Cách phòng tránh và điều trị hiệu quả bệnh tay chân miệng ở trẻ

19:00 | 10/08/2019

Bệnh Tay Chân Miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch lớn, đặc biêt vào lúc thời tiết chuyển mùa. Bệnh tay chân miệng đã và đang là nỗi lo của rất nhiều bậc cha mẹ, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh và rộng. Vì vậy, nếu trẻ được phát hiện sớm thì cần được chữa trị kịp thời.
Bệnh tiểu đường và cách điều trị hiệu quả Những cách chữa hôi miệng tại nhà hiệu quả Điều trị đau dạ dày bằng bài thuốc dân gian và thuốc Tây
cach phong tranh va dieu tri hieu qua benh tay chan mieng o tre
Cách phòng tránh và điều trị hiệu quả bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng đường ruột Enterovirus và Coxcakieruses gây nên. Đặc biệt là Enterovirus 71 thường gây bệnh nặng. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá, từ người này sang người khác qua các yếu tố sinh hoạt tập thể như ở trường học khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao như ăn chung, uống chung…, đặc biệt là trong các đợt bùng phát bệnh.

Virus gây bệnh tay chân miệng đa phần là lành tính nhưng nó cũng có thể gây biến chứng nặng, nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và sẽ dẫn đến tử vong nếu như không được điều trị sớm.

Khi trẻ nhiễm tay chân miệng, không nên bôi các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc lên các mụn nước hay vết lở loét của trẻ. Bởi có thể trẻ không những bị dị ứng, ngộ độc thuốc khiến bệnh nặng thêm khiến công tác chẩn đoán bệnh trạng của bệnh nhân trở nên khó khăn hơn, dễ trở thành dịch...

Bệnh tay chân miệng ở trẻ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy những tổn thương ở miệng gây đau khiến trẻ bỏ ăn, quấy khóc. Lúc đó, cha mẹ có thể dùng thuốc bôi để giảm đau và liền các tổn thương cho trẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc nào cần tham vấn ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.

Cách phòng tránh bệnh tay, chân, miệng

Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng lây lan qua đường tiêu hóa, từ người sang người nên gia đình cần phải cẩn thận giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân đến vệ sinh nhà ở.

Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, cả cha mẹ và trẻ phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày.

Cha mẹ hay người chăm trẻ cũng cần phải rửa sạch bằng xà phòng, nhất là thời điểm trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, tã…

Không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi.

Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ được chia làm 2 thể là thể nhẹ và thể rất nặng. Với thể nhẹ, cha mẹ có thể chăm sóc con tại nhà.

Trẻ bị tay chân miệng có thể chăm sóc ở nhà khi có tổn thương ở da đi kèm sốt nhẹ hoặc không kèm sốt.

Những tổn thương ở da mà trẻ gặp phải như: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Về dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.

Thuốc men: Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ kê. Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứa thành phần Aspirin. Ngoài ra, cũng nên sử dụng nước muối 0.9% để sát trùng niêm mạc cho trẻ. Bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được.

Cách ly và thực hiện vệ sinh thân thể: Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh, sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Theo dõi sát tình trạng bệnh: Tốt nhất trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn thì hằng ngày nên tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. Chú ý, bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu nhưng virut có thể còn tồn trong phân vài tháng sau.

Việc chăm sóc trẻ tại nhà có ưu điểm là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường sạch sẽ và giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Khi nào cần cho trẻ nhập viện?

Khi thấy trẻ sốt cao 39oC trở lên hoặc sốt cao kéo dài từ 48 giờ trở đi; quấy khóc, bứt rứt, ói nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, đi loạng choạng, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ thân người; thở khó/ thở nhanh, da nổi vằn... thì cần cho trẻ nhập viện ngay để được bác sĩ thăm khám và điều trị.

