“Biển đói” do ai?

12:09 | 23/06/2019

“Biển đói” là một cụm từ cửa miệng của ngư dân. Nguồn lợi thủy sản không phải vô tận, mấy chục năm qua, tình trạng khai thác theo kiểu “tận thu - tận diệt” không có kiểm soát hữu hiệu, là một trong những nguyên nhân làm cho “biển đói”. Đã đến lúc phải “quy” trách nhiệm người đứng đầu hành chính địa phương.
Đáng ngại: Săn bắt vô tội vạ, "sâm đại dương" ngày càng khan hiếm Nỗi nhọc nhằn, gian truân của những con người “bám biển” “Hãy cứu biển”: Những bức ảnh toàn rác ở biển Việt Nam khiến người xem sững sờ

Bài 1: Tàu cá thua lỗ toàn tập

Gặp lại ông chủ, thuyền trưởng L.V.Q, ở phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tôi hỏi tình hình khai thác đầu vụ đã lãi được mấy trăm triệu rồi. Ông Q nói trong sự buồn bã: Có đâu mà triệu, mà trăm. Hiện giờ, tàu mành chụp đi ra khơi chụp “toàn nước không” à. Từ Tết Nguyên đán đến giờ, đi mấy chuyến toàn lỗ nặng. Tôi đã ôm nợ hơn 1,5 tỉ đồng rồi, bây giờ “bấm lỗ” thêm một phát lỗ nữa, coi như bán nhà trả nợ cũng không đủ.

bien doi do ai
Ông Mai Thành Phúc - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng (Ảnh: Hải Luận).

Những “con tàu nợ”

Ông Q, từ một người đi làm thuê cho người ta trên biển, tích góp tiền, ra cả nước ngoài học cách làm tàu mành chụp, về đóng cho mình chiếc tàu dạng lớn đầu tiên ở vùng biển Nam Trung Bộ. Chịu khó “cày” ở biển khơi, ông đã sắm 4 chiếc tàu mành chụp dạng “thiện chiến”. Vậy mà hôm nay, ông có ý định “gác kiếm” để chuyển sang nghề khác trên bờ.

“Thời điểm sung sức nhất là tung hoành biển cả. Bây giờ tuổi xế chiều, lại gặp bài ca thua lỗ triền miên. Nói thiệt lòng, tôi đã đi đầu tư làm chuyện khác rồi, phòng thủ kiếm chút “lương hưu” khi về già có cái ăn. Bám sóng gió hoài, có ngày biển cũng “bạc” với mình. Đứa con trai tôi năm nay 21 tuổi, tôi cho nó đi làm chuyện khác trên bờ, không theo nghề biển nữa. Mấy chiếc tàu đó, nếu có ai mua rẻ chút đỉnh, tôi cũng bán hết luôn” – Ông Q buộc phải nói những lời xót xa.

Người anh của ông Q có 8 chiếc tàu mành chụp, vì khó khăn trong khai thác, ông đã bán đi 2 miếng đất để “đập” vô tiền lỗ của tàu. Ông Q đắn đo: “Ông anh hai tôi đã mua đám đất ngoài Ninh Hòa để tính làm nông nghiệp. Dân biển mà đi làm nông, không biết có nuôi ra được con gì hay có trồng được cây trái nào không biết. Bí quá rồi mới tính đường lui”.

Ông Cao Văn Thơ, TP Nha Trang, từ một chủ tàu, thuyền trưởng tàu câu cá ngừ đại dương, chuyển nghề sang đóng tàu mành chụp, dài 33m, được xếp vào hạng tàu lớn và hiện đại của Việt Nam, tổng giá trị đầu tư 23 tỉ đồng. Xong tàu rồi, ông Thơ phải neo tàu tại bờ mấy tháng, đi làm công cho tàu người khác mấy chuyến để lấy kinh nghiệm nghề mới. Ra khơi chuyến biển đầu tiên trên con tàu 23 tỉ đầy hứng khởi, sản lượng khai thác đạt 30 tấn, về bờ bán lỗ 140 triệu đồng.

“Giá thủy sản của tàu mành chụp giảm xuống cay nghiệt quá, mực xà loại nhỏ từ 25.000 đồng/kg, xuống còn 10.000 đồng/kg. Tháng này, tất cả các tàu mành chụp khu vực Nha Trang đều nằm bờ hết, chỉ có tàu tôi và tàu anh Lê Tuấn Hiệp bạo gan lấy tổn (dầu, nước đá...) xuất bến vào ngày mai. Hy vọng trời thương người cần cù. Nếu mà bị âm nợ như chuyến trước, sẽ thành “con tàu nợ” - Thuyền trưởng Thơ đầy mạnh mẽ, nhưng khi nhắc đến nợ đều phải chùng xuống. Riêng nghề mành chụp, chủ tàu trả lương tháng cho lao động trên tàu, mỗi chuyến biển trên dưới 20 ngày, tiền công từ 7-10 triệu đồng/người. Tổng số lao động trên mỗi tàu từ 14-17 người.

Loại tàu mành chụp được kết cấu vỏ to, máy lớn, điện sáng, tầm hoạt động biển khơi xa, có mức nước trên 1.000m, đang lao đao khủng khiếp. Tôi quay sang tìm hiểu nghề giã cào đôi, cũng chẳng mấy sáng sủa gì. Loại nghề này mỗi lần hoạt động, cần có 2 chiếc tàu lớn chạy song song, kéo giàn lưới giã cào to và dài suốt cả đêm, nên tiêu tốn rất nhiều dầu.

