Phòng, chống bạo lực gia đình: Nỗ lực vì một Việt Nam nhân ái, văn minh

14:45 | 01/07/2025

Bạo lực gia đình không còn là chuyện riêng sau cánh cửa khép kín. Từ những vụ việc đau lòng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực toàn diện, từ hoàn thiện luật pháp, truyền thông sâu rộng đến xây dựng mạng lưới hỗ trợ nhằm bảo vệ nạn nhân và hướng tới một xã hội an toàn, nhân ái và văn minh.
Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Nam giới có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới

Những bước tiến trong phòng chống bạo lực gia đình

Mới đây, mạng xã hội rúng động khi một đoạn clip người vợ bị chồng bạo hành lúc 2 giờ sáng (xảy ra tại phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, Nghệ An) tung lên mạng xã hội. Trong đoạn clip người chồng liên tục cầm dao hăm dọa vợ, người vợ quỳ lạy van xin nhưng không được tha, liên tục hô "giết". Sau vài phút bị chồng hăm dọa chửi bới và tấn công, người vợ không có cách nào thoát thân đành nhảy xuống đất từ ban công tầng hai. Sau đó, chị được đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu lúc 3 giờ sáng với chẩn đoán đa chấn thương và chấn thương nặng ở vùng xương sống…

Hình ảnh người phụ nữ ở phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) bị chồng đánh đập lúc 2h sáng. Ảnh được cắt từ clip
Hình ảnh người phụ nữ bị chồng đánh đập lúc 2 giờ sáng. (Ảnh được cắt từ clip)

Câu chuyện đau lòng này không phải là cá biệt, mà phản ánh phần chìm đáng lo ngại của "tảng băng bạo lực gia đình" - vấn đề vẫn còn hiện diện âm ỉ trong nhiều mái ấm tưởng chừng yên ả. Nhiều nạn nhân không chỉ chịu tổn thương về thể xác mà còn bị ám ảnh tâm lý kéo dài, mắc các rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết. Bạo lực gia đình dù dưới bất kỳ hình thức nào không còn là chuyện riêng tư, mà là vấn đề của cộng đồng, của xã hội. Trước thực trạng đó, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực mạnh mẽ để phòng, chống bạo lực gia đình, lấy con người làm trung tâm, hướng đến một xã hội an toàn, văn minh và hạnh phúc hơn.

Theo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong nhiều năm qua, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) với Luật PCBLGĐ 2007 và mới nhất là Luật PCBLGĐ 2022 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2023). Luật mới có nhiều điểm tiến bộ như quy định tổng đài quốc gia tiếp nhận tố giác, mở rộng khái niệm hành vi bạo lực gia đình, bổ sung các biện pháp cấm tiếp xúc, tư vấn, giáo dục người có hành vi bạo lực, đồng thời lấy nạn nhân làm trung tâm trong mọi chính sách và can thiệp.

Bên cạnh nền tảng pháp lý, công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng. Hàng loạt chiến dịch truyền thông lớn được triển khai từ trung ương đến địa phương, tiêu biểu như “Nói không với bạo lực gia đình” (2008), chuỗi truyền thông nhân Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11) các năm 2013-2016, Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ (tháng 6 hằng năm) do Phó Chủ tịch nước phát động. Các chiến dịch sử dụng đa dạng hình thức: mít tinh, truyền hình, mạng xã hội, clip ngắn, diễu hành, sân khấu hóa… thu hút hàng triệu lượt tiếp cận và tương tác.

Việc hỗ trợ nạn nhân cũng được triển khai mạnh mẽ. Tính riêng năm 2024, cả nước có hơn 50.000 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, gần 30.000 câu lạc bộ xây dựng gia đình bền vững, 1.729 tổ tư vấn PCBLGĐ tại thành phố Hồ Chí Minh và gần 800 mô hình giáo dục tiền hôn nhân do Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai.

