Tiêu chuẩn giáo dục trong lòng mẹ

06:00 | 29/05/2019

Người ta mới phanh phui, mẹ cha của một đứa trẻ có thể bỏ cả tỷ đồng để nâng điểm thi cho con. Người ta vẫn chưa chịu bảo nhau: Giáo dục con phải bắt đầu từ cha mẹ.
Căn hộ theo lối sống tối giản của cô gái 26 tuổi tiết kiệm được 2,3 tỷ đồng Nếu có ngày con bạn hâm mộ Khá Bảnh Chuyện nhà TS "toán tư duy" POMath Chu Cẩm Thơ - Người phụ nữ ảnh hưởng nhất VN 2019

Hàng loạt bê bối nâng điểm thi, chạy trường chuyên lớp chọn, chạy điểm đại học cho con bị phanh phui gần đây đã dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng coi trọng thành tích, điểm số trong giáo dục. Áp lực điểm cao hóa ra không chỉ mình học sinh chịu đựng, mà đó cũng là những gánh nặng vô hình đè nặng lên vai cha mẹ.

Trước vấn đề này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Nhà sáng lập toán tư duy POMath thông qua việc kể câu chuyện của chính mình, của những người bạn thân thiết xung quanh và từ kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều phụ huynh mong muốn phụ huynh quay trở lại điều cốt lõi ban đầu của giáo dục.

Tiêu chuẩn giáo dục trong lòng mẹ mới là điều quan trọng hơn cả, và tiêu chuẩn này sẽ giúp chúng ta đồng hành cùng con, đứng ngoài cuộc chạy đua thành tích, điểm số và cũng giúp chúng ta nhận ra được những tài năng, ưu điểm khác của con mà thang điểm thông thường không bao giờ đánh giá được.

tieu chuan giao duc trong long me
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Nhà sáng lập toán tư duy POMath.

Tiêu chuẩn giáo dục trong lòng mẹ

Tôi có câu chuyện của mình. Rằng dù người ta khen tôi thế nào, tôi được bao nhiêu giải thưởng thì mẹ tôi vẫn có điểm riêng cho tôi. Với môn Toán, mẹ cho tôi 8 điểm. Mẹ bảo tôi thường thừa ý, dài dòng. Với việc nhà, mẹ cho tôi 7 điểm. Mẹ bảo tôi chỉ là biết làm thôi, chứ làm chưa thạo, chưa đẹp. Trong cư xử, nói năng mẹ cho tôi 5 điểm. Mẹ bảo tôi nói khó nghe lắm, Không biết để ý đến người khác. Có nhiều thứ mẹ cho tôi dưới điểm trung bình. Mẹ còn bảo tôi hư (khi có nhà báo về phỏng vấn). Mẹ bảo, người khác sai, con có thể tranh luận, chứ không phải cãi xơi xơi như thế, hỗn lắm, sai lắm.

Tôi có câu chuyện của chị bạn. Chị ấy kể rằng, con gái chị đã từng được 1, 2 điểm môn Tiếng Việt. Chị khi ấy đã là giáo viên dạy văn có tiếng (tôi kiểm chứng được, vì có hôm hai chị em ngồi cafe, có anh bạn tôi đến chào chị, trân trọng, nhắc rằng nhờ chị mà anh ấy đã đỗ đạt, đã yêu việc học văn chương thế nào, và tất nhiên, vì chúng tôi là đồng nghiệp, chúng tôi biết cái tài của nhau đến đâu) thế nhưng chị ấy đã không xấu hổ, cũng không xin điểm cho con (chắc rằng chị ấy xin thì cô giáo chắc chắn cho và cũng không gây khó khăn gì). Chị ấy đã kiên trì trong niềm tin vào năng lực và biết khó khăn của con để hai mẹ con cùng nhau khắc phục. Cô bé con gái chị giờ đã lớn khôn. Cháu đã từng được giải nhất quốc gia môn Văn. Ngay cả khi ấy, chị vẫn bảo, đó là của con, đâu phải của mình mà khoe.

Lúc tôi kể với các bạn về câu chuyện của Totochan, về người mẹ đã tin tưởng con mình để tìm kiếm cho con ngôi trường mới, để con được gặp những người đánh giá đúng về con, tôi như tìm thấy rất nhiều người mẹ quanh tôi, họ đã là người thầy đầu tiên của những đứa trẻ tội nghiệp. Nếu ai cũng chỉ nhìn thấy những điểm yếu, bất thường của chúng bằng cái thang đo rất lạnh lùng thì sẽ ra sao. Thế nên những người mẹ ấy mới là nhà nghiên cứu thực tiễn tốt nhất, đã làm được việc "thắp lên hy vọng" cho cuộc đời rất dài của con người chứ không phải là học hôm nay biết điểm ngày mai.

tieu chuan giao duc trong long me
Có những người mẹ đã làm được việc "thắp lên hy vọng" cho cuộc đời rất dài của con người chứ không phải là học hôm nay biết điểm ngày mai. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Tôi vẫn hay nhắc đến chuyện của mẹ Mạnh Tử. Bà chuyển nhà cho con bao nhiêu lần. Bà nghĩ nếu ở cạnh ông đồ tể thêm nữa, Mạnh Tử đã là anh bán thịt lợn cũng nên. Bà biết rằng con mình không thể chỉ có học ở nhà, học ở Thầy mà còn là ở môi trường xung quanh nữa. Câu chuyện ấy nhắc tôi lúc nào cũng nghĩ đến những ảnh hưởng của môi trường xung quanh đến bọn trẻ. Vì thế sau này tôi tiếp cận Lí thuyết dạy học, tôi đặc biệt bị ảnh hưởng bởi Piaget là vì thế. Và tôi cũng cố gắng là bà mẹ biết tìm hoặc tạo ra môi trường tốt cho con mình.

