Đà Nẵng

Nhếch nhác dịch vụ du lịch tự phát ở làng biển Nam Ô

08:09 | 07/07/2019

Từng là một trong những làng biển đẹp nhất miền Trung, nhưng tiếc thay, cơn lốc du lịch đã cuốn làng biển này đi như cái cách mà các làng biển khác đã phải trải qua.

Cao Bằng: Tình trạng công dân vượt biên qua biên giới lao động "chui" tăng theo từng năm Xuôi ngược biển khơi Ly kỳ chuyện đi săn loài cá cuộng trơn nhớt ở biển Minh Châu
khac khoai nam o
Rạn đá và Rú Cấm Nam Ô

Làng Nam Ô (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), nơi đây được mệnh danh vùng đất “huyền sử” với nhiều di tích và những câu chuyện huyền bí của lịch sử dân tộc Việt Nam, được người dân trong làng kể lại qua nhiều thế hệ.

Sau khi chính quyền TP Đà Nẵng "lấy lại" Nam Ô cho địa phương từ một tập đoàn địa ốc và du lịch, những tưởng Nam Ô sẽ được trở về nguyên trạng là một làng biển thuần ngư, nơi những người đàn bà đàn ông tay chèo tay lưới ra biển mỗi đêm và trở về mỗi sáng. Nơi những đứa trẻ dẫm chân lên bờ cát, hay cúi mình trước miếu thờ linh thiêng vài trăm năm tuổi để nghe người già kể về huyền tích của làng. Nam Ô bây giờ nhếch nhác, bát nháo đến thảm thương.

khac khoai nam o
Bao lâu rồi hình ảnh người vợ chờ chồng sau chuyến biển trở về ít thấy ở Nam Ô.

Tôi đi khắp làng Nam Ô, vào Rú Cấm, nơi được cho là linh thiêng nhất làng biển này. Bởi theo người làng Nam Ô, sở dĩ gọi là “rú cấm” bởi theo phong tục thì người dân bị cấm chặt cây, dẫu là một cành củi nhỏ trong khu rừng này. Không ai biết quy định này có từ khi nào, nhiều đời nay quy định đó được tuân thủ nghiêm ngặt, đến tận bây giờ vẫn vậy. Chỉ duy nhất một việc được sử dụng gỗ trong khu rừng này, dùng gỗ vào việc cải tạo, xây dựng đình miếu trong làng.

khac khoai nam o
Rạn đá rêu xanh nổi tiếng ở Nam Ô

Có nhiều chuyện kể về các vị lão làng đã đột tử, sau khi cho phép chặt cây trong rú cấm. Từng có những nhóm người vào rừng chặt cây, thế rồi, không lâu sau đó đều gặp nạn. Chính vì thế đến nay khu rừng này vẫn còn giữ được những cây lớn, một điều hiếm thấy ở những khu rừng sát khu dân cư ngay giữa lòng phố biển như ở đây.

khac khoai nam o
Bãi biển Nam Ô bây giờ chỉ còn vài chiếc thuyền thúng

Nam Ô có vẻ đẹp tiềm tàng, Nam Ô có lịch sử vài trăm năm từ những ngày cha ông đi mở cõi. Nam Ô có những nghề truyền thống đi biển, làm nước mắm trứ danh xuôi ngược. Nam Ô có vịnh biển và món mứt rong biển giá trị cao chuyên dùng để xuất khẩu. Nam Ô có rạn đá rêu xanh hút hồn người. Nhưng Nam Ô bây giờ có gì, ngoài những nuối tiếc và cả sự xót xa?

Thời gian qua, bãi đá rêu xanh ở gềnh Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng thu hút hàng trăm lượt khách thập phương đến tham quan chụp ảnh. Từ đây nảy sinh việc người dân dựng lều, căng bạt làm hàng quán, bán nước giải khát, đồ ăn, quán nhậu tự phát gây nên cảnh nhếch nhác, không ai quản lý. Bên cạnh đó, việc kinh doanh tự phát khiến cho bãi biển tại đây hứng nhiều rác thải, ô nhiễm nặng nề.

