Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ khi nào?

09:24 | 09/06/2019

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là những pho sử đá thể hiện văn hóa giáo dục, niềm tự hào về truyền thống hiếu học của Việt Nam.    
Tên gọi Buôn Ma Thuột có ý nghĩa gì? Biển Hồ là tên gọi khác của thắng cảnh nào ở Pleiku? Nhà thờ nào ở Đà Lạt (Lâm Đồng) thường được gọi là nhà thờ Con Gà?

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng

Hỏi:

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ khi nào?

A. Thời Lý

B. Thời Trần

C. Thời Nguyễn

D. Thời Hậu Lê

Đáp án:

D. Thời Hậu Lê

Tài liệu tại Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) cho biết, năm 1484 vua Lê Thánh Tông (1460-1497) xuống chiếu cho dựng bia tiến sĩ để tôn vinh các trí thức Nho học đỗ đạt. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, các trạng nguyên, tiến sĩ được khắc tên trên bia đá đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

"Vua giao bộ Công dựng bia đá, các đại thần có trình độ học vấn cao, văn hay soạn bài ký, những ngư­ời viết chữ đẹp, thợ khắc đá tài hoa đư­ợc tuyển chọn kỹ phục vụ cho việc dựng bia", TS Đặng Kim Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám giới thiệu quá trình tạo dựng vườn bia tiến sĩ.

Ngoài mục đích biểu dương hiền tài, khuyến khích nho sinh dùi mài kinh sử, việc dựng bia tiến sĩ còn nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức cho quan lại đương thời. Việc dựng bia đá này đã đem lại tác động to lớn đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài của nước Đại Việt thời bấy giờ.

bia tien si tai van mieu quoc tu giam duoc xay dung tu khi nao
Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: Việt báo).

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Hỏi:

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám viết những gì?

A. Chỉ ghi tên người đỗ đạt tổ chức khoa thi

B. Chỉ ghi tên người đỗ đạt và năm tổ chức khoa thi

C. Ghi chi tiết về khoa thi, người đỗ đạt, người chấm thi… và triết lý của triều đình về giáo dục

D. Chỉ ghi chi tiết về khoa thi, người đỗ đạt, người chấm thi…

Đáp án:

C. Ghi chi tiết về khoa thi, người đỗ đạt, người chấm thi… và triết lý của triều đình về giáo dục

Tài liệu của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: "Giá trị và nét độc đáo của 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, là những bài văn khắc trên bia. Trên thế giới có rất nhiều nước dựng bia, nhưng duy nhất bia tiến sĩ Văn Miếu có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài".

Cụ thể, mỗi bài văn bia thường được mở đầu bằng tiêu đề của khoa thi (phần nối giữa trán bia và bài ký). Bài ký được bố cục 3 phần, mở đầu là ca ngợi công đức các triều vua trị vì, ca ngợi đạo Nho và bậc thánh nhân quân tử. Phần tiếp theo nói về việc mở khoa thi, liệt kê họ tên, quê quán những người thi đỗ đại khoa. Thông tin về số lượng thí sinh tham gia, tên quan trông coi thi, chấm thi, ngày vào thi Đình, ngày yết bảng xướng danh… cũng được nhắc đến. Phần cuối của bày ký là những lời bình về ý nghĩa của việc dựng bia, vai trò trách nhiệm và nghĩa vụ của những người thi đỗ trước giang sơn đất nước.

Những bài ký này phần lớn do danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn, viết bằng chữ Hán.

bia tien si tai van mieu quoc tu giam duoc xay dung tu khi nao
Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: Tổ quốc).

Câu nói nổi tiếng ghi trên văn bia tiến sĩ đầu tiên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Hiền tài là nguyên khí quốc gia"

Hỏi:

Câu nói nổi tiếng ghi trên văn bia tiến sĩ đầu tiên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" là của ai?

A. Vua Lê Thánh Tông

B. Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung

C. Trạng nguyên đầu tiên của triều Hậu Lê – Nguyễn Trực

D. Không của ai cả

Đáp án:

B. Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp" là một đoạn trong bài ký viết trên bia tiến sĩ đầu tiên, nói về khoa thi năm 1442. Soạn giả của bài này là Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung - cận thần được vua Lê Thánh Tông quý trọng.

Thân Nhân Trung (1419-1499) quê ở xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, nay là xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông đỗ Hội nguyên, Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ khi đã 50 tuổi. Thân Nhân Trung sau đó được cử làm Hàn lâm viện thị độc, thăng Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các Đại học sĩ, kiêm Tế Tửu Quốc Tử Giám.

Câu nói "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" của Thân Nhân Trung đã được coi là kim chỉ nam cho quan điểm của nhà nước về đào tạo và sử dụng nhân tài. Tinh thần này không chỉ dừng lại trong phạm vi xã hội thời Lê mà còn mang ý nghĩa phổ biến đối với mọi quốc gia và thời kỳ lịch sử.

bia tien si tai van mieu quoc tu giam duoc xay dung tu khi nao
Câu nói của Đại học sĩ Thân Nhân Chung (Ảnh: TL).

