Việt Nam tăng trưởng 8%: Chuyên gia quốc tế hiến kế

11:59 | 31/03/2025

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025, nhưng theo các chuyên gia quốc tế, Chính phủ cần cải thiện chính sách tài khóa, nhất là nâng cao chất lượng đầu tư công thay vì chỉ chú trọng giải ngân.
Bloomberg: Việt Nam là điểm đến tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á
Thay đổi tư duy, hành động khác biệt để hiện thực hóa tăng trưởng GDP 8%

Đẩy mạnh đầu tư công

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt mức tăng trưởng cao 8%, thậm chí hai con số, tương tự như Singapore và Trung Quốc trong các giai đoạn phát triển trước đây. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ dàng, đặc biệt khi nền kinh tế đối mặt với rủi ro từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Để duy trì đà tăng 7% năm 2024 và tiến tới 8% hoặc cao hơn trong năm 2025, Việt Nam cần tập trung vào một số lĩnh vực then chốt.

Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore). Ảnh: UOB.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore). (Ảnh: UOB)

Một trong những giải pháp quan trọng mà ông Suan Teck Kin đề xuất là đẩy mạnh đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng và bù đắp cho sự sụt giảm trong xuất khẩu và sản xuất.

Hiện Việt Nam vẫn thiếu hụt hạ tầng nghiêm trọng, trong khi tỷ lệ chi cho hình thành vốn chỉ chiếm khoảng 30% GDP, thấp hơn nhiều so với 41% của Trung Quốc (theo IMF).

Ông Suan nhận định chính sách tài khóa của Việt Nam còn khá thận trọng, với mục tiêu giảm tỷ lệ nợ công/GDP từ 35% xuống 31% vào năm 2029. Ông cho rằng để đẩy mạnh đầu tư công, Việt Nam có thể cần tăng vay nợ và sử dụng thêm đòn bẩy tài chính.

Tuy nhiên, thách thức không chỉ là quy mô đầu tư mà còn nằm ở tốc độ giải ngân. Dù ngân sách đã được phân bổ, tiến độ thực hiện dự án vẫn chậm, làm giảm hiệu quả kích thích kinh tế.

Ông Suan đánh giá cao việc Quốc hội thông qua dự án đường sắt 8 tỷ USD nối Việt Nam - Trung Quốc, mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam và tăng ngân sách cho Bộ Giao thông Vận tải.

Ông cũng nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng trọng yếu như AI/dữ liệu, năng lượng và tài nguyên nước để bảo đảm tăng trưởng bền vững lâu dài.

Kiểm soát lạm phát

Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào, nhận định mục tiêu tăng trưởng 8% là hoàn toàn khả thi nếu có các điều kiện thuận lợi, như nhu cầu mạnh từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, cùng môi trường toàn cầu ổn định, đặc biệt là lãi suất không tiếp tục giảm.

Bà nhấn mạnh rằng chính sách tài khóa của Việt Nam cần được cân đối hợp lý giữa thúc đẩy đầu tư công và kiểm soát nợ công. Theo bà, nâng cao chất lượng đầu tư – thay vì chỉ đẩy nhanh giải ngân – sẽ giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực và tránh lãng phí.

uốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên “ít nhất 8%”.
Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên (Ảnh: Znews)

Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Andrea Coppola, Việt Nam cần theo dõi sát sao lạm phát và “phải làm tất cả những gì cần thiết để thúc đẩy tiềm năng của nền kinh tế”. “Điều này không chỉ là đầu tư năng suất mà phải tăng năng suất, bằng cách sử dụng tài sản một cách hiệu quả hơn nữa”, ông nói.

Trong đó, đầu tư công đặc biệt là hạ tầng đô thị, giao thông và năng lượng, sẽ có ý nghĩa quan trọng với tăng trưởng kinh tế trong điều kiện Chính phủ có thể mở rộng quy mô và bảo đảm chi tiêu hiệu quả.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Ông Louis Kuijs, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, nhận định rằng dù đối mặt với nhiều biến động toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình 6,2% trong suốt thập kỷ qua. Theo ông, Việt Nam đã thành công trong việc tận dụng dòng vốn FDI như một động lực then chốt cho phát triển xuất khẩu – tương tự mô hình Trung Quốc áp dụng sau cải cách năm 1978. Tính đến năm 2024, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tương đương 79% GDP, còn FDI đăng ký đạt khoảng 8% GDP.

Tuy vậy, Việt Nam đang đứng trước áp lực từ các rủi ro thương mại, đặc biệt là nguy cơ bị Mỹ áp thuế do thặng dư thương mại song phương lớn. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào dòng chảy thương mại toàn cầu cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Về dài hạn, ông Kuijs cho rằng Việt Nam cần nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Để đạt được điều này, Chính phủ cần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh trong ngành dịch vụ, và đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Nếu làm được, Việt Nam không chỉ duy trì đà tăng trưởng mà còn đặt nền móng cho một nền kinh tế tăng trưởng bền vững" ông Kuijs nói.

Báo New Zealand đề cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam Báo New Zealand đề cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Tăng trưởng tín dụng 2025: Cơ hội cho ngân hàng nào? Tăng trưởng tín dụng 2025: Cơ hội cho ngân hàng nào?

Phan Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/viet-nam-tang-truong-8-chuyen-gia-quoc-te-hien-ke-211963.html

In bài viết