Nông sản Việt tăng tốc xuất khẩu trong thời gian Mỹ tạm hoãn thuế

16:27 | 21/04/2025

Việc Mỹ tạm hoãn áp mức thuế đối ứng 46% trong vòng 90 ngày mở ra cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh đàm phán và tăng tốc xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường biến động, các kịch bản thuế quan từ phía Mỹ đòi hỏi các giải pháp đồng bộ từ cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp để bảo đảm duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
ASEAN và bài toán thuế quan Mỹ: Ứng phó linh hoạt trong thế trận toàn cầu
Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước "bão táp" thuế quan từ Hoa Kỳ?

Ba kịch bản tác động đến tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam

Theo Thông tấn xã Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa dự báo 3 kịch bản và giải pháp cần thực hiện trước chính sách thuế quan của Mỹ.

Kịch bản 1: Nếu thuế suất duy trì 10% trong cả năm 2025 và áp dụng đồng đều cho các nước thì xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Kịch bản 2: Nếu sau thời gian hoãn áp thuế, hai nước đàm phán thống nhất mức thuế 20%, dự báo kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 20%. Với mức giảm này, tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản năm 2025 sẽ có thể giảm từ 0,15-2 điểm phần trăm, còn từ 3,8-3,85%.

Kịch bản 3: Nếu Mỹ tiếp tục áp mức thuế 46% với hàng nhập khẩu từ Việt Nam sau thời gian hoãn thuế, dự báo xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2025 sẽ giảm 40%. Tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản năm 2025 có thể giảm 0,3-0,4 điểm phần trăm, còn từ 3,6-3,8%.

Đóng gói bưởi xuất khẩu tại nhà máy Công ty cổ phần Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Đóng gói bưởi xuất khẩu tại nhà máy Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, để giảm tác động của thuế quan từ Mỹ, cần tăng cường đối thoại để hai nước cùng giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của nhau hoặc tìm kiếm cơ chế miễn giảm thuế cho một số nông sản chiến lược. Đồng thời cần triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm minh bạch xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, cần có ngay biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho những mặt hàng quan trọng, chịu tác động lớn khi Mỹ áp dụng thuế suất mới. Những biện pháp hỗ trợ này có thể mang tính tạm thời nhưng phải nhanh và đủ mạnh để doanh nghiệp, người dân có thể thích ứng kịp thời với tình hình mới.

Một số hỗ trợ có thể thực hiện ngay bao gồm: giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của hộ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, chủ yếu thông qua nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông lâm thủy sản Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời cần giám sát, bảo đảm sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ.

Ngoài ra, việc đa dạng hóa thị trường là cần thiết. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Trung Quốc và các nước Đông Á, ASEAN, Mỹ, EU, cần mở rộng, khai thác sâu các thị trường tiềm năng thuộc nhóm BRIC (trong đó có Brazil, Nga, Ấn Độ), thị trường Mỹ La tinh, châu Phi và thị trường Halal.

Doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu trong thời gian hoãn áp thuế

Trong thời gian 90 ngày Mỹ hoãn áp thuế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh để tận dụng cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Theo báo Tuổi trẻ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, hạt điều đã làm việc với đối tác để tăng lượng xuất hàng, giảm nguy cơ tồn kho, tránh bị áp thuế cao nếu không đàm phán thành công.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, lượng hạt điều xuất khẩu sang Mỹ từ đầu tháng 4 đến nay đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và có thể duy trì đà tăng này đến khoảng giữa tháng 7 (thời điểm hết hạn 90 ngày hoãn áp thuế - PV).

Tuy nhiên, các hiệp hội ngành hàng cho rằng, ngoài việc chạy đua ngắn hạn, điều quan trọng hơn là chiến lược dài hạn để tự cường. Ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, Nhà nước đang đàm phán để giảm thuế cho nhiều mặt hàng nông sản, nhưng doanh nghiệp cùng cần tự vươn lên.

"Hiệp hội đang hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường khác, đặc biệt là tại Úc để xúc tiến xuất khẩu. Các thị trường tiềm năng như Nhật Bản và châu Âu... cũng sẽ được chú trọng khai thác. Thị trường Trung Quốc chủ yếu tiêu thụ hạt điều vỏ lụa sẽ được nhiều doanh nghiệp chú trọng hơn trong thời gian tới", ông Hiệp nói.

Ông cũng lưu ý, việc đa dạng thị trường đồng nghĩa với doanh nghiệp phải đa dạng sản phẩm để phù hợp với nhu cầu riêng biệt của từng thị trường. Hiện tại, sản phẩm chế biến sâu của ngành điều chỉ chiếm chưa tới 10% kim ngạch xuất khẩu và nhiều doanh nghiệp đang nhập dây chuyền máy móc để đẩy mạnh sản xuất thêm.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ngoài việc mở rộng thị trường, mỗi doanh nghiệp cần có giải pháp riêng. "Chúng tôi sẽ kiến nghị Nhà nước hỗ trợ xúc tiến thị trường mới, hỗ trợ thuế, lãi suất ngân hàng và kéo dài thời gian vay vốn... giúp doanh nghiệp xoay xở khi gặp trục trặc đầu ra", ông nói.

Mặc dù đối mặt với những thách thức về thuế và thị trường, ngành nông nghiệp Việt Nam đang có điểm khởi đầu tích cực trong năm 2025. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong quý I/2025, tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,74%, là mức tăng cao nhất trong quý I của 4 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2025 của cả nước là 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Việt Nam chủ động thích ứng trước thay đổi chính sách kinh tế và thuế quan của các nước Việt Nam chủ động thích ứng trước thay đổi chính sách kinh tế và thuế quan của các nước
Ba hệ lụy từ chính sách thuế quan Mỹ Ba hệ lụy từ chính sách thuế quan Mỹ

Minh Thái (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nong-san-viet-tang-toc-xuat-khau-trong-thoi-gian-my-tam-hoan-thue-212842.html

In bài viết