Đánh thức tiềm năng não bộ - Khơi mở hành trình phát triển bền vững cho trẻ thơ

16:58 | 06/07/2025

Từ cung cấp kiến thức đến những hướng dẫn thực hành cụ thể, phương pháp Đánh thức tiềm năng não bộ đã được giới thiệu đến các cha mẹ, những người chăm sóc trẻ, giáo viên, cán bộ y tế tại nhiều địa phương thông qua nhiều hoạt động đa dạng như tập huấn, câu lạc bộ, hội thảo…. Với cách tiếp cận bao trùm, phương pháp này mang đến cho trẻ nhỏ từ 0 – 3 tuổi cơ hội được nuôi dưỡng và giáo dục toàn diện, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của trẻ trong tương lai.
Cuộc thi vẽ tranh “Việt Nam hôm nay trong đôi mắt trẻ thơ” dành cho học sinh Hungary
Yên Bái tạo diễn đàn cho tiếng nói trẻ thơ

Thay đổi nhận thức của người chăm sóc trẻ

“Cảm ơn các cô giáo đã cho tôi cơ hội được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ cha mẹ của dự án. Ở đây, tôi được chia sẻ những khó khăn khi trông con và nuôi dạy con, đặc biệt là khi vợ vắng nhà. Ngày trước, tôi thường đưa điện thoại cho con chơi để con ngồi một chỗ, không cần phải bế ẵm con. Sau này, tôi mới biết mình làm như thế là không tốt, tôi đã hiểu được việc chơi với con rất quan trọng và là niềm hạnh phúc lớn của cha mẹ”, anh Sơn, một người chăm sóc trẻ chia sẻ trong buổi sinh hoạt nhóm “Đánh thức tiềm năng não bộ cho trẻ từ 0 – 3 tuổi”.

Được thành lập trên mạng xã hội Facebook từ năm 2021, nhóm “Đánh thức tiềm năng não bộ cho trẻ từ 0 – 3 tuổi” đã tạo nên một không gian sinh hoạt trực tuyến để các giáo viên, nhân viên y tế, người chăm sóc trẻ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy trẻ. Dạo qua các nội dung trao đổi trong nhóm, không khó để chúng tôi tìm thấy những bài viết, hình ảnh chia sẻ thông tin, kiến thức, kĩ năng chăm sóc trẻ, từ hướng dẫn “Làm gì khi trẻ quấy khóc?” đến video ứng dụng trò chơi và giáo dục kĩ năng cho trẻ. Dưới từng bài viết, video, các phụ huynh tích cực bình luận, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng thực tiễn các phương pháp được hướng dẫn với con em trong gia đình mình.

Đánh thức tiềm năng não bộ - Khơi mở hành trình phát triển bền vững cho trẻ thơ
Chương trình Trại hè cấp huyện - “Đánh thức tiềm năng não bộ” được tổ chức tại trường mầm non Tân Thịnh, xã Tân Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái) ngày 25/6/2022. (Ảnh: SC)

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Phát triển trí tuệ cho Tương lai tươi sáng” được Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (SC) phối hợp thực hiện với Phòng Giáo dục & Đào tạo và Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nhằm triển khai phương pháp “Đánh thức tiềm năng não bộ” tại địa phương.

Phương pháp “Đánh thức tiềm năng não bộ” là một sáng kiến về giáo dục mầm non, do nhóm chuyên gia về giáo dục toàn cầu của SC phối hợp với nhiều chuyên gia về giáo dục mầm non tại các cơ sở nghiên cứu quốc tế phát triển trong 10 năm qua, và được áp dụng thành công tại gần 30 quốc gia trên toàn thế giới. Phương pháp này tập trung nâng cao kĩ năng, kiến thức cho người chăm sóc trẻ và các nhà cung cấp dịch vụ (giáo viên, cán bộ y tế, cán bộ bảo vệ trẻ em...) nhằm mang đến cho trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 0 – 3 cơ hội được nuôi dưỡng và giáo dục để phát huy toàn diện tiềm năng. SC Việt Nam là một trong số các đơn vị tiên phong thí điểm toàn bộ các hợp phần liên quan đến giáo dục và y tế của phương pháp này và đã đạt được những thành công rất đáng khích lệ.

