10:57 | 27/04/2025
Trao đổi với TTXVN, Tiến sỹ Alisher Mukhamedov, Chủ tịch Hội hữu nghị Uzbekistan - Việt Nam kể: ông vẫn còn nhớ rõ ngày 30/4/1975 khi truyền hình Uzbekistan đưa tin chiến thắng của Việt Nam, chấm dứt cuộc đấu tranh kéo dài 30 năm vì độc lập, tự do, vì thống nhất đất nước.
Tiến sỹ Alisher cho biết: cha ông, ông Rustam Mukhamedov, thành viên trẻ nhất phái đoàn của Văn phòng Tổng công tố Liên Xô tại Việt Nam vào năm 1963, từng vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc trò chuyện với đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói khi chiến tranh kết thúc, nhân dân Việt Nam sẽ xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng mà Người mơ ước.
![]() |
Chủ tịch Hội hữu nghị Uzbekistan - Việt Nam Alisher Rustamovich Mukhamedov. (Ảnh: TTXVN) |
Theo Tiến sỹ Alisher, chiến thắng của Việt Nam đã trở thành tấm gương cho các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập và tiến bộ, truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác.
Giai đoạn phát triển sau năm 1975 của Việt Nam một lần nữa trở thành hình mẫu của thành công, sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản cũng như nỗ lực dựa vào chính mình với chính sách đối ngoại khéo léo, linh hoạt.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển năng động nhất thế giới, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Tiến sỹ Alisher khẳng định sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã "đổi thay ngoạn mục". Những thay đổi về kinh tế và chính trị được khởi xướng vào năm 1986 theo chương trình Đổi mới đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ đưa Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng.
Ông nhấn mạnh, chính sách đối nội và đối ngoại cân bằng đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn các tập đoàn xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, vị trí địa lý thuận lợi và cơ sở hạ tầng xuất khẩu phát triển cũng tạo lợi thế chiến lược cho Việt Nam.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững hơn nữa, theo Tiến sỹ Alisher, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu các thành tựu khoa học công nghệ - yếu tố then chốt của sự phát triển trong tương lai.
Ông Claudio De Negri, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Chile, nguyên Đại sứ Chile tại Việt Nam, khẳng định sự hồi sinh kỳ diệu của Việt Nam sau chiến tranh là một trong những câu chuyện thành công đáng ngưỡng mộ nhất thế giới hiện đại.
Theo ông, vào giữa thập niên 1980, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, hứng chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và thời kỳ thuộc địa. GDP bình quân đầu người khi đó chỉ khoảng 100-200 USD/năm, hơn 70% dân số sống dưới mức nghèo đói.
Nhưng với công cuộc Đổi mới được phát động năm 1986, Việt Nam đã bước sang một trang sử mới. Từ vị trí thứ 70 về sản xuất lúa gạo, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.800 USD, tỷ lệ nghèo cùng cực giảm xuống dưới 2%.
![]() |
Ông Claudio De Negri phát biểu trong một sự kiện tại Hà Nội khi là Đại sứ Chile tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Ông Negri nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình toàn cầu trong nhiều năm. Việc đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và hạ tầng đang đưa đất nước tiến nhanh tới mục tiêu công nghiệp hóa.
Ngày nay, Việt Nam nằm trong nhóm các nước xuất khẩu hàng điện tử và dệt may hàng đầu thế giới, thu hút sự hiện diện chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, LG...
Ông đặc biệt đánh giá cao sức mạnh nội tại của Việt Nam - sự đoàn kết dân tộc - cùng với sức mạnh quốc tế, được xây dựng trên nền tảng tình cảm và đoàn kết của các dân tộc bạn bè như Chile.
Trao đổi với phóng viên báo Nhân Dân, Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari khẳng định, Chiến thắng 30/4 không chỉ có ý nghĩa lịch sử với Việt Nam mà còn lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thế giới. Theo ông, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sau khi đất nước thống nhất đã trở thành hình mẫu đáng học hỏi đối với nhiều quốc gia đang phát triển.
![]() |
Đại sứ Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam Ali Akbar Nazari phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến quảng bá du lịch "Hà Giang điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á", ngày 12/4/2025. (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Đại sứ Nazari bày tỏ sự ngưỡng mộ trước hành trình vươn lên của Việt Nam từ đống tro tàn của chiến tranh, vượt qua lệnh cấm vận khắc nghiệt và sự cô lập chính trị quốc tế. Ông cho rằng, lòng dũng cảm, sự kiên trì, tự lực tự cường và năng động đã giúp Việt Nam tiến hành những chuyển đổi sâu sắc, đặc biệt là công cuộc Đổi mới năm 1986.
Theo ông, kinh tế đã mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của khu vực tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tự do hóa thương mại và hội nhập toàn cầu. Chiến lược thu hút đầu tư và cải cách thể chế kinh tế đã giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng ổn định, giảm mạnh tỷ lệ nghèo đói và tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa.
Đại sứ Nazari đánh giá cao mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam - sự kết hợp hài hòa giữa vai trò dẫn dắt của nhà nước và cơ chế thị trường, không rập khuôn các mô hình phương Tây. Đây là bài học quý báu cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Iran.
Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, linh hoạt của Việt Nam trong việc cân bằng quan hệ quốc tế và bảo vệ lợi ích quốc gia. Chính điều này đã giúp Việt Nam duy trì ổn định chính trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao vị thế quốc tế.
Theo Đại sứ Nazari, Việt Nam đang đi đúng hướng khi chú trọng vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững, từ đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu trong những thập niên tới.
Phan Anh (tổng hợp)