Với trẻ lớn hơn cần kiêng các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc. Thay vào đó, nên cho trẻ ăn các thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như cháo loãng, sữa, sữa hạt, chè đỗ…Nếu bé từ chối ăn mẹ không nên cưỡng ép mà hãy cho bé uống sữa hoặc ăn sữa chua để thay thế. Hoa quả trái cây giàu vitamin, khoáng chất cũng là thực phẩm cần thiết cho trẻ trong khi điều trị bệnh tay chân miệng.

Các phương pháp điều trị

Độ 1: Điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở.

Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.

Hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ hoặc lau mát.

Vệ sinh răng miệng.

Nghỉ ngơi, tránh kích thích.

Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 5-10 ngày đầu của bệnh

Những dấu hiệu nặng cần tái khám ngay:

Sốt cao ≥ 39oC.

Thở nhanh, khó thở.

Rung giật cơ, chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ.

Co giật, hôn mê.

Yếu liệt chi.

Da nổi vân tím.

Độ 2: Điều trị nội trú tại bệnh viện

Điều trị như độ 1.

Nằm đầu cao 30°, cổ thẳng.

Thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút khi có thở nhanh.

Chống co giật: Phenobarbital 10 mg/kg/lần tiêm bắp hay truyền tĩnh mạch. Lặp lại sau 6-8 giờ khi cần.

Immunoglobulin.

Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác, ran phổi, mạch mỗi 4- 6 giờ.

- Đo độ bão hòa oxy SpO2và theo dõi mạch liên tục.

Độ 3: Điều trị nội trú tại bệnh viện

Thở oxy qua mũi 3-6 lít/phút. Đặt nội khí quản giúp thở sớm khi thất bại với thở oxy.

Chống phù não (xem điều trị biến chứng).

Chống co giật: Phenobarbital 10-20mg/kg pha trong Glucose 5% truyền tĩnh mạch trong 30- 60 phút. Lặp lại 8-12 giờ nếu cần.

Hạ đường huyết: Glucose 30% 2 ml/kg/lần, lặp lại khi cần.

Điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, toan kiềm.

Dobutamin được chỉ định khi suy tim mạch > 170 lần/phút, liều khởi đầu 5µg/kg/phút truyền tĩnh mạch, tăng dần 1-2,5µg/kg/phút mỗi 15 phút cho đến khi có cải thiện lâm sàng; liều tối đa 10µg/kg/phút.

Immunoglobulin (nếu có).

Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác, ran phổi, SpO2, mỗi 1- 2 giờ.

Độ 4: Điều trị nội trú tại bệnh viện

Xử trí tương tự độ 3.

Điều trị biến chứng.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của Bác sĩ.

Tin nên đọc:

cach phong tranh va dieu tri hieu qua benh tay chan mieng o tre Bệnh tiểu đường và cách điều trị hiệu quả

Hiện nay tiểu đường được xem là căn bệnh ngày càng phổ biến và đặc biệt rất nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện ...

cach phong tranh va dieu tri hieu qua benh tay chan mieng o tre Những cách chữa hôi miệng tại nhà hiệu quả

Hôi miệng là hiện tượng hơi thở có mùi hôi, gây khó chịu cho người đối diện, ảnh hưởng rất nhiều đến giao tiếp hàng ...

cach phong tranh va dieu tri hieu qua benh tay chan mieng o tre Điều trị đau dạ dày bằng bài thuốc dân gian và thuốc Tây

Đau dạ dày là tình trạng tổn thương niêm mạc do vết viêm loét gây nên với những triệu chứng rõ ràng như ợ hơi, ợ ...

cach phong tranh va dieu tri hieu qua benh tay chan mieng o tre Bệnh còi xương ở trẻ em, những điều nên biết

Những năm gần đây bệnh còi xương ở trẻ em có xu hướng gia tăng. Theo thống kê, cứ 3 trẻ lại có 1 trẻ ...

Minh Anh (Tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cach-phong-tranh-va-dieu-tri-hieu-qua-benh-tay-chan-mieng-o-tre-84512.html

In bài viết