Trạng nguyên được khắc tên trên 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Hỏi:

Có bao nhiêu trạng nguyên được khắc tên trên 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám?

A. Đúng 82 Trạng nguyên

B. Hơn 100 Trạng nguyên

C. 18 Trạng nguyên

D. 81 Trạng nguyên

Đáp án:

C. 18 Trạng nguyên

82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám khắc họ tên, quê quán của 1.307 tiến sĩ đỗ đạt trong các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Trong số này có 18 trạng nguyên, 21 bảng nhãn và 33 thám hoa.

Trạng nguyên đầu tiên được dựng bia là Nguyễn Trực (đỗ khoa thi năm 1442). Trạng nguyên cuối cùng có tên trên bia đá, cũng là quan trạng cuối cùng của nền khoa cử Việt Nam là Trịnh Tuệ (Trịnh Huệ) đỗ năm 1736.

bia tien si tai van mieu quoc tu giam duoc xay dung tu khi nao
Nhà thờ Trạng nguyên đầu tiên Nguyễn Trực (Ảnh: Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Hỏi:

Có bao nhiêu người tham gia khắc chữ được đề tên trên bia tiến sĩ?

A. Có 5 người khắc chữ đã được đề tên trên bia tiến sĩ

B. Có 3 người khắc chữ đã được đề tên trên bia tiến sĩ

C. Có 1 người khắc chữ đã được đề tên trên bia tiến sĩ

D. Không có ai được đề tên trên bia tiến sĩ

Đáp án:

A. Có 5 người khắc chữ đã được đề tên trên bia tiến sĩ

Theo cuốn Hỏi đáp về 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, có một số bia tiến sĩ ngoài nêu tên nhà khoa bảng còn ghi danh tính người khắc chữ góp phần tạo dựng và hoàn thiện tấm bia này.

5 người tham gia khắc chữ được đề tên trên bia tiến sĩ. Người đầu tiên là thợ đá Phạm Thọ Ích người làng Gia Lâm, phủ Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc (nay là làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội). Ông đề tên mình trên tấm bia tiến sĩ của khoa thi năm 1772. Thợ đá Lê Văn Lộc (Thanh Hóa) có tên trên bia đá khoa thi 1763. Xã trưởng Hoàng Quang Trạch (Hải Phòng) khắc tên trên bia đá khoa thi năm 1734.

Bia tiến sĩ 2 khoa thi năm 1739 và 1743 có khắc dòng chữ "sinh đồ người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn là Lê Nguyễn Diệu vâng khắc chữ". Thợ khắc chữ cuối cùng đề tên trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là bá hộ Lê Khắc Thực với dòng chữ "Bá hộ Lê Khắc Thực cùng toàn đội vâng khắc chữ", trên bia của khoa thi năm 1746.

Ở xã hội phong kiến phân biệt đẳng cấp, những người khắc chữ đều có địa vị thấp... Theo tác giả cuốn Hỏi đáp về 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, việc họ mạnh dạn khắc tên, lưu danh tính trên bia đá đã khẳng định vai trò của những người âm thầm làm nên các tượng đài văn hóa dân tộc. Sự xuất hiện hy hữu tên của những người thợ khắc chữ trên văn bia tiến sĩ cũng khiến công trình này thêm độc đáo.

bia tien si tai van mieu quoc tu giam duoc xay dung tu khi nao
Khu vườn trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Ảnh: Văn Miếu – Quốc Tử Giám).

Hỏi:

Danh hiệu cao nhất 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là gì?

A. Di tích cấp thành phố

B. Di tích cấp quốc gia

C. Di sản văn hóa thế giới

D. Chưa được công nhận

Đáp án:

C. Di sản văn hóa thế giới

Ngày 9/3/2010, trong phiên họp toàn thể thường niên lần thứ 4 của Ủy ban chương trình ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (tại Macau, Trung Quốc), 82 bia đá khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xét và ghi vào Danh mục Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 25/5/2011, những pho "sử đá" thể hiện văn hóa giáo dục chính thức được đưa vào danh sách Ký ức thế giới của UNESCO.

bia tien si tai van mieu quoc tu giam duoc xay dung tu khi nao
Khuê Văn Các (Ảnh: Du lịch).

Xem thêm

bia tien si tai van mieu quoc tu giam duoc xay dung tu khi nao Chúa Trịnh đòi lại được một vùng biên ải

Trong lịch sử hào hùng của Đại Việt, vùng biên ải phía Bắc là nơi chứng kiến nhiều biến động. Khi thì là cửa ngõ ...

bia tien si tai van mieu quoc tu giam duoc xay dung tu khi nao Chủ đề ngày Môi trường thế giới năm 2019 là gì?

Ngày 5/6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc chọn là ngày Môi trường thế giới.

bia tien si tai van mieu quoc tu giam duoc xay dung tu khi nao Bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam nằm tại tỉnh nào?

Chắc hẳn nhiều người không biết tại Việt Nam có một bảo tàng rắn và nơi đây sở hữu rất nhiều tiêu bản của các ...

Nguyễn Trang

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bia-tien-si-tai-van-mieu-quoc-tu-giam-duoc-xay-dung-tu-khi-nao-78106.html

In bài viết