Chính sách thuế quan của Mỹ: đòn bẩy khiến EU và Trung Quốc xích lại gần nhau?

08:35 | 18/04/2025

Theo các chuyên gia, chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ làm leo thang căng thẳng thương mại, mà còn vô tình kéo Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) xích lại gần nhau trong nỗ lực tìm kiếm ổn định giữa bối cảnh bất định do Washington tạo ra.
ASEAN và bài toán thuế quan Mỹ: Ứng phó linh hoạt trong thế trận toàn cầu
Ba tháng cầm quyền của Tổng thống Donald Trump: Những tín hiệu bất ổn do tác động của chính sách thuế

Liên minh bất ngờ dưới sức ép thuế quan

Trong bài viết đăng trên tờ The Korea Times (Hàn Quốc) ngày 16/4, Giáo sư kinh tế Nancy Qian tại Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết, chính quyền Trump đã áp đặt mức thuế quan được cho là "cao nhất trong hơn một thế kỷ" đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Riêng với Trung Quốc, Mỹ áp mức thuế lên tới 245% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, thay vì làm suy yếu, chính sách này đã mang lại cho Trung Quốc một "lợi thế chính trị quan trọng" khi tạo ra sự đoàn kết dân tộc và ủng hộ chính phủ trong nhân dân.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 11/4/2025. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 11/4/2025. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Tương tự, hàng hóa của EU xuất khẩu sang Mỹ bị áp mức thuế 20%. Đáp lại, EU đã công bố các biện pháp trả đũa. Giáo sư Qian cho rằng, điều này đã đẩy EU và Trung Quốc vào "cùng một phe", tạo ra một liên minh bất ngờ. Dù còn nhiều bất đồng về vấn đề xe điện và cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng áp lực từ Mỹ đã tạo ra động lực mạnh mẽ để EU tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Một thỏa thuận hợp tác giữa hai bên có thể mang lại lợi ích thiết thực: Trung Quốc tăng lượng hàng nhập khẩu từ châu Âu, chia sẻ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), pin xe điện (EV) và truyền tải điện. Còn EU có thể thúc đẩy sự tham gia của Trung Quốc vào nhiều quy trình ra quyết định toàn cầu hơn - điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã tìm kiếm.

Tuy vậy, còn nhiều thách thức phía trước. Cuộc chiến Ukraine và tác động của hàng xuất khẩu Trung Quốc đối với các nhà sản xuất châu Âu là những vấn đề nan giải. Giáo sư Qian cho rằng, nhu cầu bảo vệ nền kinh tế trước sự bất ổn từ Mỹ có thể thúc đẩy Trung Quốc và EU thỏa hiệp. Những dấu hiệu gần đây như chuyến thăm của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tới Bắc Kinh ngày 11/4 và cuộc họp thượng đỉnh EU - Trung Quốc dự kiến vào tháng 7/2025 phản ánh sự nghiêm túc trong việc thúc đẩy hợp tác.

"Nếu hai bên theo đuổi thành công sự xích lại gần nhau, cuộc chiến thương mại có thể không hoàn toàn xấu đối với Trung Quốc và EU, đồng thời những gì trông giống như một cuộc khủng hoảng kinh tế cũng có thể là một cơ hội địa chính trị", Giáo sư Qian kết luận.

Ngày 16/4, Fox Business (Mỹ) dẫn lời ông Michael Strain, Giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định: "Các nhà lãnh đạo châu Âu dường như tin rằng Trung Quốc sẽ là đối tác kinh tế ổn định và dễ dự đoán hơn Mỹ. Điều này vừa đáng chú ý vừa đáng lo ngại sâu sắc. Tổng thống Trump đang cô lập nươc Mỹ".

Bà Elaine Buckberg, cựu kinh tế trưởng General Motors, hiện là thành viên Viện Khí hậu & Phát triển bền vững Salata (Đại học Harvard) cũng chia sẻ quan điểm rằng, "châu Âu đang hướng về Trung Quốc" sau hàng loạt quyết định thuế quan của chính quyền Trump. Theo bà, Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu quan trọng của châu Âu trong nhiều năm và sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn do "triển vọng thương mại với Mỹ rất không chắc chắn".

"Nên là đối tác, thay vì đối thủ"

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters (Mỹ) ngày 16/4, Đại sứ Trung Quốc tại Tây Ban Nha Yao Jing cho rằng, Trung Quốc muốn hợp tác với EU với tư cách là một đối tác, thay vì đối thủ. Theo ông, việc EU gọi Trung Quốc là “đối tác hợp tác, đối thủ cạnh tranh kinh tế và đối thủ hệ thống” trong chiến lược năm 2019 là điều không hoàn toàn phù hợp, bởi cả hai bên đều hướng đến thị trường mở và thương mại dựa trên nguyên tắc.

“Chúng ta nên tập trung vào quan hệ đối tác. Trung Quốc sẽ không bao giờ là mối đe dọa hay kẻ thù của EU dưới bất kỳ hình thức nào”, ông Yao nhấn mạnh, đồng thời đánh giá cao cách tiếp cận đa phương của khối này đối với các vấn đề đối ngoại, trái ngược với đường lối cô lập của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo ông Yao, châu Âu nên dỡ bỏ các biện pháp xuất khẩu đối với một số sản phẩm công nghệ cao, bao gồm chip bán dẫn, mức thuế đối với xe điện của Trung Quốc, cũng như những hạn chế đối với nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc như Huawei hay ZTE trong việc tiếp cận mạng lưới 5G của châu Âu.

Ở chiều ngược lại, ông cho biết Bắc Kinh đã và đang mở cửa các lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng và sản xuất nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Một minh chứng cụ thể là việc Bắc Kinh vừa cho phép mặt hàng dạ dày heo - một đặc sản của Tây Ban Nha - được tiếp cận thị trường Trung Quốc sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 11/4.

“Chúng tôi đã chủ trương rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ mở cửa theo thời gian và cánh cửa đó sẽ không bao giờ đóng lại. Chúng tôi sẵn sàng mở cửa thị trường cho các quốc gia thành viên EU khác, giống như vừa làm với Tây Ban Nha”, ông Yao nói.

Tổng thống Trump khẳng định chính sách thuế quan sẽ mang lại lợi ích lâu dài Tổng thống Trump khẳng định chính sách thuế quan sẽ mang lại lợi ích lâu dài
Quyết định hoãn áp thuế là “nghệ thuật đàm phán” của ông Trump? Quyết định hoãn áp thuế là “nghệ thuật đàm phán” của ông Trump?

Phan Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chinh-sach-thue-quan-cua-my-don-bay-khien-eu-va-trung-quoc-xich-lai-gan-nhau-212714.html

In bài viết