Bác sĩ ung bướu chỉ ra sai lầm phổ biến khi tầm soát ung thư

00:00 | 06/06/2019

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức đã chỉ ra những sai lầm của người dân khi tầm soát ung thư tại các bệnh viện, cơ sở có kinh doanh dịch vụ tầm soát ung thư.    
Phẫu thuật thành công cho bà cụ 92 tuổi mắc ung thư vú Diễn biến mới nhất sức khỏe bà mẹ ung thư giai đoạn cuối vẫn quyết sinh con Người đàn ông 7 năm không ra khỏi Hà Nội vì muốn làm điều này cho người vợ bị ung thư Đã có thuốc điều trị ung thư dạ dày di căn

Tầm soát ung thư là phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm, không có bất cứ biểu hiện nào của bệnh. Trong bối cảnh hiện nay, khi căn bệnh ung thư trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người thì nhu cầu tầm soát ung thư của người dân ngày càng lớn.

Bởi nếu phát hiện ung thư giai đoạn sớm hầu hết sẽ được chữa khỏi bằng phương pháp đơn giản, ít tốn kém, với rất ít tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ.

Tuy nhiên, chính vì nhu cầu đó mà dịch vụ tầm soát ung thư mọc lên như nấm sau mưa ở các phòng khám, bệnh viện rất khó kiểm soát chất lượng dịch vụ và dịch vụ tầm soát đó có phù hợp với từng người bệnh hay không. Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP HCM) đã chỉ ra những sai lầm phổ biến của người dân khi tầm soát ung thư.

bac si ung buou chi ra sai lam pho bien khi tam soat ung thu
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP HCM) đang thăm khám cho bệnh nhân.

- Bác sĩ đánh giá như thế nào về dịch vụ tầm soát ung thư hiện nay tại các phòng khám và bệnh viện?

Không khó nhận thấy hiện nay có rất nhiều gói tầm soát ung thư được quảng cáo khắp nơi. Tuy nhiên hầu hết đều mang tính kinh doanh là chính, thiếu khoa học và không giúp ích cho người được tầm soát.

Chẳng hạn việc xét nghiệm tràn lan các chất chỉ điểm khối u trong máu như CEA, CA 125 hoặc CA 153… đều không có cơ sở khoa học do các chất này có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau, lành tính cũng như ác tính.

Hoặc nhiều người thật sự bị khối u nhưng xét nghiệm vẫn bình thường do đó kết quả xét nghiệm có thể gây hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người được xét nghiệm.

Việc lạm dụng các phương tiện hình ảnh như chụp cắt lớp toàn thân nhằm tầm soát ung thư cũng không mang lại hiệu quả tốt và chưa được tổ chức nào khuyên dùng.

- Người dân không chỉ lạc lối trong “ma trận” các dịch vụ tầm soát ung thư mà còn hoang mang khi mỗi nơi một giá, có trường hợp chênh lệch rất nhiều. Vậy liệu có phải giá càng cao thì chất lượng dịch vụ càng hiệu quả không, thưa bác sĩ?

Điều này không đúng, muốn hiệu quả thì phải tầm soát đúng. Ung thư hiện nay là một đại dịch, tuy nhiên mỗi nước lại có đặc điểm riêng. Chẳng hạn ung thư tiền liệt tuyến là ung thư hàng đầu tại Mỹ và châu Âu nhưng ít gặp ở Việt Nam, do đó áp dụng nguyên chương trình tầm soát từ nước ngoài vào Việt Nam có thể không mang lại hiệu quả.

Một ví dụ khác là tầm soát sai hướng, điển hình là siêu âm bướu cổ (tuyến giáp) nhằm tầm soát ung thư tuyến giáp. Ung thư giáp có diễn tiến rất chậm và rất nhiều người bị khối u nhưng không cần điều trị và vẫn chung sống hòa bình với nó trong nhiều năm.

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, sau thời gian đầu đẩy mạnh siêu âm bướu cổ họ phát hiện rất nhiều trường hợp ung thư giáp nhưng sau 15 năm theo dõi họ nhận thấy không hề cải thiện về tiên lượng của bệnh lý này. Điều đó có nghĩa là rất nhiều bệnh nhân đã bị chẩn đoán và điều trị không cần thiết. Điều này gây tốn kém và biến chứng đáng tiếc cho bệnh nhân mà không mang đến lợi ích nào khác.

Hiện nay, không có bất kỳ một cơ quan, hiệp hội y khoa nào khuyên nên tầm soát ung thư giáp bằng siêu âm. Nạn “dịch bướu cổ” hiện nay hoàn toàn là do nhân viên y tế gây ra và không giúp ích gì cho người dân ngoài biến chứng, tốn kém và lo lắng.

