán đi “cơ nghiệp” của mình. “Tui đi câu bò gù (cá ngừ) từ khi 16 tuổi, lúc đó chỉ là người bạn đi làm thuê. Bây giờ, tui chủ tàu, thuyền trưởng và trực tiếp câu luôn. Trước đây, bán cá ngừ với giá 170.000 đồng/kg, mỗi chuyến biển đạt sản lượng 2 – 3 tấn. Bây giờ, đi chuyến biển kiếm được 1 tấn cá là mừng run rồi, chất lượng cá tuyệt đẹp, cũng chỉ bán nhích lên 115.000 đồng/kg. Trong khi giá dầu mỡ, vật tư... cứ tăng vùn vụt, giá cá lại giảm mạnh. Đó là chưa kể khan hiếm lao động nghề biển, chủ tàu bị lao động “giật” tiền lia lịa. Cầm cự chưa bán tàu là ngon rồi. Mà có bán tàu cũng chẳng có ai mua lúc biển đói” – Ông Trần Xôi, xã Phước Đồng, TP Nha Trang chia sẻ với tôi.

Vì sự sinh tồn và phát triển, ngư dân đã tự mày mò, áp dụng nhiều cách vào thực tiễn sản xuất. Câu chuyện ngư dân câu cá ngừ TP Nha Trang đã hợp tác với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Vương, tỉnh Thanh Hóa, tạo nên chuỗi liên kết và hình thành ngư đội Trường Sa. Ngư đội chia thành 4 tổ đội sản xuất, mỗi tổ có từ 4 – 6 tàu. Tàu ngư dân đi sản xuất ở biển khơi, “tàu mẹ” của Công ty Hải Vương đi ra thu mua cá tại chỗ. “Tàu mẹ” sắm cả hệ thống máy đông lạnh bảo quản cá chẳng thua gì tàu nước ngoài. Lúc đầu, “tàu con” và “tàu mẹ” hoạt động nhịp nhàng, sau thời gian ngắn, Công ty Hải Vương bán không được cá ngừ đông lạnh ở thị trường Hàn Quốc, ông chủ bị âm nợ. Thế là “tàu mẹ” và “tàu con” chia tay nhau, đường ai nấy đi. Ngư dân quay lại làm như cũ.

Mới đây, có một công ty Nhật Bản sang hợp tác khai thác, thu mua cá ngừ đại dương tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Các yêu cầu kỹ thuật và thiết bị khai thác cá của Nhật Bản rất hiện đại so với của ngư dân ta hiện đang sở hữu. Phía Nhật cũng đưa những quy định rất khắt khe, từ việc khai thác, bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển cá nguyên con sang Nhật Bản. Đây là mô hình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bình Định kỳ vọng rất lớn, sẽ có bước đột phá lớn cho nghề câu cá ngừ đại dương.

Vậy mà chủ tàu La Phải, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định cay đắng tổng kết: “Theo cách làm cũ, tàu đi biển chở đầy đá lạnh, dầu, lương thực... ở lại sản xuất từ 20 – 25 ngày, sản lượng đạt 2 – 4 tấn cá, mới quay tàu vào bờ. Làm với mấy ông Nhật Bản, mới bắt được 10 con cá ngừ, họ yêu cầu tàu phải chở cá vào bờ để còn tươi ngon, xuất nguyên con sang Nhật Bản luôn. Tàu cập cảng, mấy ông Nhật Bản xuống lật qua, lật lại kiểm tra chất lượng cá và chỉ chọn mua được vài con, với giá cao chút đỉnh, số cá còn lại bị đánh dạt ra, ngư dân phải bán theo giá chợ. Bấm tay “tính sổ”, mỗi chuyến tàu chạy vô, chạy ra bị lỗ gần 100 triệu đồng tiền dầu. Ba cha con tôi tham gia dự án bị lỗ gần 400 triệu đồng. Dân chúng tôi quyết định “nghỉ chơi” với mấy ông Nhật Bản, quay lại làm theo cách cũ còn kiếm tí thu nhập. Dự án này cũng bị đổ luôn”.

Kinh nghiệm bảo quản cá ngừ

Nguyên nhân khó khăn của nghề câu cá ngừ đại dương, cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương, ngư dân, doanh nghiệp đều biết. Vấn đề cốt lõi vẫn chưa có ai đứng ra “cầm trịch” thực sự để xâu chuỗi từ ngư dân – vựa thu mua – doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục tổ chức hội nghị, hội thảo về chất lượng con cá ngừ. Nhưng hội nghị xong thì lại đường ai nấy đi, ngư dân cứ làm theo ý mình, doanh nghiệp cứ thu mua theo lợi nhuận.

