“Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế vừa là cơ hội, vừa là áp lực với ngân hàng Việt”

18:24 | 16/04/2025

Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế được xem là bước đi chiến lược để Việt Nam thu hút dòng vốn toàn cầu và nâng tầm vị thế tài chính. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam đang đối mặt không ít rào cản về khung pháp lý, năng lực hạ tầng và áp lực cạnh tranh, đòi hỏi một lộ trình bài bản, thận trọng và đột phá chính sách.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phản hồi kiến nghị vay ngoại tệ của EVN
Mở rộng đối tượng tham gia gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng

“Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế vừa là cơ hội, vừa là áp lực với ngân hàng Việt”

Ông Nguyễn Đức Long – Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Thời báo Ngân hàng)

Phát biểu tại sự kiện "Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính" do Thời báo Ngân hàng tổ chức, ông Nguyễn Đức Long – Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – nhấn mạnh rằng, chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế (IFC) là một chủ trương lớn, mang tầm chiến lược, song cũng là vấn đề phức tạp, đòi hỏi cách tiếp cận thận trọng và bài bản.

“Có thể nhận diện nhiều cách thức, điều kiện khác nhau để thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở các quốc gia nhưng đối với chúng ta, việc thành lập IFC còn khó và khác biệt hơn với các nước không chỉ ở quy mô dân số, địa lý… mà còn khác biệt về khung pháp lý”, ông Long nói.

Theo Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, các trung tâm tài chính quốc tế vận hành lâu đời ở các quốc gia phát triển có hành lang pháp lý thông thoáng, đối với các nước có xuất phát điểm thấp hơn cũng có khung pháp lý thông thoáng hơn.

Trong khi đó, Việt Nam áp dụng khung pháp lý chặt chẽ để bảo vệ an toàn kinh tế vĩ mô. Đơn cử như quy định về giao dịch vốn, tự do hóa dòng vốn – yếu tố cốt lõi để hình thành IFC – vẫn còn nhiều ràng buộc. Thêm vào đó, các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng đòi hỏi duy trì những rào chắn nhất định nhằm bảo vệ thị trường trong nước.

“Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc mở thêm định chế tài chính, ngân hàng thương mại rất chặt chẽ. Nếu như đối chiếu theo những yêu cầu như vậy, nếu chúng ta có ưu đãi hơn nữa về điều kiện mở định chế tài chính thì cũng là một bài toán. Làm sao để tạo ra một khung pháp lý đảm bảo trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả nhưng vẫn phảm đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô”, ông Long nêu ý kiến.

Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Mạnh Khôi – Trưởng phòng Kinh doanh vốn, Khối Kinh doanh vốn và thị trường VietinBank – cho biết, thị trường tài chính Việt Nam vẫn chủ yếu xoay quanh các sản phẩm cơ bản, trong khi các công cụ phái sinh, sản phẩm tài chính cấu trúc phát triển còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư.

Theo ông Khôi, cần khuyến khích phát triển mạnh các sản phẩm tài chính sáng tạo, đặc biệt là công cụ phái sinh, để tăng chiều sâu và sự linh hoạt cho thị trường.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh các điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán, đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào vận hành những thị trường mới như hàng hóa, ngoại tệ, tài sản số… tiệm cận mô hình hoạt động của các trung tâm tài chính quốc tế.

Bà Trương Thị Thu Ba, Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính, BIDV cho rằng, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế vừa là cơ hội lớn, vừa đặt ra áp lực cạnh tranh không nhỏ với hệ thống ngân hàng trong nước.

Muốn hiện thực hóa IFC, theo bà Ba, Việt Nam cần xây dựng một môi trường thể chế ổn định, minh bạch, tương thích với quốc tế; đồng thời phát triển hạ tầng vật lý – công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, và hệ sinh thái dịch vụ tài chính tích hợp.

“Đây sẽ là cơ hội để ngân hàng Việt Nam tiếp cận dòng vốn quốc tế và nguồn vốn chi phí thấp, đồng thời, mở rộng thị trường, nâng cấp dịch vụ tài chính và chuyển đổi số theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị tốt, chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà”, bà Ba cảnh báo.

Đại diện BIDV cũng lưu ý đến những thách thức như áp lực cạnh tranh đa tầng với các định chế tài chính quốc tế; khoảng trống về hạ tầng dữ liệu, công nghệ và tích hợp số và đặc biệt là rủi ro “quốc tế hóa áp lực nhưng chưa đủ quốc tế hóa năng lực”.

Từ thực tế đó, BIDV kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về trung tâm tài chính quốc tế, với định hướng dài hạn và thể chế đặc thù phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đồng thời, nên tổ chức các đoàn công tác khảo sát kinh nghiệm quốc tế, và trong quá trình xây dựng chính sách cần có sự tham vấn đa chiều từ doanh nghiệp và ngân hàng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần xây dựng cơ chế thí điểm linh hoạt, tổ chức đối thoại chính sách định kỳ, và phát triển các khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các mô hình như ngân hàng số, tài sản số, tài chính xanh, thanh toán quốc tế…

Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng cần chủ động lấy ý kiến từ các ngân hàng thành viên, tổ chức phổ biến thông lệ quốc tế, cập nhật xu hướng công nghệ mới, và hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao năng lực hội nhập cho toàn ngành.

Ông Tô Huy Vũ làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank
Tạo điều kiện, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người nghèo

Trần Thúy

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-vua-la-co-hoi-vua-la-ap-luc-voi-ngan-hang-viet-212663.html

In bài viết