Theo thống kê, số vụ bạo lực gia đình giảm đáng kể: từ 4.065 vụ (2022) xuống còn 2.329 vụ (2024), trong đó trên 70% vụ được tư vấn hoặc góp ý tại cộng đồng. Trung bình mỗi năm, hàng nghìn nạn nhân được hỗ trợ tâm lý, pháp lý; những mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu xung đột mà còn góp phần định hình hành vi, nâng cao nhận thức cho cả người bị bạo hành và người gây bạo hành.

Tuyên truyền sâu rộng, hành động hiệu quả

Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối. Trong hai năm triển khai Luật mới, Tòa án nhân dân các cấp đã xử lý hơn 405.000 vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó hơn 341.000 vụ ly hôn có nguyên nhân xuất phát từ bạo lực hoặc các hành vi hủy hoại hôn nhân. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có trên 100.000 vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng dẫn đến ly hôn hoặc tan vỡ hạnh phúc.

Theo ông Khuất Văn Quý, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện, để nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình trong giai đoạn tới, Việt Nam xác định truyền thông sẽ tiếp tục giữ vai trò then chốt. Trong đó, trọng tâm là phổ biến rộng rãi các nội dung mới của Luật PCBLGĐ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các kênh tiếp nhận tố giác như Tổng đài quốc gia, địa chỉ hỗ trợ, cơ sở dữ liệu điện tử...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng về những hành vi bạo lực ít được nhận diện, như kiểm soát tài chính, cô lập xã hội, xúc phạm danh dự, tinh thần vốn là các hình thức tinh vi nhưng để lại hậu quả lâu dài. Đồng thời, cần truyền thông sâu rộng về quyền được bảo vệ, quyền tiếp cận hỗ trợ của nạn nhân, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa trong việc tố giác, lên án và phòng ngừa bạo lực gia đình.

Nhiều chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình. (Ảnh: Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh)
Nhiều chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình. (Ảnh: Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh)

Giáo dục kỹ năng ứng phó, kiểm soát cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn, xây dựng quan hệ bình đẳng, yêu thương trong gia đình sẽ là trụ cột tiếp theo. Các mô hình giáo dục đạo đức, gìn giữ truyền thống gia đình Việt Nam cũng cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa để tạo nền tảng vững chắc từ trong mỗi nếp nhà.

Truyền thông cũng cần đổi mới hình thức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số như clip ngắn, podcast, mạng xã hội, đặc biệt hướng đến giới trẻ - lực lượng vừa dễ bị tổn thương, vừa là nhân tố lan tỏa tích cực. Đồng thời, nên kết hợp truyền thông sân khấu hóa, truyền thông lưu động, các cuộc thi, tọa đàm tại địa phương để gắn vấn đề bạo lực gia đình với đời sống cộng đồng một cách tự nhiên, hiệu quả.

Bảo vệ danh tính nạn nhân, tôn trọng nhân phẩm và tính nhân văn trong nội dung truyền thông là nguyên tắc cần đặc biệt lưu ý. Mỗi chiến dịch không chỉ truyền đi thông tin mà cần khơi gợi sự đồng cảm, lay động tâm lý và thúc đẩy hành động cụ thể từ cộng đồng.

Ông Khuất Văn Quý nhận định, công cuộc phòng, chống bạo lực gia đình tại Việt Nam đang đi đúng hướng, với những chuyển biến rõ rệt trong pháp luật, truyền thông, hỗ trợ và nhận thức xã hội. Nhưng để tiến tới một xã hội không còn bạo lực trong gia đình, cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và từng người dân. Mỗi hành động nhỏ một lời khuyên đúng lúc, một chia sẻ lên tiếng, một cử chỉ nâng đỡ đều có thể cứu rỗi một cuộc đời và mỗi mái nhà an toàn là một viên gạch dựng nên nền móng của một quốc gia nhân ái, văn minh, bền vững.

Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Mới đây, Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) và hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia.
Nam giới có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới Nam giới có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
Đây là nhận định được đưa ra tại tọa đàm Tọa đàm và khai mạc triển lãm Chạy trốn “Chốn an toàn” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 2/12/2022. Sự kiện là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

Phương Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/phong-chong-bao-luc-gia-dinh-no-luc-vi-mot-viet-nam-nhan-ai-van-minh-214557.html

In bài viết