Trường hợp ông Lê Văn Quyền, TP Nha Trang, có nhiều kinh nghiệm bảo quản thủy sản trên biển, khi chuyển sang làm nghề câu cá ngừ đại dương, ông áp dụng rất tuyệt vời. “Con cá ngừ có máu nóng, khi đưa nó lên boong tàu, phải đưa ngay vào thùng nước đá lạnh dưới 5 độ C, ngâm càng lâu càng tốt, khi nào con cá “ăn đá” cứng hết cả thân hình nó, mới đưa ra mổ bụng trục bộ lòng ra ngoài, rửa sạch máu, ngâm lại đá lạnh, rồi “mang áo” (quấn vải) cho cá, đưa xuống hầm bảo quản. 30 phút sau, phải xuống hầm kiểm tra và đổ chèn đá lạnh vào hai bên thân cá. Cách tôi bảo quản cá ngừ ngoài biển đến khi tàu cập cảng, đưa lên khỏi tàu, nó còn công vòng và tươi xanh. Nếu như những con cá bắt được dưới 10 ngày bảo quản, khi vào bờ cắt ra thấy thịt đỏ tươi giống như miếng thịt bò”.

giai cuu nghe danh bat ca ngu dai duong bai 2
Con cá ngừ này có trọng lượng 230kg, do bảo quản không tốt, giá bán tại cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang chỉ 40.000 đồng/kg (cá đạt yêu cầu có giá 120.000 đồng/kg), thiệt hại hơn 60% sau thu hoạch. Ảnh: Hải Luận
- Chất lượng cá ngừ của anh tốt như vậy, lúc bán cao hơn cá bình thường bao nhiêu? - Tôi hỏi thẳng vấn đề cốt lõi.


- Dù là cá tốt hay cá xấu thì doanh nghiệp thu mua tại cảng vẫn theo “giá xô”, cào bằng nhau. Nhiều chiếc tàu nhỏ chỉ chở được 350 cây đá lạnh, tàu của tôi to chở 1.000 cây đá, tốn nhiều dầu hơn, tốn nhiều công, mà giá bán lại giống nhau. Chính bất hợp lý này khiến ngư dân đâu có mặn mà đầu tư nhiều công sức làm gì cho mệt. Cứ “làm tắt” để giảm bớt chi phí sản xuất.

- Kiểu bảo quản cá tốt như anh tồn tại bao lâu?

- Vì danh dự chủ tàu và thuyền trưởng, vì chất lượng con cá ngừ, chuyến đi biển nào tôi cũng làm tốt công việc bảo quản cá. Một thực trạng hiện nay, nhiều chủ tàu không đi biển, họ chỉ thuê tài công (thuyền trưởng), lao động nghề khác xuống tàu đi câu cá ngừ, họ thiếu trách nhiệm và thiếu kinh nghiệm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng cá ngừ bị suy giảm. Ranh giới cá tốt và cá xấu rất mong manh, phần do thuyền trưởng gây ra, phần do doanh nghiệp áp đặt lên chất lượng.

- Doanh nghiệp không đi ra biển khơi, sao anh kéo họ vào chuyện chất lượng con cá ngừ?

- Doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương tại cảng, họ muốn “đánh” rớt chất lượng xuống kiểu nào cũng được, rồi tự họ đưa ra giá mua luôn, ngư dân không cãi lại họ được. Thay vì con cá này xếp vào loại ngon, mua cao hơn 2.000 – 5.000 đồng/kg, họ cho xuống loại cá xấu, bị mất mấy giá. Khi cá đưa lên xe, doanh nghiệp cột cái sợi dây màu đỏ, màu xanh phía đuôi con cá, làm dấu các loại cá, khi vào nhà máy dễ tính tiền với doanh nghiệp.

Bài 3: “Mua lựa” - phương án tối ưu

giai cuu nghe danh bat ca ngu dai duong bai 2 “Giải cứu” nghề đánh bắt cá ngừ đại dương

Trên mỗi con tàu ra khơi, họ mang theo bao hy vọng và niềm tin. Vì mưu sinh, ngư dân phải “treo đầu ngọn sóng”. ...

giai cuu nghe danh bat ca ngu dai duong bai 2 Đáng ngại: Săn bắt vô tội vạ, "sâm đại dương" ngày càng khan hiếm

Bởi giá trị hải sâm mang lại kinh tế cao, dẫn đến sự khai thác quá mức. Đặc biệt thời gian gần đây, ghe tàu ...

giai cuu nghe danh bat ca ngu dai duong bai 2 Săn lộc biển với ngư cụ tự chế, ngư dân bỏ túi tiền triệu mỗi ngày

Chỉ với những dụng cụ đơn giản tự chế, bà con ngư dân ở Nghệ An có thể đánh bắt hàng tấn ruốc biển, thu ...

giai cuu nghe danh bat ca ngu dai duong bai 2 Ngư dân Lý Sơn trúng đậm mẻ cá hơn nửa tỷ đồng ở Hoàng Sa

Sau 15 ngày ra khơi, thuyền trưởng Nguyễn Lộc cùng nhóm ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) trở về với mẻ lưới cá bè và ...

Hải Luận/ Báo Biên phòng

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/giai-cuu-nghe-danh-bat-ca-ngu-dai-duong-bai-2-86030.html

In bài viết