Ông Nguyễn Văn Hùng, ở phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, bấm bụng nói: “Giá dầu cứ tăng vun vút, biển thì đói, có chuyến đi ngang vốn, có chuyến lời chút xíu, nhiều chuyến lỗ nặng. Cộng gộp lại vẫn bị âm nợ, chủ tàu vẫn phải cố chạy biển “nhắp nhắp” để giữ chân lao động. Đi cả chuyến biển dài ngày, âm nợ, chủ tàu cũng ráng xoay xở đưa anh em lao động 1-2 triệu đồng mang về cho vợ con chạy gạo. Có khi bi đát quá, chỉ đưa anh em 500.000 đồng “cầm hơi” thôi. Cố chịu đựng tới mùa Đông xem có gì khá hơn không”.

Đường cùng, dân anh chị cũng thuê

Nghề câu cá ngừ đại dương được mệnh danh “anh hai” biển khơi, cũng chẳng có mấy lạc quan. Từ khi hình thành nghề này ở các tỉnh Nam Trung Bộ, đã có mấy lần thay đổi về chiến thuật khai thác. Mới ra đời, bà con sử dụng giàn câu dài 10-20km, làm được vài năm, cái thua lỗ vẫn hiện hữu trên từng chủ tàu đánh cá. Trong quá trình hoạt động thực tiễn trên biển, ngư dân đã “cải tiến”, dùng ánh sáng điện dẫn dụ cá về và chỉ ngồi trên tàu câu cần. Kiểu này mới lúc đầu, chủ tàu cũng kiếm kha khá, sau đó lại gặp khó khăn.

“Bây giờ 100 tàu đi câu bò gù (cá ngừ) chỉ có vài tàu thật may mắn mới đủ tổn và có lãi tí xíu. Còn phần đa bị lỗ toàn tập, nếu câu được 1 tấn cá với số lượng khoảng 22 con, trị giá 115 triệu đồng, trong khi chi phí chuyến biển cỡ chừng 150 triệu rồi” - Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng, TP Nha Trang, chủ chiếc tàu câu cá ngừ đại dương, tính toán chi li.

bien doi do ai
Từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch là mùa vụ khai thác hải sản, nhưng tàu đánh cá TP Nha Trang phải nằm bờ kín cả cửa sông do bị thua lỗ quá nhiều (Ảnh: Hải Luận).

- Tại sao ngư dân kêu tàu cá đi biển bị thua lỗ thường xuyên, mà vẫn cứ ra khơi?-Tôi hỏi thẳng thắn.

- Vì được Nhà nước hỗ cho ngư dân tiền dầu, một năm được mấy chuyến biển. Nhờ có “cửa” này, bà con mới cố bám biển, nếu không có tiền hỗ trợ dầu, họ cũng bỏ biển hết.

- Điều ngư dân lo lắng nhất là gì?

- Lao động phục vụ nghề cá, đây là điều chủ tàu đau đầu nhất. Đứa nào kha khá nó nhảy lên bờ tìm kiếm việc khác làm, mỗi tháng kiếm 5 – 10 triệu đồng. Số người chẳng biết làm gì mới bước xuống tàu đi biển, số lượng tàu cá thì nhiều, làm thua lỗ triền miên, lao động cũng “nhảy” đi như cóc. Chủ tàu bị mất nhiều tiền cho lao động ứng trước, rồi họ bỏ đi chỗ khác. Tuần vừa rồi, tôi gửi ra ngoài Phú Yên 20 triệu đồng cho mấy người ứng trước, họ hẹn qua rằm sẽ vô đi biển, không biết kết quả như thế nào. Nhiều lần tàu đã bơm xong dầu, đá lạnh đưa hết xuống tàu, đến ngày tàu ra khơi không đủ lao động sản xuất. “Đường cùng” rồi, mấy ông dân anh chị cũng nhét xuống đi cho đủ tay, đủ chân. Nếu không đủ người, tàu phải neo bờ, cũng chết.

Chủ tàu đánh cá vớ phải mấy ông ngang tàng là cơn ác mộng, ra biển vui thì vẫn làm được việc. Hết hứng thú, họ yêu cầu thuyền trưởng phải quay tàu về bờ, không đáp ứng yêu cầu, họ tìm mọi cách phá máy móc.

Xem thêm

bien doi do ai Sự đớn đau của rùa biển và lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng đề nghị từng cơ quan, đơn vị có chương trình, kế hoạch thực hiện ngay các hoạt động cụ thể chống rác thải ...

bien doi do ai Đón bình minh cùng ngư dân trên Đầm Chuồn ở Huế

Khi mặt trời ửng hồng cũng là lúc nhịp sống Đầm Chuồn trở nên sinh động với tiếng khua mái chèo đập nước chở cá ...

bien doi do ai Lợi nhuận nhiều từ nghề nuôi yến kèm theo những phiền toái

Nghề nuôi yến mang đến nhiều lợi nhuận cho những người dân của các vùng biển Việt Nam nhưng cũng đem lại không ít phiền ...

Báo Biên Phòng

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bien-doi-do-ai-80637.html

In bài viết