10:53 | 26/04/2025
Báo cáo ghi nhận, sau giai đoạn ảm đạm của năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi rõ rệt nhờ nhu cầu bên ngoài tăng mạnh. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng tới 15,5% trong năm 2024. Cùng với đó, lĩnh vực bất động sản cũng ghi nhận dấu hiệu khởi sắc nhờ lãi suất vay mua nhà hấp dẫn hơn và nguồn cung dự án mới tăng trở lại, tạo đà cho đầu tư tư nhân trong nước.
![]() |
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet) |
Tăng trưởng trong các lĩnh vực này đã kéo theo sự cải thiện của thị trường lao động. Tăng trưởng việc làm trong ngành chế biến chế tạo đã tăng lên 3,4% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 11/2024, so với mức giảm 2,3% của một năm trước đó. Thu nhập thực tế tăng 4,8%, cao hơn đáng kể so với mức 1,3% của năm 2023, nhờ điều kiện thị trường lao động cải thiện và mức lương khu vực công được điều chỉnh tăng.
Tuy nhiên, tăng trưởng thu nhập chưa hoàn toàn chuyển sang tiêu dùng nội địa do tỷ lệ tiết kiệm vẫn ở mức cao, đạt 37,2% trong năm 2024.
Dù tăng trưởng ổn định, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những rủi ro đáng kể từ môi trường bên ngoài. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương gần 170% GDP, Việt Nam dễ bị tổn thương trước các biến động chính sách thương mại toàn cầu. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 30% tổng kim ngạch, trong khi Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chủ yếu (38%).
Trong bối cảnh bất ổn gia tăng, niềm tin của người tiêu dùng có thể tiếp tục suy yếu, kéo theo chi tiêu tiêu dùng thấp. Trong khi đó, các rủi ro trong lĩnh vực tài chính vẫn hiện hữu. Mặc dù Chính phủ còn dư địa tài khóa để kích cầu, việc thực thi các biện pháp hỗ trợ có thể bị cản trở bởi tình trạng giải ngân đầu tư công chậm kéo dài.
WB cảnh báo, các rủi ro bên ngoài - như sự thay đổi bất lợi trong chính sách thương mại, tốc độ tăng trưởng toàn cầu thấp hơn kỳ vọng và mức độ bất định cao trong các chính sách toàn cầu - có thể làm chậm đà xuất khẩu cũng như dòng đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Dù đối mặt nhiều rủi ro, báo cáo cho thấy tỷ lệ nghèo tại Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm. Tỷ lệ người sống dưới mức 3,65 USD/ngày (chuẩn nghèo nhóm thu nhập trung bình thấp) được dự báo giảm từ 3,8% năm 2024 xuống còn 3,6% trong năm 2025. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp chững lại có thể hạn chế tác động giảm nghèo ở nhóm dân cư nghèo nhất.
Báo cáo của WB đề xuất 3 hướng chính sách để tăng cường khả năng phục hồi gồm: tận dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất và tạo việc làm (như tại Malaysia và Thái Lan); cải cách nhằm thúc đẩy cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ (điển hình là Việt Nam); và mở rộng hợp tác quốc tế để củng cố nội lực kinh tế.
Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bà Manuela V. Ferro, đánh giá các quốc gia trong khu vực có cơ hội cải thiện triển vọng kinh tế bằng cách thúc đẩy đầu tư vào công nghệ mới, thực hiện cải cách mạnh mẽ và tăng cường hợp tác quốc tế.
![]() |
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet) |
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, các biện pháp chính sách sắp tới cần đặc biệt chú trọng vào việc mở rộng đầu tư công để giải quyết các nút thắt hạ tầng. Song song với đó là những nỗ lực nhằm giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn cho khu vực tài khóa và đẩy mạnh cải cách cơ cấu.
Mặc dù không gian can thiệp của chính sách tiền tệ hiện còn hạn chế, chính sách tài khóa vẫn được xem là một công cụ quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các tổ chức tín dụng, các bước đi tiếp theo nhằm giảm thiểu rủi ro và các điểm yếu trong hệ thống tài chính vẫn mang tính then chốt. Điều này sẽ góp phần củng cố khả năng chống chịu và sự ổn định của toàn bộ khu vực tài chính. Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách thể chế, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng nền tảng như viễn thông, điện lực và giao thông.
WB dự đoán triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn khả quan, với ước tính GDP tăng trở lại mức 6,1% năm 2026 và 6,4% năm 2027. Để hiện thực hóa tiềm năng này, Việt Nam cần một môi trường kinh tế quốc tế ổn định hơn, song song với các nỗ lực cải cách trong nước nhằm nâng cao năng suất, đầu tư vào vốn con người và xanh hóa nền kinh tế.
![]() Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 3475/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về triển khai dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và các tuyến giao thông kết nối (Dự án). |
![]() Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp điện tử và nền kinh tế số, các tỉnh kinh tế trọng điểm vùng Đông Nam Bộ đã và đang ra sức tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, đầu tư công nghiệp thông minh và thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. |
Quảng An (Tổng hợp)