Tại Yên Bái, trong giai đoạn 2020 – 2022, dự án đã được triển khai tại 05 xã thuộc huyện Văn Chấn thông qua cơ quan đối tác dự án là Phòng Giáo dục & Đào tạo Huyện Văn Chấn. Người hưởng lợi trực tiếp của dự án bao gồm: 900 trẻ dưới 3 tuổi; 900 người chăm sóc trẻ, trong đó có 150 người chăm sóc là nam giới; 180 giáo viên mầm non và cán bộ y tế cơ sở; 150 thành viên cộng đồng.

Ông Nguyễn Đình Liên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết: “Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã hỗ trợ, giúp chúng tôi tăng cường năng lực, kỹ năng thực hành của cán bộ y tế và giáo dục, qua đó nâng cao hiệu quả công việc chuyên môn; đặc biệt, phương pháp Phương pháp Đánh thức tiềm năng não bộ giúp hỗ trợ trẻ em có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ, tình cảm xã hội một cách toàn diện”.

Sau 3 năm triển khai, điểm trung bình chỉ số phát triển của trẻ tăng từ 49,7 ở khảo sát đầu kỳ lên 51,3 tại khảo sát cuối kỳ. Trong khảo sát cuối kỳ của dự án, điểm trung bình chỉ số phát triển của trẻ có người chăm sóc là thành viên CLB cao hơn so với nhóm trẻ có người chăm sóc không phải là thành viên CLB (52,2 so với 49,8). Kỹ năng xã hội của trẻ được cải thiện rõ rệt. Trẻ vui vẻ, hoạt bát, hòa nhập với môi trường tốt hơn.

Đánh thức tiềm năng não bộ - Khơi mở hành trình phát triển bền vững cho trẻ thơ
Ngày 22-23/10/2022, hội thảo Tổng kết dự án “Phát triển trí tuệ cho tương lai tươi sáng” do Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn phối hợp cùng Tổ chức Cứu trợ trẻ em đã diễn ra tại thành phố Yên Bái. (Ảnh: SC)

Sau khi tham gia chương trình, tỷ lệ người chăm sóc trẻ thường xuyên tương tác với trẻ thông qua chơi đùa và giao tiếp tích cực đạt mức 60% (so với khoảng 30% trước khi tham gia). 75% người chăm sóc thể hiện sự tự tin hơn trong việc đáp ứng nhu cầu cảm xúc của trẻ (so với mức 40% trước đó). Các gia đình áp dụng phương pháp “Đánh thức tiềm năng não bộ” thường xuyên có tỷ lệ trẻ đạt các chỉ số phát triển ngôn ngữ và nhận thức theo tiêu chuẩn tăng 25% so với nhóm đối chứng. Người chăm sóc giảm 30% mức độ căng thẳng trong quá trình chăm sóc trẻ, nhờ vào việc hiểu biết rõ hơn và có các kỹ năng ứng phó tốt hơn khi gặp những tình huống khó khăn trong nuôi dạy trẻ nhỏ. Những số liệu này cho thấy hiệu quả rõ rệt của phương pháp Đánh thức tiềm năng não bộ trong việc cải thiện hành vi chăm sóc và tạo ra môi trường phát triển lành mạnh cho trẻ, đặc biệt tại các khu vực khó khăn.

Sau khi triển khai tại Yên Bái, Dự án nối tiếp với mục tiêu đa dạng hóa tài liệu hướng dẫn áp dụng phương pháp tại các địa phương khác. Trong khuôn khổ hợp tác giữa SC và Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, dự án đã mang đến tác động tích cực cho hơn 600 trẻ em trong độ tuổi mầm non tại 10 trường mầm non và nhóm lớp độc lập tư thục trên địa bàn thành phố.