- Tầm soát ung thư như thế nào là hiệu quả, thưa bác sĩ?

Tầm soát ung thư không chỉ là xét nghiệm. Tầm soát ung thư có thể bao gồm: phết tế bào, siêu âm, chụp xq tuyến vú, nội soi ruột già… Những loại ung thư có thể tầm soát hiện nay như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư ruột già, phổi…

Tuy nhiên để tiến hành tầm soát ung thư trên diện rộng thì phải tùy vào đặc điểm bệnh tật và phương tiện, cơ sở hạ tầng của mỗi nước, điều này phải nhờ đến Bộ y tế hoặc các tổ chức lớn có kế hoạch trang bị đồng bộ, theo dõi, đánh giá sau tầm soát. Theo tôi hiện nay phết tế bào cổ tử cung nhằm tầm soát ung thư cổ tử cung vẫn là phương pháp dễ thực hiện và hiệu quả nhất.

Chẳng hạn muốn tầm soát ung thư vú đúng chuẩn thì phải có siêu âm vú và máy X-quang tuyến vú, không thể thiếu đội ngũ kĩ thuật viên, bác sĩ chuyên khoa hình ảnh. Thêm nữa là bác sĩ chuyên khoa ung bướu, giải phẫu bệnh để khi phát hiện bất thường khi tầm soát sẽ tiếp tục xử trí và theo dõi cho bệnh nhân. Việc có đầy đủ ê kíp và phương tiện như vậy không phải địa phương nào cũng làm được.

Điều quan trọng nhất đối với tầm soát là xử trí và theo dõi sau đó. Không nên nhìn tầm soát chỉ là thỉnh thoảng đi xét nghiệm mà phải nhìn như một quá trình. Khi phát hiện bất thường người dân phải được tư vấn các bước tiếp theo, chẳng hạn nếu phết tế bào cổ tử cung có nghi ngờ, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh sẽ điều trị ra sao hoặc cách theo dõi tiếp theo mà không làm họ hoảng sợ.

bac si ung buou chi ra sai lam pho bien khi tam soat ung thu
Tầm soát ung thư đúng nơi, đúng chỗ để phát hiện kịp thời mầm bệnh và điều trị có hiệu quả.

- Vậy, theo bác sĩ đã có trường hợp nào bệnh nhân đi tầm soát tại cơ sở y tế nhưng kết quả lại sai lệch không?

Tôi có bệnh nhân đã lớn tuổi, do gia đình có điều kiện nên hầu như tháng nào bệnh nhân cũng đến một bệnh viện để khám sức khỏe tổng quát và “tầm soát” ung thư. Tuy nhiên khi phát hiện ung thư gan thì bệnh đã ở giai đoạn cuối, đây là điều đáng tiếc.

Hoặc một bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi đến một bệnh viện lớn tầm soát ung thư vú và được cho chụp xq tuyến vú (nhũ ảnh) và trên phim có một nốt mờ nhỏ và cô này vô cùng hoảng sợ. Đối với trường hợp này tôi phải trấn an rất nhiều và hẹn bệnh nhân tái khám 6 tháng sau. Đây có thể coi là sự cố do bác sĩ gây ra vì nhũ ảnh không nên chỉ định cho phụ nữ dưới 40 tuổi do mô vú người trẻ rất dầy khiến nhũ ảnh thiếu chính xác, đồng thời chụp xq tuyến vú trên người trẻ sẽ khiến mô vú hấp thu tia X và tư nó là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú

- Bác sĩ có lời khuyên như thế nào với người dân đang có nhu cầu tầm soát ung thư?

Theo tôi, người dân không nên quá lạm dụng và quá tin tưởng vào các xét nghiệm vì hiện nay không có một xét nghiệm nào giúp pháp hiện chính xác tuyệt đối ung thư.

Cách tốt nhất là duy trì lối sống khỏe mạnh, chích ngừa viêm gan siêu vi B và virus gây u nhú (HPV) là cách tốt giúp giảm nguy cơ ung thư gan và ung thư cổ tử cung. Người dân cũng cần chú ý đến những thay đổi của cơ thể như khối u ở vú hoặc ra máu âm đạo bất thường, đi cầu ra máu…để đến bệnh viện khám sớm là cách tốt để bảo vệ cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bac-si-ung-buou-chi-ra-sai-lam-pho-bien-khi-tam-soat-ung-thu-79201.html

In bài viết