17:11 | 23/05/2025
Hai báo cáo nằm trong chuỗi nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tập trung phân tích các lựa chọn chính sách và đầu tư quan trọng cần thực hiện để đạt mục tiêu phát triển dài hạn.
Tạp chí Tài chính điện tử; phát biểu tại Lễ Công bố báo cáo, bà Mariam J. Sherman - Giám đốc phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, Ngân hàng Thế giới cho biết: Tính từ năm 1990, chỉ có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển đổi thành công lên nhóm thu nhập cao. "Để hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam cần phải thành công ở khía cạnh mà nhiều quốc gia khác đã thất bại trong nửa thế kỷ qua".
![]() |
Sự kiện công bố báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ngày 22/5, tại Hà Nội. (Ảnh: CafeF) |
Theo báo cáo "Việt Nam 2045 - Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao", để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần củng cố hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công về quy mô và chất lượng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước thu nhập cao đều có điểm chung là "liên tục cải thiện chất lượng thể chế".
Trong đó, một số cải cách sẽ mang tính quyết định đối với con đường phát triển tiếp theo của Việt Nam. Quản lý đầu tư công cần được cải thiện từ khâu lựa chọn dự án, triển khai đến giám sát thực hiện.
Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý và quy định sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và dễ dự đoán hơn. Quản trị địa phương cũng cần được nâng cao thông qua việc tăng cường quyền tự chủ, nâng trách nhiệm giải trình và đẩy mạnh phối hợp giữa các địa phương.
Việt Nam cũng cần xây dựng một bộ máy công vụ hiệu quả, có trách nhiệm giải trình rõ ràng, với quy mô hợp lý, chế độ đãi ngộ phù hợp và được hỗ trợ bởi các thể chế bảo đảm quy trình tố tụng hợp pháp, tính minh bạch và cơ chế giám sát độc lập.
"Quá trình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của thể chế trong việc bảo đảm tăng trưởng bền vững. Những nỗ lực cải cách gần đây thể hiện quyết tâm của Việt Nam, song để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thực hiện những cải cách quyết liệt hơn nữa, một cú hích thể chế mang tính đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng của khu vực tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra việc làm chất lượng cho người dân”, bà bà Mariam J. Sherman cho biết.
![]() |
Bà Mariam J. Sherman – Giám đốc phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào của Ngân hàng Thế giới (Ảnh: Ngân hàng Thế giới) |
Báo cáo "Việt Nam 2045 - Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững" cho rằng đầu tư vào thích ứng khí hậu là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro từ các cú sốc thời tiết đối với nông nghiệp, doanh nghiệp và hạ tầng sản xuất tại Việt Nam.
Khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2024 cũng cho thấy khoảng 75% các doanh nghiệp sản xuất trong ngành may mặc và điện tử là hai lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang hoạt động tại các khu vực thường xuyên đối mặt với căng thẳng do nhiệt độ cao, khiến 1,3 triệu lao động rơi vào nhóm dễ bị tổn thương. Nếu không có các biện pháp thích ứng kịp thời, tác động của biến đổi khí hậu có thể làm giảm sản lượng kinh tế của Việt Nam tới 12,5% vào năm 2050 so kịch bản cơ sở, đe dọa khả năng đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Báo cáo đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần phát huy tiềm năng của kinh tế biển để thúc đẩy một tương lai xanh hơn, vững vàng hơn trước biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phục hồi rừng ngập mặn, bảo vệ thảm cỏ biển và rạn san hô cũng rất quan trọng vì các hệ sinh thái này không chỉ giúp tăng khả năng chống chịu của vùng ven biển mà còn đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải.
![]() Chiều 27/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. |
![]() WB nêu rõ năm 2022, các khoản thanh toán nợ - gồm cả gốc và lãi - của các nước đang phát triển lên mức kỷ lục 443,5 tỷ USD khiến những nước nghèo nhất có nguy cơ ngày càng cao rơi vào khủng hoảng nợ. |
Hồng Anh