Tôi biết những bằng chứng khoa học, rằng có những dân tộc, người mẹ đã làm nên thương hiệu giáo dục cho quốc gia. Chúng ta hẳn không xa lạ với "Dạy con kiểu mẹ Nhật", "Dạy con theo mẹ Do Thái",.... Dân tộc ấy có nhiều bà mẹ đã theo đuổi hoặc cùng nhau tạo ra một công thức rồi triết lí giáo dục con trẻ. Chúng vẫn đến trường. Chúng cũng có những kì thi. Nhưng vì sao chúng ta lại học những kiểu dạy con của những người mẹ đó.

Tôi cũng biết câu chuyện của nhiều người bạn mình. Họ thắc mắc với tôi rằng: "con mình không giỏi lắm sao toàn 10 nhỉ. Lớp nó 48 đứa thì 47 đứa học Xuất sắc và Giỏi, đứa còn lại cũng Hoàn thành tốt". Tôi bảo bạn nếu thấy con kém mà vẫn được điểm cao, không hài lòng thì đến trao đổi với cô đi. Bắt chước ông tổng thống nào đó, hãy viết tâm thư rằng con tôi cần học gì ở cô đi. Nhưng người bạn tôi đã không làm thế. Bạn bảo, "dại gì mà đi ngược với thiên hạ".

Tôi cũng nhớ câu chuyện của 1 gia đình suýt tan vỡ. Tôi tư vấn hôn nhân cho họ. Người chồng không chịu nổi thói "thành tích" của vợ. Anh ấy nói, anh trở thành thằng lái xe vô điều kiện và đứa con trở thành cái nhà kho đựng chữ. Rồi thói khoe khoang. Rồi ảo tưởng vì lúc nào cũng lo nếu con trượt thì cả nhà mất hết tương lai. Anh ấy yêu cầu vợ đi chữa trị tâm lí. Và lo rằng con sẽ bị tâm thần.

Tôi thì đối mặt hàng ngày với phụ huynh của mình. Họ tìm đến Toán PoMath là để mong học được cách học tốt, giúp con phát triển tư duy. Nhưng khảo sát độc lập của bộ phận Nghiên cứu của tôi thì tiêu chuẩn đầu tiên của con cần có được đó là điểm cao. Tất nhiên rằng Pomath chúng tôi đáp ứng được, vì phương pháp tốt thì dĩ nhiên kết quả sẽ cao hơn. Nhưng tôi lại luôn mong họ hãy để ý đến hứng thú, tự chủ và cách học của con chứ không phải là điểm số. Con của chúng ta còn có những ưu điểm, tài năng khác mà cái điểm kia không thể đo được.

Nay tôi biết thêm rằng rất nhiều bà mẹ đã xin điểm cho con. Họ lo lắng rằng người ta dùng học bạ để xét điểm. Thế nên một cuộc thi HSG, có mẹ tạo hơn 100 "nick" cho con, mua đề cho con. Rồi xin cho con kiểm tra lại đến khi nào điểm cao thì thôi. Nếu trường nào đó cho điểm nghiêm túc thì là hà khắc, là làm cho học sinh thiệt thòi. Thiệt thòi là gì? Có phải là tất cả những đứa trẻ đều bị coi là giống nhau. Cả nghìn đứa đồng loạt tài năng với 5 năm toàn 10 điểm. Là hơn 300 đứa về nhất. Và chẳng có nét gì để nhận ra chúng trong hồ sơ học tập hay sao?

Tiêu chuẩn giáo dục có là gì trước những người mẹ. Họ còn tạo ra tiêu chuẩn giáo dục cho quốc gia như người Nhật, người Do Thái. Họ cũng có thể làm vô dụng cái tiêu chuẩn bằng cách tạo ra thang điểm cho con mình. Từ lúc nào chúng ta đổ lỗi cho cái thước đo dựng lên mà chúng ta quên rằng mình đã xê dịch nó. Từ lúc nào ta lơ ngơ đến sợ hãi làm lạc mất con mình. Con chúng ta đã ở đây, trong lòng ta và lớn lên trong mái nhà, trong tổ ấm ta xây nên. Tiêu chuẩn giáo dục là do chúng ta thiết kế nên mà.

Xem thêm:

tieu chuan giao duc trong long me Con cái chúng ta có thực sự học giỏi đến vậy?

Tình trạng một lớp học cấp tiểu học có đến hơn 90% học sinh giỏi đã khiến các bậc phụ huynh hoang mang với suy ...

tieu chuan giao duc trong long me Nghỉ hè, phụ huynh nháo nhào tìm chỗ học hè bán trú cho con

Trái với niềm vui thích, hào hứng của lũ trẻ khi hè về, các phụ huynh lại lo lắng vì không biết gửi con cho ...

tieu chuan giao duc trong long me “Là mẹ, tôi chắc chắn sẽ không để con phải quỳ trong lớp học”

Trẻ con, đánh nó một vài lần thì nó sợ. Nếu ngày nào cũng đánh, ắt nó không sợ nữa, nó sẽ có xu hướng ...

PGS.TS Chu Cẩm Thơ

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tieu-chuan-giao-duc-trong-long-me-78434.html

In bài viết