Vì tranh giành khách, người ta đánh nhau, người ta đốt lều bạt của nhau, người ta thù hằn nhau. Nam Ô bao đời rồi đâu có cảnh đó xảy ra. Đây vốn vẫn là ngôi làng thuần ngư, người với người chen nhau che chở lúc giông bão nổi về miền cát. Vậy mà bây giờ, cơn sốt du lịch với đồng tiền đã cuốn đi biết bao nhiêu giá trị tốt đẹp của đất và người chốn này.

khac khoai nam o
Chính quyền cấm dựng lều bạt, chủ kinh doanh tự phát lại trải bạt, chiếu để chiếm chỗ buôn bán

Trước những sự việc gây bức xúc dư luận và đời sống người dân bị ảnh hưởng, chính quyền địa phương đã bày tỏ sự quan tâm, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chấn chỉnh tình hình buôn bán tự phát tại bãi rạn Nam Ô, và đã lấy lại cảnh quan thiên nhiên cho rạn đá đẹp mê hồn người.

Mọi việc chỉ lắng được ít thời gian, rồi đâu lại hoàn đấy. Chính quyền cấm các chủ kinh doanh không được dựng lều bạt, thì chủ kinh doanh lại trải bạt, chiếu để giành chỗ. Chuyện giành khách bây giờ với trước vẫn không khác gì xưa, lúc chưa được cơ quan chức năng quan tâm đến. Rác thải vẫn tràn lan, thức ăn đồ uống vẫn bừa bãi như cũ. Cây lâu năm trên ghềnh cũng bị chặt phá. Người vẫn đông, khách vẫn nhiều, và nỗi buồn cứ đầy lên.

khac khoai nam o
Trong làng, những con đường nước chảy quanh năm vì không có hệ thống thoát nước gây nên tình trạng ô nhiễm

Tôi đi dọc trong làng, mùi nước mắm truyền thống đã vãn vì chẳng còn mấy hộ dân làm. Nghề đi biển cũng ngớt, chỉ lác đác vài chiếc thuyền thúng dập dềnh buồn ở mép nước. Một ông lão ngồi buồn dùng chiếc bay xúc lên mớ chất thải theo nước đọng bao ngày bốc mùi hôi thối. Làng biển xưa giờ ám màu phố thị với nước thải đen ngòm chảy khắp đường, rác rưởi, hàng quán bát nháo khiến vẻ yên bình của ngày trước chỉ còn trong mơ.

khac khoai nam o
Người đàn ông này cả đời gắn với làng biển, ông ra dọn những rác rưởi, rêu mốc trên mặt đường để người đi lại không bị té ngã

Ông lão trù trì bảo: "Nước thải đọng vì không có hệ thống thoát nước, chảy trên mặt đường rồi rêu mốc mọc lên gây trơn trượt liên tục sảy ra tai nạn. Đặt biệt vào tiết trời mưa gần đây nước đọng nhiều sinh muỗi rất dễ bị dịch sốt huyết. Điểm quan trọng nhất hiện nay tại bãi rạng Nam Ô, không có một cơ quan đơn vị tập thể nào quản lý vệ sinh. Ô nhiễm môi trường và nước thải trực tiếp trên đường dân sinh trong cuộc sống hằng ngày".

khac khoai nam o
Bãi đá, bờ cát bây giờ đầy rác

Ông Trương Văn Đô – Bí thư Chi bộ Nam Ô thừa nhận khu vực ghềnh đá Nam Ô hiện nay có tình trạng hàng quán kinh doanh nhiều dẫn đến nhếch nhác, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó việc buôn bán, kinh doanh không có cơ quan, đơn vị nào quản lý chặt chẽ dẫn tới tình trạng tự phát như hiện nay.

Nam Ô, làng biển đã mất rồi. Bây giờ, cuộc sống cần đổi khác, rất cần sự quan tâm của ban lãnh đạo thành phố đến người dân nơi đây một cách thiết thực hơn, trước mắt là vấn đề quản lý tình trạng buôn bán kinh doanh, vấn đề môi trường và xa hơn nữa là những sinh kế của người dân.

Với những người từng đến, trót yêu thì Nam Ô bây giờ vẫn còn đầy khắc khoải.

Minh Ngọc

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhech-nhac-dich-vu-du-lich-tu-phat-o-lang-bien-nam-o-81749.html

In bài viết