Các quốc gia hỗ trợ Myanmar cứu hộ cứu nạn sau động đất

11:32 | 31/03/2025

Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ Myanmar sau trận động đất kinh hoàng khiến ít nhất 1.700 người thiệt mạng.
Động đất ở Myanmar, Thái Lan: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết
Chủ động ứng phó sớm với động đất, bài học từ thế giới

Nhiều biện pháp hỗ trợ được triển khai

Tại cuộc họp trực tuyến khẩn cấp của các Ngoại trưởng ASEAN về hỗ trợ Myanmar ngày 30/3, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn tuyên bố sẽ viện trợ khẩn cấp ban đầu trị giá 100.000 USD cho Myanmar.

Myanmar - Ảnh 2. Đoàn cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam làm nhiệm vụ nhân đạo tại Myanmar - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp
Đoàn cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam làm nhiệm vụ nhân đạo tại Myanmar. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Cùng ngày, Việt Nam, Singapore và Malaysia đã triển khai các đội cứu trợ và hỗ trợ nhân đạo đến Myanmar tham gia tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ y tế. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) cũng công bố các biện pháp viện trợ như điều động máy bay cứu hộ, cung cấp thiết bị y tế, máy dò sự sống, cùng các khoản tài chính hỗ trợ ban đầu lên đến hàng triệu USD.

Trung Quốc thông báo đã cử 135 nhân viên cứu hộ cùng vật tư y tế và cam kết hỗ trợ khẩn cấp khoảng 13,8 triệu USD. Nga đã điều 120 nhân viên cứu hộ cùng vật tư đến thành phố Yangon.

Đội cứu hộ của Singapore đã có mặt tại Naypyitaw để tham gia công tác cứu nạn. Malaysia cử một đoàn gồm 50 nhân viên cùng xe tải, thiết bị cứu hộ và vật tư y tế đến Myanmar vào ngày 30/3. Thái Lan thông báo đã điều 55 binh sĩ đến Yangon để hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm cứu hộ. Anh công bố gói viện trợ trị giá 13 triệu USD nhằm hỗ trợ các tổ chức nhân đạo tại Myanmar.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kích hoạt hệ thống phản ứng khẩn cấp và huy động vật tư y tế từ trung tâm hậu cần tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã kêu gọi quyên góp hơn 110 triệu USD để giúp đỡ các nạn nhân của trận động đất, với mục tiêu hỗ trợ khoảng 100.000 người trong giai đoạn hiện tại và kéo dài trong vòng 24 tháng tới.

Khó khăn chồng chất

Theo nhà chức trách Myanmar, ít nhất 1.700 người đã thiệt mạng sau trận động đất (con số thực tế có thể còn tăng trong những ngày tới). Ngày 31/3, hãng AP (Mỹ) dẫn lời bà Cara Bragg, Giám đốc Dịch vụ Cứu trợ Công giáo tại Myanmar, cho biết nhiều khu vực vẫn chưa thể tiếp cận, trong khi phần lớn công tác cứu hộ do người dân tự tiến hành bằng tay, cố gắng đào bới đống đổ nát để tìm kiếm người sống sót. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) ước tính số người thiệt mạng có thể vượt mốc 10.000.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát của một tòa nhà bị hư hại ở Mandalay (Myanmar) vào ngày 29/3/2025. (Ảnh: Getty)
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát của một tòa nhà bị hư hại ở Mandalay (Myanmar) ngày 29/3/2025. (Ảnh: Getty)

Trận động đất đã gây tổn thất nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng, làm hệ thống y tế và điện vốn đã thiếu thốn trở nên quá tải. Liên hợp quốc cho biết các bệnh viện tại Mandalay, Magway và thủ đô Naypyitaw đang phải vật lộn để cứu chữa cho số lượng lớn người bị thương.

Mạng internet và viễn thông tại Myanmar bị gián đoạn nặng nề do ảnh hưởng của động đất, khiến việc liên lạc và tổ chức cứu trợ gặp nhiều trở ngại. Các tuyến đường bộ và hàng không cũng bị gián đoạn nghiêm trọng. Nhiều người dân rơi vào cảnh vô gia cư khi nhà cửa bị sập hoàn toàn.

Liên hợp quốc đánh giá rằng hoạt động cứu trợ tại Myanmar đang gặp vô vàn thách thức do thiếu hụt trầm trọng về vật tư y tế, thiết bị tìm kiếm cứu hộ và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng bị ảnh hưởng.

Trước khi thảm họa xảy ra, hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng của Myanmar đã ở trong tình trạng yếu kém vì thiếu hụt đầu tư lâu dài. Là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, Myanmar luôn gặp khó khăn trong ứng phó với các thảm họa lớn, một phần do hậu quả của các cuộc xung đột kéo dài và tình trạng bất ổn khiến kinh tế trì trệ.

Thêm vào đó, động đất diễn ra trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt giảm ngân sách cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và thu hẹp các quỹ dành cho các dự án nhân đạo toàn cầu, càng khiến việc hỗ trợ Myanmar thêm phần gian nan.

Việt Nam nhanh chóng triển khai phương án hỗ trợ cứu hộ tại Myanmar

Chiều 30/3, đội cứu hộ gồm 106 người của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam đã có mặt tại Yangon (Myanmar). Đội do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng và Đại tá Nguyễn Minh Khương Phó Cục trưởng, Cục phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an dẫn đầu, mang theo hàng cứu trợ.

Việt Nam cũng quyết định hỗ trợ khẩn cấp đồ cứu trợ theo đề nghị của Myanmar, viện trợ 300.000 USD giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất.

Ngay sau khi hạ cánh, lực lượng cứu hộ di chuyển tới điểm tập kết ở thủ đô Naypyidaw, cách Yangon hơn 450km, để trao đổi và phối hợp với phía bạn trong việc triển khai các phương án tìm kiếm nạn nhân.

Dự kiến từ ngày 31/3, đội cứu hộ của Việt Nam sẽ triển khai nhiệm vụ cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đồng thời phân phát hàng cứu trợ đến người dân.

Bộ đội Việt Nam cứu trợ động đất tại Myanmar Bộ đội Việt Nam cứu trợ động đất tại Myanmar
Tình đồng bào của người Việt trong động đất tại Thái Lan Tình đồng bào của người Việt trong động đất tại Thái Lan

Phan Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/cac-quoc-gia-ho-tro-myanmar-cuu-ho-cuu-nan-sau-dong-dat-211960.html

In bài viết