Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa: Chiến lược nâng tầm vị thế Việt Nam

16:20 | 23/05/2025

Ngày 22/5 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo toàn quốc bàn giải pháp đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa. Tại đây, nhiều ý kiến khẳng định: hội nhập quốc tế về văn hóa đang trở thành một hướng đi chiến lược trong phát triển bền vững, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ văn hóa toàn cầu.
Rước xá lợi Phật: Nhịp cầu văn hóa, tâm linh Việt Nam - Ấn Độ
Tổng Bí thư Tập Cận Bình khảo sát phát triển kinh tế và văn hóa tại thành phố Lạc Dương

Theo Thông tấn xã Việt Nam, sự kiện được kết nối trực tuyến với các địa phương trên cả nước, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý và cán bộ văn hóa.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, trong nhiều năm qua, hình ảnh áo dài, nón lá, phở, múa rối nước... đã trở thành biểu tượng quen thuộc khi nhắc đến văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những biểu tượng cụ thể, chúng ta mới chỉ truyền tải một phần bề nổi của văn hóa dân tộc. Đã đến lúc cần một cách tiếp cận đa chiều, thể hiện chiều sâu tinh thần, giá trị và sức sáng tạo của người Việt Nam.

ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, hội nhập quốc tế về văn hóa không chỉ là việc mang cái của mình đi giới thiệu, mà còn là quá trình tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa nhân loại để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc - một tiến trình hai chiều: "quốc tế hóa văn hóa Việt Nam" và "Việt Nam hóa văn hóa quốc tế". Đây là bước chuyển từ tư duy giao lưu sang hợp tác đích thực, góp phần làm phong phú văn hóa Việt thông qua tiếp xúc và tương tác thực chất với các nền văn hóa khác.

Việc hội nhập quốc tế về văn hóa hiện đang được Đảng và Nhà nước xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các hội thảo cấp quốc gia như “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam”... đều đặt văn hóa vào trung tâm của phát triển. Trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, lần đầu tiên nội dung văn hóa và con người được xây dựng thành một mục riêng với nội hàm cụ thể, rõ ràng, làm cơ sở để triển khai các chính sách văn hóa theo hướng hiện đại, tích hợp và sâu rộng hơn với thế giới.

Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Cùng với đó, các nghị quyết, nghị định quan trọng của Chính phủ đã tạo cơ hội để ngành văn hoá phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, văn hóa là cây cầu hiệu quả nhất để kết nối các dân tộc. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu không chỉ bằng sức mạnh kinh tế mà còn bằng sức mạnh mềm, thì văn hóa chính là yếu tố cốt lõi tạo nên năng lực cạnh tranh quốc gia. Các sản phẩm văn hóa, từ điện ảnh, nghệ thuật thị giác đến các nền tảng số, đều có thể trở thành “đại sứ” giúp Việt Nam định vị bản sắc trong dòng chảy thế giới.

Nghệ nhân ưu tú Y Sinh giới thiệu nét văn hoá dân tộc Xơ Đăng với bà Ishiba Yoshiko, Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản. (Ảnh:
Nghệ nhân ưu tú Y Sinh giới thiệu nét văn hoá dân tộc Xơ Đăng với bà Ishiba Yoshiko, Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN)

Thực tế tại các địa phương cho thấy hội nhập văn hóa quốc tế đã và đang được hiện thực hóa bằng nhiều mô hình sáng tạo. Hải Phòng xác định mục tiêu trở thành “thành phố âm nhạc” trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất xây dựng “bộ nhận diện văn hóa Việt Nam” toàn cầu. Thừa Thiên Huế phát huy lợi thế di sản gắn với chiến lược phát triển xanh và bền vững.

Tuy nhiên, để hội nhập hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng một hệ sinh thái văn hóa đủ mạnh, gồm khung pháp lý hoàn thiện, chính sách rõ ràng, nguồn lực đầu tư tương xứng và đặc biệt là đội ngũ nhân lực có năng lực hội nhập quốc tế. Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Chính sách Chiến lược Trung ương), lưu ý rằng cần lượng hóa rõ mục tiêu trong Đề án đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa, đảm bảo cân bằng giữa yếu tố văn hóa và đối ngoại, tránh thiên lệch một chiều hoặc rơi vào hình thức.

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ông nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện cơ chế, chính sách và huy động tối đa các nguồn lực để hiện thực hóa chiến lược hội nhập văn hóa quốc tế. Ông đề nghị cơ quan quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, những người quan tâm đến lĩnh vực văn hóa sẽ cùng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể và từng giai đoạn về cơ chế, chính sách, nguồn lực để thực hiện mục tiêu hội nhập quốc tế về văn hóa.

Chương trình nghệ thuật “Người là Hồ Chí Minh” sẽ diễn ra tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 18/5 Chương trình nghệ thuật “Người là Hồ Chí Minh” sẽ diễn ra tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 18/5
Vào 20h10 ngày 18/5, tại Quảng trường Ba Đình (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Người là Hồ Chí Minh”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Rước xá lợi Phật: Nhịp cầu văn hóa, tâm linh Việt Nam - Ấn Độ Rước xá lợi Phật: Nhịp cầu văn hóa, tâm linh Việt Nam - Ấn Độ
Ngày 15/5, tại buổi gặp gỡ báo chí nhân dịp Đại lễ Phật đản Vesak và khởi động chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc tế Yoga, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya bày tỏ xúc động trước tình cảm của người dân Việt Nam dành cho xá lợi Phật. Ông khẳng định, việc rước xá lợi tới Việt Nam mang ý nghĩa tâm linh và là biểu tượng sống động cho sự gắn kết văn hóa, tín ngưỡng giữa hai dân tộc.

Tú Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/day-manh-hoi-nhap-quoc-te-ve-van-hoa-chien-luoc-nang-tam-vi-the-viet-nam-213751.html

In bài viết