14:46 | 28/04/2025
Hơn 50 phóng viên chiến trường quốc tế và Việt Nam, nhà văn, đạo diễn, nhiếp ảnh gia, những người bạn của Việt Nam-các nhân chứng lịch sử đã lưu lại những thời khắc vô giá của Việt Nam qua ống kính và ngòi bút chân thực của mình-cùng gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện về chủ đề chiến tranh và giá trị của hòa bình.
Có những cái tên quen thuộc như Nick Út, phóng viên ảnh hãng tin Associated Press (AP) chụp bức ảnh gây chấn động “Em bé Napalm” hay Edith M.Lederer-nữ phóng viên đầu tiên của AP được cử tới Việt Nam đưa tin về cuộc chiến... Nakamura Goro (Nhật Bản) nổi tiếng với chùm ảnh về hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam...
Họ cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm chiến tranh không thể nào quên gắn với cuộc chiến kết thúc cách đây 50 năm nhưng vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Nhà văn, nhà báo Xuân Phượng của Đài Truyền hình Việt Nam, một trong những phóng viên đầu tiên vào dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30/4/1975 mong muốn nhận được bản viết các câu chuyện về những gì các phóng viên chiến trường có mặt tại cuộc gặp gỡ đã trải qua và cảm xúc không quên được ở Việt Nam, để tập hợp thành cuốn sách làm tư liệu quý giá, giúp giới trẻ Việt Nam “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”. “Các bạn đã chia sẻ với chúng tôi những lúc khó khăn nhất thì hôm nay, các bạn hãy giúp những bạn trẻ của chúng tôi hiểu được về sự hy sinh và sự đóng góp của các bạn”, bà xúc động nói.
![]() |
Các cựu phóng viên chiến trường quốc tế và Việt Nam tại buổi giao lưu. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phóng viên Nayan Chanda, người Ấn Độ, phóng viên thường trú của Tạp chí Far Eastern Economic Review (FEER) tại Đông Dương chia sẻ kỷ niệm về bữa ăn sáng với một chiến sĩ giải phóng quân ngay tại nhà mình. Có mặt ở Sài Gòn vào những thời điểm đầu tiên sau giải phóng, ông tình cờ nấu bữa sáng cho người chiến sĩ này và cùng ăn sau khi vượt qua những căng thẳng, nghi ngờ. Chiến sĩ này vào nhà ông để tìm xem có quân đội của chính quyền cũ ẩn núp hay không. Sau khi ông mang ra một bài báo về Lenin do mình viết, hai người đã vui vẻ cùng dùng bữa sáng. Ông là một trong những phóng viên bỏ qua những cảnh báo về việc nên rời khỏi Sài Gòn vào thời điểm đó để ghi lại những thời khắc lịch sử kết thúc cuộc chiến tranh 50 năm trước. Thay vì di tản như phần lớn phóng viên quốc tế lúc bấy giờ, ông quyết định ở lại Sài Gòn sau ngày 30-4 để quan sát cuộc sống dưới chính quyền mới, nhờ đó, ông đã ghi lại bức tranh chân thực về bầu không khí “yên ắng đến lạ thường” trên đường phố Sài Gòn sáng 1-5-1975.
Là nữ phóng viên đầu tiên của AP được cử tới Việt Nam để đưa tin về cuộc chiến, bà Lederer cho biết mình đã chứng kiến nhiều cột mốc lịch sử quan trọng, trong đó có thời điểm quân đội Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973. Bà chia sẻ mình may mắn được tham gia nhiều dịp kỷ niệm chiến thắng của Việt Nam, 35 năm, 40 năm và giờ là 50 năm. Nhưng điều khiến bà ngạc nhiên nhất là vào năm 1993, 20 năm sau lần đầu tiên trở lại Sài Gòn và tới Hà Nội, ở đâu bà cũng được chào đón. TP Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, với nhiều nhà cao tầng, cửa hàng, nhưng bà ấn tượng nhất là sự “cởi mở”, không còn sự thù hằn như e ngại ban đầu. “Đi dọc chiều dài Việt Nam để cảm nhận vẻ đẹp của Việt Nam, vẻ đẹp của hòa bình. Trước đây, tôi chỉ đưa tin về chiến tranh và lần này quay lại, tôi muốn khai thác vẻ đẹp của hòa bình ở đất nước của các bạn”, bà Lederer xúc động chia sẻ.
Thomas Charles là một trường hợp đặc biệt. Trở thành phóng viên chiến trường sau một thời gian tới Việt Nam làm công tác tình nguyện dạy tiếng Anh ở Tuy Hòa, Phú Yên cho những người dân chạy trốn chiến tranh rời bỏ nhà cửa. Đó là năm 1966, sau khi tốt nghiệp đại học, không chịu tham gia quân đội Mỹ mà xin tới Việt Nam làm công tác xã hội. Nhờ tự học tiếng Việt, khi trở thành phóng viên, ông có sự thâm nhập sâu vào đời sống người dân, phỏng vấn nhiều người Việt và có các bài viết lên án sự phi nghĩa, tàn bạo của chiến tranh. Chính giai đoạn đó, ông đã ăn được nước mắm Việt Nam và giờ đây, cứ ăn cơm là không thể thiếu món này. Ông chia sẻ, tới Việt Nam, sống hòa nhập với người dân, mới hiểu rằng những gì mà ở Mỹ vẫn lan truyền là Mỹ đang giúp người Việt Nam đều không phải sự thật. Chiến tranh mang lại những điều đau khổ. Ông cho biết, với số tiền ít ỏi, ông không giúp gì được nhiều cho người dân lúc đó.
Giờ đây, trở lại Việt Nam vào thời điểm hai miền Bắc-Nam thống nhất, anh em ba miền “sum họp một nhà”, cùng nhau đoàn kết để đưa đất nước Việt Nam vượt lên sự tàn phá của chiến tranh, ngày càng phát triển là điều khiến ông vui mừng.
Thomas Charles khoe ông lấy vợ người Cần Thơ, sống hạnh phúc đã 55 năm rồi. Hóm hỉnh đọc câu thơ: "Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về", ông khiến mọi người có mặt đều rất vui bởi sự am hiểu về Việt Nam của ông.
Những phóng viên chiến trường quốc tế một thời đã cùng nói lên những tiếng nói của lương tri về cuộc chiến ở Việt Nam với những bức ảnh, thước phim tư liệu mang giá trị thức tỉnh. Bà Xuân Phượng xúc động nói: Có “những anh chị không may mắn còn được ngồi đây, dự ngày vui như hôm nay. Các anh chị ấy sẽ không bao giờ còn có dịp kể về những câu chuyện Việt Nam như chúng ta ở đây".
Bà Xuân Phượng kể thêm, bà nhận được nhiều lá thư từ người thân của các phóng viên chiến trường đã mất. Họ mong có dịp tới Việt Nam. Có một phóng viên chiến trường người Pháp, con trai ông ấy trong thư nói rằng cha mình trước khi chết đã dặn con trai có dịp hãy tới thăm Việt Nam, tới những nơi ông ấy đã đi qua để hiểu tại sao bố lại đi vào con đường tự nguyện giúp đỡ Việt Nam trong những năm tháng khó khăn ấy.
Theo Báo Quân đội nhân dân