Ngân hàng số thế hệ mới – Cơ hội sở hữu “viên ngọc quý” cho nhà đầu tư ngoại?

16:28 | 04/04/2025

Lần đầu tiên về mặt lý thuyết, các nhà đầu tư đến từ các quốc gia có khả năng tiếp cận quyền sở hữu 100% đối với một giấy phép ngân hàng — trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài kể từ năm 2017.
TPBank lên kế hoạch lợi nhuận 9.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4%
Quy định mới về phí bảo lãnh ngân hàng 2025

Ngân hàng số thế hệ mới – Cơ hội sở hữu “viên ngọc quý” cho nhà đầu tư ngoại?

Hình minh họa.

Hai làn sóng nhà đầu tư chiến lược

Trong báo cáo Tổng quan ngành ngân hàng Việt Nam, chuyên gia phân tích của VPBankS nhận định, đã có hai làn sóng nhà đầu tư chiến lược tham gia vào các ngân hàng Việt Nam, được phân biệt rõ nét bởi phong cách tiếp cận.

Làn sóng thứ nhất diễn ra trước năm 2012, khi quy định Basel về khoản đầu tư thiểu số còn chưa nghiêm ngặt, và số lượng tổ chức tài chính sẵn sàng xem xét các khoản đầu tư chiến lược cũng nhiều hơn. Trong giai đoạn này, các ngân hàng mục tiêu tại Việt Nam chủ yếu được lựa chọn dựa trên tiềm năng tăng trưởng, nhờ đó các ngân hàng nhỏ như TPBank và VIB vẫn có thể thu hút được nhà đầu tư chiến lược.

Làn sóng thứ hai bao gồm các tổ chức tài chính nằm trong top 3 theo tổng tài sản tại thị trường nội địa của họ, chủ yếu đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong giai đoạn này, các ngân hàng mục tiêu tại Việt Nam cần đạt được một mức độ uy tín nhất định mới có thể trở thành đối tượng đầu tư phù hợp.

Không quá bất ngờ khi cả ba ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết đều đã thu hút thành công nhà đầu tư chiến lược trong làn sóng thứ hai. Khoản đầu tư của SMBC vào VPBank là ví dụ gần đây nhất cho một thương vụ mang tính “thương hiệu” cao. Bên mua là một trong ba định chế tài chính hàng đầu tại Nhật Bản, trong khi VPBank cung cấp một "gói tích hợp" gồm cả ngân hàng bán lẻ và tài chính tiêu dùng.

Dù vậy, chuyên gia cho rằng, trong tương lai, số lượng nhà đầu tư tiềm năng chưa có “đối tác chiến lược” tại Việt Nam ngày càng thu hẹp.

Sự xuất hiện của các ngân hàng số thế hệ mới - Cơ hội sở hữu “viên ngọc quý” cho nhà đầu tư ngoại?

Tiến trình xử lý các ngân hàng “0 đồng” – kể từ khi được quốc hữu hóa vào năm 2017 – nhìn chung diễn ra khá chậm cho đến khi xuất hiện loạt thông báo dồn dập trong giai đoạn từ quý IV/2024 đến quý I/2025, và được gọi là quá trình “chuyển giao bắt buộc các ngân hàng 0 đồng”, qua đó phân chia lại toàn bộ số ngân hàng thuộc diện này.

Chuyên gia phân tích của VPBankS nhận định, dù động thái này được coi là một biện pháp “làm sạch hệ thống”, trên thực tế đây chính là lần mở cửa đáng kể nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng kể từ khi giấy phép ngân hàng nước ngoài cuối cùng được cấp cho UOB vào năm 2017.

Một số tác động có thể kể đến bao gồm, thông qua việc chuyển giao các ngân hàng 0 đồng dưới hình thức pháp nhân là công ty TNHH MTV, các ngân hàng này có thể được bán 100% cho nhà đầu tư nước ngoài mà không cần sửa đổi luật hiện hành.

Bên cạnh đó, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á, cả ba ngân hàng 0 đồng còn lại đều có mạng lưới chi nhánh hạn chế, nhờ đó trở thành lựa chọn lý tưởng để tái cấu trúc thành ngân hàng số. Vietcombank, MBBank và HDBank đã nhanh chóng công bố thương hiệu ngân hàng mới, phản ánh định hướng trở thành ngân hàng số. VPBank hiện vẫn chưa công bố liệu có tạo dựng thương hiệu riêng cho GPBank hay không. Chuyên gia gọi đây là các ngân hàng số thế hệ mới (Next-gen Neobanks) vì chúng sở hữu giấy phép ngân hàng độc lập.

Một phần trong các “ưu đãi” mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra nhằm khuyến khích các ngân hàng nhận chuyển giao dành nhiều năm để phục hồi các ngân hàng 0 đồng, VPBankS cho rằng có một “cam kết ngầm” rằng NHNN sẽ không cấp thêm giấy phép ngân hàng số thuần túy trong tương lai gần — nhằm duy trì giá trị cao cho nhóm ngân hàng số thế hệ mới này.

Giấy phép ngân hàng vẫn là “viên ngọc quý” trong số các cách thức tiếp cận thị trường, vì nó cho phép phục vụ khách hàng bán lẻ trên toàn bộ chuỗi nhu cầu tài chính. Về mặt lý thuyết, giấy phép này luôn được mở cho nhà đầu tư nước ngoài, với tỷ lệ sở hữu lên tới 49% thông qua EVFTA.

Tuy nhiên, các định chế tài chính đến từ châu Âu thường không mở rộng hoạt động ra ngoài thị trường nội địa, ngoại trừ khu vực Mỹ Latinh hoặc châu Phi, và đặc biệt ít hiện diện tại khu vực Đông Nam Á. Ngược lại, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan có xu hướng chủ động hơn trong việc theo đuổi cơ hội mở rộng tại thị trường ngân hàng Việt Nam.

Do đó, năm 2025 được đánh giá là một dấu mốc quan trọng đối với ngành ngân hàng, khi lần đầu tiên về mặt lý thuyết, các nhà đầu tư đến từ các quốc gia nêu trên có khả năng tiếp cận quyền sở hữu 100% đối với một giấy phép ngân hàng — trong bối cảnh NHNN đã tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài kể từ năm 2017. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, cơ hội này hiện vẫn mang tính lý thuyết, do các “ngân hàng số thế hệ mới” cần thời gian đáng kể để tái cấu trúc, đặc biệt là xử lý tình trạng âm vốn chủ sở hữu và xây dựng lại quy mô khách hàng.

Dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm mạnh hơn trong quý II/2025
MSB dự kiến thoái vốn TNEX Finance, mua lại công ty chứng khoán

Trần Thúy

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ngan-hang-so-the-he-moi-co-hoi-so-huu-vien-ngoc-quy-cho-nha-dau-tu-ngoai-212211.html

In bài viết