Đặt nền móng cho phát triển tương lai của trẻ

Theo bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Chương trình, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, tuy không phải là một giải pháp hoàn toàn mới nhưng phương pháp Đánh thức tiềm năng não bộ của SC có cách tiếp cận độc đáo và toàn diện trong việc chăm sóc trẻ, đặc biệt với nhóm trẻ từ 0 – 3 tuổi. SC tập trung vào giai đoạn từ khi sinh ra đến 3 tuổi của trẻ; các biện pháp can thiệp chủ yếu là “chăm sóc đáp ứng” và “khuyến khích phát triển não bộ”, trang bị cho người chăm sóc trẻ các kiến thức, kỹ năng tương tác với trẻ, trong đó bao gồm các kiến thức về dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, địa phương thí điểm có thể linh hoạt điều chỉnh chương trình sao cho phù hợp với các điều kiện thực tế và điều này giúp chương trình đạt hiệu quả cao hơn và nhận được sự chấp nhận tốt hơn từ cộng đồng.

Cách tiếp cận của SC không chỉ hướng đến cha mẹ của trẻ mà còn tác động đến các thành viên khác trong gia đình, nhằm tạo ra một môi trường hỗ trợ toàn diện cho trẻ. Các hoạt động của dự án cũng chú trọng đến yếu tố bình đẳng giới và hòa nhập, đảm bảo rằng cả nam và nữ đều được khuyến khích tham gia vào quá trình chăm sóc trẻ, từ đó giảm bớt các định kiến xã hội về vai trò giới, ví dụ như việc chăm sóc trẻ em chỉ là của phụ nữ. Đồng thời, SC đặc biệt chú ý đến việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tổ chức các sự kiện sàng lọc và can thiệp sớm. Không chỉ tập trung vào phát triển thể chất, phương pháp này còn hỗ trợ sự phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội cho các em, nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển tốt nhất. Do đó, SC sẽ hợp tác chặt chẽ với các chính quyền địa phương và các đối tác để tạo ra các giải pháp hỗ trợ lâu dài, đảm bảo các biện pháp hiệu quả trong chăm sóc và giáo dục trẻ sẽ được duy trì và nhân rộng trong thời gian tới./.

Đánh thức tiềm năng não bộ - Khơi mở hành trình phát triển bền vững cho trẻ thơ
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và hành trình 10 năm chung tay thay đổi cuộc sống trẻ em Lào Cai Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và hành trình 10 năm chung tay thay đổi cuộc sống trẻ em Lào Cai
Hơn một thập kỷ gắn bó với vùng cao Lào Cai, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã giúp cải thiện chất lượng sống của hàng chục ngàn trẻ em và gia đình. Những bước tiến trong giáo dục và y tế mà tổ chức mang lại đã và đang dần tạo nên sự đổi thay bền vững cho con người nơi đây.
Hành trình 35 năm Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam: Không ngừng thay đổi và phát triển vì trẻ em Việt Hành trình 35 năm Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam: Không ngừng thay đổi và phát triển vì trẻ em Việt
“Trong 35 năm hoạt động tại Việt Nam, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SC) đã không ngừng thay đổi và phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Thông qua các can thiệp và cách tiếp cận mới cùng sự hợp tác, hỗ trợ bền vững từ các cơ quan đối tác, mỗi năm SC đã hỗ trợ hàng triệu trẻ”. Đó là chia sẻ của bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Tổ chức SC khi trao đổi với Tạp chí Thời đại về những thành tựu của SC trong hành trình 35 năm tại Việt Nam.

Hồng Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/danh-thuc-tiem-nang-nao-bo-khoi-mo-hanh-trinh-phat-trien-ben-vung-cho-tre-tho-214683.html

In bài viết